Người làm chứng trong tố tụng hình sự

Người làm chứng trong tố tụng hình sự

Trong tố tụng hình sự, người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến vụ án, nhưng không phải là người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án nên lời khai của người làm chứng thường phản ánh trung thực, khách quan, có ý nghĩa trong việc xác định sự thật của vụ án. Để hiểu rõ hơn về người làm chứng trong tố tụng hình sự, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Khái niệm người làm chứng trong tố tụng hình sự

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng. Lời khai của người làm chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để xác định sự thật của vụ án hình sự. Việc xác định xuất xứ thông tin, lý do vì sao người làm chứng biết được tình tiết đó là một điều cần thiết. Người làm chứng có thể trực tiếp chứng kiến vụ án, trực tiếp biết được những tình tiết có liên quan đến vụ án mà không thông qua một khâu trung gian nào hoặc họ có thể được nghe người khác kể lại. Thông qua việc xác định nguồn gốc của những lời khai này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đề ra được biện pháp thu thập thêm chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ một cách hợp lý.

Ví dụ về người làm chứng: A đang đi bộ thì phát hiện ra B đang cố phá khóa một ngôi nhà, sau đó A hô hoán để mọi người biết thì B liền tẩu thoát nhưng bị người dân đuổi theo và bắt được. Như vậy cơ quan chức năng có thể triệu tập A tham gia lấy lời khai với tư cách là người làm chứng toàn bộ hành vi phạm tội của B.

2. Quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trong tố tụng hình sự

Kế thừa Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003, khoản 2 Điều 66 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định những trường hợp không được làm chứng bao gồm: người bào chữa của người bị buộc tội; người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định người làm chứng có các quyền cơ bản như sau: được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ; yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng; được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài những quyền do luật định, người làm chứng cũng phải thực hiện nghĩa vụ như sau: có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Trường hợp người làm chứng có những hành vi khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Điều 383 Bộ luật hình sự năm 2015, nếu người làm chứng khai không đúng sự thật, cố tình bịa đặt, cung cấp tài liệu giả mạo, gian dối nhằm chuyển hướng dư luận, nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan tố tụng, sẽ phải chịu chế tài hình sự với mức hình phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất là 5 năm tù giam.

3. Các hoạt động tố tụng người làm chứng tham gia theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Theo BLTTHS năm 2015, các hoạt động tố tụng người làm chứng tham gia như sau:

Thứ nhất, tham gia hoạt động khám nghiệm hiện trường.

Khi khám nghiệm hiện trường, điều tra viên cho người làm chứng tham gia trong trường hợp họ đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, đủ điều kiện quan sát các hành vi của người có liên quan và sự vật, sự việc… tại thời điểm tội phạm xảy ra. Chính vì vậy mà sự tham gia của người làm chứng giúp cho người trực tiếp tiến hành khám nghiệm chủ động nắm tình hình về hiện trường, đánh giá tình trạng hiện trường, hình dung được rõ ràng hơn về hiện trường để từ đó có nhận định đúng đắn, phương pháp khám nghiệm phù hợp, đảm bảo thu thập được tất cả các dấu vết liên quan.

Thứ hai, hoạt động lấy lời khai người làm chứng.

Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết về nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác… Điều đó cho thấy, lời khai của người làm chứng có thể cung cấp nhiều thông tin khác nhau như các tình tiết của sự kiện pháp lý, nhân thân của người bị buộc tội, nhân thân bị hại và những tình tiết quan trọng của vụ án.

Thứ ba, tham gia hoạt động đối chất.

Căn cứ khoản 2 Điều 189 BLTTHS năm 2015, đối chất có thể được tiến hành giữa người làm chứng với những người có tư cách là người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự khác mà trước đó họ có đã lời khai theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Như vậy, việc đối chất có sự tham gia của người làm chứng có thể được tiến hành giữa người làm chứng với bị can, người làm chứng với bị hại hoặc giữa những người làm chứng với nhau.

Khi tham gia đối chất, người làm chứng được hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với những người tham gia đối chất, về những tình tiết cần làm sáng tỏ bao gồm những tình tiết mà họ biết được về nguồn tin tội phạm, về vụ án hình sự. Sau khi nghe đối chất, ĐTV có thể hỏi thêm người làm chứng về những tình tiết đó. Trong quá trình đối chất, người làm chứng và những người tham gia đối chất có thể hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời đều được ghi vào biên bản.

Thứ tư, tham gia hoạt động nhận dạng.

Khi cần thiết, người làm chứng sẽ được người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đưa người, ảnh hoặc vật để người làm chứng quan sát, từ đó xác định có hay không có người, vật mà họ đã nhìn thấy trước đó. Người làm chứng tham gia nhận dạng sẽ trải qua quá trình hồi tưởng, tái hiện, nhớ lại, nhận lại đối tượng mà họ đã tri giác, ghi nhớ trước đây khi đối tượng đó xuất hiện và nhận ra được đối tượng này. Hoạt động nhận dạng của người làm chứng là sự truy nguyên về người hoặc vật, góp phần vào việc xác định tính chất vụ án, tìm ra người thực hiện tội phạm, bị hại, vật chứng của vụ án hoặc tung tích nạn nhân.

Thứ năm, tham gia hoạt động nhận biết giọng nói.

Trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Người làm chứng được hỏi trước về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận biết được giọng nói. Sau khi người làm chứng đã xác nhận được giọng nói trong số giọng nói được đưa ra thì phải giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác nhận giọng nói đó.

Thứ sáu, tham gia phiên tòa xét xử.

Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Căn cứ vào nguyên tắc xét xử trực tiếp và bằng lời nói, Tòa án phải xét xử khi có mặt người làm chứng và khi đã được triệu tập, người làm chứng phải có mặt tại phiên tòa, dù trước đó họ đã khai ở Cơ quan điều tra. Sự có mặt của người làm chứng bảo đảm cho việc xác minh trực tiếp, công khai chứng cứ.

Qua bài viết trên đây, Luật Phamlaw đã cung cấp cho Quý khách hàng các quy định về chế định người làm chứng được ghi nhận trong tố tụng hình sự hiện hành. Nếu còn có bất kỳ nghi vấn gì hay muốn biết thêm những quy định về người làm chứng trong tố tụng hình sự, Quý khách hàng vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn. Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)