THỦ TỤC THAY ĐỔI ĐỊA CHỈ CÔNG TY KHÁC QUẬN

Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Luật Phamlaw xin chia sẻ đến các bạn chi tiết về thủ tục thay đổi địa chỉ công ty khác quận.

Thủ tục thay đổi địa chỉ công ty khác quận có đặc thù phức tạp hơn nhiều so với thủ tục thay đổi địa chỉ công ty cùng quận do có phát sinh thêm thủ tục chốt thuế chuyển quận. Tuy nhiên, Phamlaw sẽ hướng dẫn cụ thể để các bạn có thể thực hiện thủ tục này một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Hồ sơ, thủ tục thay đổi địa chỉ công ty khác quận

Để thực hiện việc thay đổi địa chỉ công ty khác quận, các bạn phải thực hiện 02 bước đối với cơ quan thuế nơi đặt địa chỉ cũ và với Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư, cụ thể:

Bước 1: Tiến hành thủ tục về thuế tại Chi cục thuế quận cũ

Căn cứ theo quy định tại Mục 2 Chương II Thông tư số 105/2020 và Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019 về việc Thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế thì:

  1. a) Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký kinh doanh khi có thay đổi địa chỉ trụ sở sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác hoặc thay đổi địa chỉ trụ sở sang địa bàn cấp quận (huyện) khác nhưng cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
  2. b) Người nộp thuế nộp hồ sơ thay đổi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp (cơ quan thuế nơi chuyển đi) để thực hiện các thủ tục về thuế trước khi đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã.

Hồ sơ chốt thuế bao gồm:

  1. Tờ khai điều chỉnh thông tin đăng ký thuế ( Theo mẫu số 08-MST Thông tư 105/2020/TT-BTC ngày 03/12/2020 của Bộ Tài chính)
  2. Bản sao công chứng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty (02 bản)
  3. Giấy ủy quyền của người đại diện pháp luật cho người trực tiếp nộp hồ sơ (Nếu có).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, cơ quan thuế quận cũ sẽ rà soát lại tình hình đóng thuế, tình hình nộp báo cáo của công ty, nếu còn thiếu hoặc sai sót, cơ quan thuế quận cũ sẽ yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện;

Sau khoảng 10-15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thuế sẽ trả mẫu 09-MST Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm. Lúc này trong thông báo nếu còn tồn tại khoản nợ thuế của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải lập tức nộp thuế vào chi cục thuế quận mới để đảm bảo hoàn thành mọi nghĩa vụ thuế.

Sau khi đã hoàn thiện việc chốt thuế với chi cục thuế quận cũ, doanh nghiệp tiếp tục tiến hành bước thứ 2.

Lưu ý:

  1. Trước khi nộp hồ sơ chốt thuế, doanh nghiệp cần chủ động nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn các quý gần nhất thông qua chữ ký số của doanh nghiệp.
  2. Trường hợp hóa đơn theo địa chỉ cũ vẫn còn, nếu:
  • Doanh nghiệp muốn tiếp tục sử dụng thì phải làm thông báo chốt hóa đơn bên quận cũ. Sau đó khắc con dấu vuông địa chỉ mới, đóng lên hóa đơn và làm mẫu TB04/ACnộp lên cơ quan thuế quận mới;
  • Doanh nghiệp không muốn tiếp tục sử dụng thì phải làm thông báo hủy hóa đơn theo mẫu TB03/ACtrên phần mềm HTKK và nộp online trên trang Thuế điện tử. Sau đó, khi đặt in hóa đơn mới với địa chỉ mới thì doanh nghiệp phải làm lại thông báo phát hành hóa đơn mới.
  1. Trong quá trình nộp hồ sơ chốt thuế tại quận cũ doanh nghiệp không được xuất hóa đơn.

Bước 2: Thực hiện thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở chính khác quận tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư.

Hồ sơ bao gồm:

  1. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cụ thể là thông báo về việc thay đổi địa chỉ công ty khác quận (Theo mẫu phụ lục II-1 thông tư 01/2021)
  2. Quyết định của Chủ sở hữu/Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp tương ứng với loại hình công ty TNHH 1 thành viên/TNHH 2 thành viên trở lên/Công ty cổ phần.
  3. Biên bản họp của Hội đồng thành viên/Đại hội đồng cổ đông của công ty TNHH 2 thành viên trở lên/Công ty cổ phần về việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
  4. Giấy ủy quyền cho người trực tiếp thực hiện thủ tục (nếu có)
  5. Bản sao công chứng giấy tờ chứng thực cá nhân của người thực hiện thủ tục;
  6. Thông báo về việc chuyển địa điểm (mẫu 09-MST) do cơ quan thuế bàn giao tại bước 1;

Cách thức thực hiện thủ tục:

Đăng ký nộp hồ sơ qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn) bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh.

Nộp hồ sơ điện tử

+ Người đại diện theo pháp luật/người được ủy quyền kê khai thông tin, tải văn bản điện tử của các giấy tờ chứng thực cá nhân tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để được cấp Tài khoản đăng ký kinh doanh.

+ Người đại diện theo pháp luật/người được ủy quyền sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để kê khai thông tin, tải toàn bộ hồ sơ điện tử ở bước 1 dưới dạng PDF và xác thực hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng.

+ Để hoàn tất việc nộp hồ sơ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, các bạn phải thực hiện thêm một bước liên kết tài khoản ngân hàng để tiến hành thanh toán lệ phí Công bố nội dung đăng ký kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia, mức lệ phí hiện tại năm 2022 về thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là 100.000 đồng.

Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Sau khi thanh toán xong, hồ sơ thành lập công ty mới chính thức được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận. Nếu hồ sơ hợp lệ, dữ liệu doanh nghiệp của bạn sẽ được tự động chuyển sang cơ quan thuế trực tiếp quản lý xác nhận. Sau 03-05 ngày làm việc, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả chấp thuận việc đăng ký chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ nhận được một bản Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.

Nhận kết quả

Sau 03-05 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, có hai cách để nhận kết quả:

+ Cách thứ nhất, đến trực tiếp Phòng Đăng ký kinh doanh Sở kế hoạch – đầu tư để nhận kết quả;

+ Cách thứ hai, đăng ký nhận kết quả qua đường bưu điện thông qua Cổng hỗ trợ tiện ích đăng ký doanh nghiệp của Sở kế hoạch – đầu tư.

Đến bước này, thủ tục chuyển đổi trụ sở chính của doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên doanh nghiệp cần lưu ý các việc sau:

  • Thực hiện việc khắc con dấu mới theo địa chỉ mới;
  • Đặt lại bảng hiệu mới với địa chỉ mới vừa thay đổi;
  • Cập nhật địa chỉ mới với các bên có liên quan như ngân hàng, khách hàng, đối tác, phần mềm BHXH điện tử…

Trên đây là những hướng dẫn chi tiết của Phamlaw gửi đến Qúy khách hàng, hi vọng giúp ích cho Quý khách hàng trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp. Nếu các bạn có bất kỳ khó khăn, vướng mắc nào hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ 24/7.

>> Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (1 bình chọn)