Mà thật ra đâu chỉ Việt Nam mới có nhiều cuộc thi sắc đẹp, hầu như các nước đều tổ chức và được hưởng ứng khá tích cực, về số lượng thì cũng không ít hơn ta là mấy. Có nơi còn có hẳn lò chuyên luyện hoa hậu, thu hút đông đảo các cô gái theo học nghiêm túc và quyết tâm chẳng khác gì các sĩ tử tại các lò luyện thi đại học ở nước mình.
Lại cũng có nhiều người thắc mắc về mục đích của các cuộc thi này là gì? Mục đích chung nhất mà chúng ta vẫn hay thấy trong thông cáo của các cuộc thi là tìm ra nhân vật đại diện cho vẻ đẹp hình thể lẫn tâm hồn để giúp ích cho cộng đồng. Về các cô gái (và các chàng trai) đạt danh hiệu, vẻ đẹp tâm hồn có khi còn lăn tăn chứ vẻ đẹp hình thể thì ít ai phủ nhận, riêng khoản giúp ích cho cộng đồng thì công chúng dễ dàng theo dõi nhất.
Một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong lúc trà dư tửu hậu là các cô hoa hậu làm gì? Làm đẹp cho đời nghe có vẻ chung chung quá nhưng không ai phủ nhận sự hiện diện của một bóng hồng có thể làm tươi mát cả một không gian. Các hoa hậu lại càng đẹp hơn khi tích cực đi làm từ thiện. Cũng có người nói chỉ thích ngắm các cô ấy ở bể bơi thôi. Sao cũng được, miễn có ích, vai trò tích cực trong cuộc sống. Vậy nên, chúng ta không có lý do gì mà phủ nhận vai trò của các cô cũng như sự cần thiết nên có hay không tổ chức các cuộc thi.
Có lẽ các người đẹp vốn thường được nâng niu nên cuộc sống của nhiều cô cũng trở nên dễ dàng. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của truyền thông và công nghệ lăng xê, các hoa hậu ngày ngày xuất hiện ở những nơi sang trọng, quần là áo lượt, trang sức bạc tỷ đã đủ làm bao nhiêu cô gái khác phải ước ao, ghen tỵ. Thế là nhiều người đặt câu hỏi các cô ấy làm gì mà có nhiều tiền đến thế? Có cô chuyên đi event, đóng phim, làm người mẫu cũng có thu nhập khá. Có cô nói tôi có tài năng tôi tự kiếm được tiền, cũng có cô thẳng thắn thừa nhận một cách đầy tự hào mình được ‘đại gia’ bao… Việc nào nghe cũng rất êm ái nên ánh hào quang của chiếc vương miện trở thành niềm mơ ước của nhiều cô gái muốn đổi đời, chứ không thuần túy là muốn giúp ích cho đời như cách các cô ấy trả lời ứng xử.
Nhìn vào những bê bối của các hoa hậu thời gian qua, chúng ta phần nào thấy được mặt trái của chiếc vương miện không phải lúc nào cũng lấp lánh ánh hào quang. Nhiều cô gái trẻ ảo tưởng về danh hiệu hoa hậu như chiếc đũa thần, có thể biến cô bé Lọ Lem thành nàng công chúa sau một đêm. Ham mê danh vọng và thiếu hiểu biết đã đưa nhiều cô gái đến những hành động phi đạo đức, nói dối trắng trợn, không phân biệt được đúng sai… Những scandals hoa hậu như những con sâu làm rầu nồi canh. Thực tế chúng ta vẫn thấy rất nhiều hoa hậu đã và đang đóng góp tích cực cho cộng đồng và được xã hội tôn vinh dù rằng danh hiệu mà các cô ấy đạt được có khi đã rất nhiều năm về trước.
Thật lòng nhìn những scandals và cách ứng phó ngô nghê của một số hoa hậu, tôi thấy rất xót xa cho các cô ấy. Lẽ ra với danh hiệu có được, các cô đã có lợi thế ban đầu hơn hẳn nhiều người đẹp khác, nhưng bản thân họ không biết phát huy theo hướng tích cực. Lý do đơn giản là các hoa hậu quá thiếu kiến thức và kỹ năng sống, nhiều cô chưa thật sự trưởng thành về mặt tâm lý, chưa được chuẩn bị để sẵn sàng cho bước chuyển lớn trong đời mình. Một lý do khác là các hoa hậu thiếu những người có kinh nghiệm để định hướng cho mình sau khi đăng quang.
Trở lại với các cuộc thi hoa hậu ở nước ta, theo tôi cái chúng ta còn thiếu là một “Kế hoạch hậu hoa hậu” để định hướng phát triển một cách đúng đắn cho những cô gái đạt giải cũng như nâng cao uy tín và tính chuyên nghiệp cho các cuộc thi.
Các tân hoa hậu dù đã qua tuổi 18 nhưng nhiều người rất non nớt và mơ hồ về tương lai. Nhất là sau một đêm trở thành người của công chúng, nếu không đủ bản lĩnh sẽ dễ dàng gặp phải cám dỗ khó chối từ. Dưới sự dẫn dắt của Ban Tổ chức cuộc thi, ‘Kế hoạch hậu hoa hậu’ sẽ là bước đệm cho họ ngày một hoàn thiện mình hơn mà vẫn đảm bảo thực hiện được những nhiệm vụ được kỳ vọng. Vì vậy, việc Ban Tổ chức yêu cầu thí sinh ký bản cam kết đồng ý thực hiện nghĩa vụ nếu đạt giải thật ra không có gì lạ vì nó thể hiện tinh thần trách nhiệm của cả hai bên nhằm đạt được mục đích mà cuộc thi đã đề ra một cách trọn vẹn.
Nhìn dưới góc độ quản lý, ‘Kế hoạch hậu hoa hậu’ không có gì phức tạp. Nó cũng giống như việc một doanh nghiệp đề ra một kế hoạch trung hạn trong vòng 2 năm để phát triển một sản phẩm. Kế hoạch phải bao gồm mục tiêu, chiến lược và chiến thuật thích hợp trong từng thời điểm khác nhau. Ban Tổ chức có thể thành lập hẳn một ê-kip chuyên quản lý và điều hành các hoạt động của hoa hậu và các người đẹp đạt giải, chứ không để các người đẹp chân ướt chân ráo tự bơi trong môi trường showbiz đầy phức tạp hoặc nhanh chóng rơi vào tay các ông bầu – gặp phải người có đầu óc chiến lược đúng đắn thì không nói, nếu không thì hậu quả nhãn tiền như một số vụ lùm xùm vừa qua. Hậu quả người chịu thiệt nhất vẫn là bản thân các hoa hậu và ảnh hưởng đến uy tín của Ban Tổ chức cuộc thi, chứ ít ai trách các ông bầu.
‘Kế hoạch hậu hoa hậu’ phải thể hiện sự công bằng cho cả hai bên về cả trách nhiệm, quyền lợi và cách thức chế tài nếu một trong hai bên không hoàn thành nghĩa vụ hoặc vi phạm quy chế. Chúng ta chưa có tiền lệ để một hoa hậu nào bị tước danh hiệu dù rằng các cô ấy rõ ràng là vi phạm quy chế cuộc thi một cách nghiêm trọng. Công bằng mà nói có trường hợp không đủ tiêu chuẩn đăng ký dự thi chứ đừng nói đến việc đăng quang. Nói theo kiểu bình dân là ‘rớt ngay từ vòng gửi xe’, vậy mà vẫn đường đường chính chính trở thành hoa hậu vì đã xuất sắc… lừa dối một cách trót lọt trong cuộc thi, còn nếu bị phát hiện sau khi cuộc thi kết thúc thì xem như vẫn an toàn.
Tạo điều kiện cho các hoa hậu sửa sai có nhiều cách nhưng tuyệt nhiên không phải là hành động lấp liếm che giấu sai phạm – điều mà vô hình trung chẳng khác nào khuyến khích sự không trung thực, đặc biệt là ở những người được xem là ‘đại diện cho vẻ đẹp tâm hồn’ của một cộng đồng hay rộng hơn là một quốc gia. Tương tự, ‘Kế hoạch hậu hoa hậu’ sẽ đảm bảo không có chuyện hoa hậu ‘đột nhiên mất tích’ hằng năm trời rồi quay sang trách móc Ban Tổ chức để mình ‘chìm nghỉm’, đồng thời cũng phải đảm bảo cho hoa hậu có một mức thu nhập phù hợp với công sức đã bỏ ra.
Hai năm trong một nhiệm kỳ hoa hậu không phải là một khoảng thời gian dài. Thay vì vội vàng tranh thủ kiếm tiền hoặc những bổng lộc khác ngay lập tức sau khi đạt giải, đây là khoảng thời gian lý tưởng để các hoa hậu phát triển tố chất, hoàn thiện nhân cách, và từng bước xây dựng hình ảnh cá nhân mình. Nếu có được một ‘Kế hoạch hậu hoa hậu’ tốt, đây sẽ là đòn bẩy cho những điều tốt đẹp nối tiếp về sau. Cũng cần phải nói thêm rằng trong tình huống có hay không có ‘Kế hoạch hậu hoa hậu’ thì hoa hậu cũng phải tự thân vận động, chứ không nên có thái độ ỷ lại vì mình là hoa hậu nên người khác phải làm tất cả cho mình. Đó là một suy nghĩ hết sức sai lầm.
Tôi tin mỗi cô gái từ khi được sinh ra đã là một nàng công chúa của gia đình các bạn, các bạn hãy mạnh dạn tham gia vào các cuộc thi nếu thấy phù hợp để có thêm trải nghiệm cho bản thân, nhưng đừng bao giờ lấy vương miện hoa hậu làm mục tiêu đời mình mà lơ là trau dồi trí tuệ và kỹ năng sống – những điều thiết yếu giúp các bạn có được một cuộc sống vững vàng và độc lập, nhất là khi tuổi trẻ đi qua và nhan sắc phai tàn.
Theo: Huỳnh Thị Ngọc Hân