Quy định mới về giải thể theo Luật Doanh nghiệp 2014
Đánh giá quy định mới về giải thể doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bên cạnh các quy định về đăng ký thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thì các quy định về giải thể doanh nghiệp cũng là một trong số những vấn đề mà các doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tổng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm 2015 có hơn 9.400 doanh nghiệp giải thể, 71.300 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, năm 2016, cả nước có 12.478 doanh nghiệp doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3.011 doanh nghiệp so với năm trước. Điều đó cho thấy, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động luôn không ngừng tăng lên theo từng năm. Chính vì vậy, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký gia nhập thị trường của doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp 2014 cũng đã có những điều chỉnh góp phần giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đăng ký rút lui khỏi thị trường khi quy định về quy trình giải thể doanh nghiệp theo hướng tự động.
Cụ thể là thời hạn tối đa để cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện thủ tục xóa tên doanh nghiệp là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể hoặc doanh nghiệp sẽ được tự động giải thể sau 180 ngày kể từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của các bên có liên quan bằng văn bản. Quy định này đã góp phần hạn chế tình trạng bức xúc của xã hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua về các vấn đề như: doanh nghiệp “chết” mà không được chôn, tình trạng doanh nghiệp chật vật xin được chết… đồng thời góp phần làm “sạch” dữ liệu về doanh nghiệp. Tuy nhiên, để quy định này thực sự phát huy được hiệu quả thì đòi hỏi các cơ quan, đặc biệt là cơ quan thuế sẽ phải khẩn trương thực hiện thủ tục quyết toán thuế cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo quy định cũ, cụ thể tại điểm đ khoản 3 Điều 40 Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu. Như vậy, việc trả con dấu là bắt buộc và phải thực hiện trước khi thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, tại thời điểm quyết định giải thể doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng đã thanh toán hết nợ và các nghĩa vụ tài chính, vì thế, việc phải trả con dấu trước khi tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục được hạn chế này, Luật doanh nghiệp 2014 và Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp đã quy định về thành phần hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có), trong trường hợp doanh nghiệp đã trả con dấu và giấy đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an để được cấp giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu thì con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu trong hồ sơ giải thể doanh nghiệp sẽ được thay thế bằng giấy chứng nhận đã thu hồi con dấu. Quy định này góp phần giúp doanh nghiệp linh động hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ giải thể.
Thêm vào đó, Luật doanh nghiệp 2014 cũng đã bổ sung thêm quy định về giải thể doanh nghiệp đối với trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, trong quy định này, cụ thể tại khoản 2 Điều 203 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định về việc trong trường hợp pháp luật có yêu cầu phải đăng báo thì quyết định giải thể phải được đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp. Điều này khiến các doanh nghiệp có phần hoang mang khi không biết việc giải thể của doanh nghiệp mình có thuộc trường hợp pháp luật có yêu cầu phải đăng báo không vì luật không có quy định cụ thể về các trường hợp này, trong khi nhiều doanh nghiệp còn đang phải “oằn mình” chi trả các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài chính chứ chưa nói đến chi phí để đăng tin trên một tờ báo trong ba số liên tiếp.
Trên đây là một số ý kiến đánh giá về các “Quy định mới về giải thể theo Luật Doanh nghiệp 2014“, hy vọng, góp phần giúp các doanh nghiệp cũng như những người muốn tìm hiểu về vấn đề này có thêm một góc nhìn để có thể tự mình đưa ra quan điểm cũng như đánh giá riêng về các quy định của Luật doanh nghiệp 2014 liên quan đến giải thể doanh nghiệp.
—————————
Phòng thủ tục hành chính – Phamlaw
Xem thêm:
- thủ tục giải thể công ty tnhh mtv
- Thủ tục giải thể doanh nghiệp
- Thủ tục giải thể công ty cổ phần
- thủ tục giải thể công ty tnhh