Cưỡng chế thu hồi đất theo luật định

Câu hỏi: về cưỡng chế thu hồi đất theo luật định

Xin chào quý luật sư phamlaw, chúng tôi có vài thắc mắc muốn nhờ đến sự giúp đỡ của luật sư:

Gia đình tôi năm 1989 được UBND huyện cấp đất ở, diện tích là 200m2 sát đường quốc lộ. Việc giao đất trên thực địa do UBND xã thực hiện nhưng không có giấy tờ thể hiện mốc giới cách mép đường là bao nhiêu. Hiện nay đo tới sát mép đường vẫn là 200m2. Nay UBND xã thu hồi 30m2 đất để mở rộng đường nhưng không bồi thường và không có quyết định thu hồi đất vì cho rằng phần đất bị thu hồi nằm trong hành lang an toàn giao thông. gia đình tôi không đồng ý và không thực hiện yêu cầu trả đất cho GPMB. UBND huyện đã tổ chức cưỡng chế (không có quyết định cưỡng chế)

Xin được hỏi:

1. UBND huyện có các hành vi hành chính nào khi thực hiện nhiệm vụ thu hồi đất trái pháp luật?

2. Gia đình tôi không được bồi thường đúng hay sai? căn cứ vì sao?
3. Việc cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện đúng hay sai? Vì sao? Qui định tại văn bản nào?
4. Gia đình tôi có quyền khiếu nại , khởi kiện theo quy định tại các văn bản pháp luật nào?

>>> Tư vấn luật miễn phí
Trả lời: ( câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Rất cảm ơn gia đình bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến phamlaw chúng tôi, về tình huống bạn đưa ra, chúng tôi xin được trả lời bạn như sau:

Cưỡng chế thu hồi đất theo luật định
Cưỡng chế thu hồi đất theo luật định

Thứ nhất: Về nguồn gốc sử dụng đất và bồi thường đất.

Theo nguồn tin bạn đưa ra thì Đất gia đình bạn được UBND huyện cấp năm 1989 nhưng không biết gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa? Hoặc trên sổ mục kê, sổ địa chính có ghi hồ sơ thửa đất của gia đình bạn như thế nào? kể từ thời điểm được cấp đến nay gia đình bạn có sử dụng ổn định, liên tục đối với diện tích sát mặt đường quốc lộ hay không?

Vì một số thông tin của bạn đưa ra chưa rõ ràng nên tôi đưa ra các giả thiết như sau:

Nếu thửa đất mà gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận hoặc có trong sổ địa chính, sổ mục kê thì gia đình bạn sẽ được bồi thường. (Khoản 1 điều 100 luật đất đai 2013)
Nếu thửa đất đó chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng sử dụng ổn định, liên tục trên thửa đất đó kể từ ngày UBND huyện cấp thì gia đình bạn vẫn được bồi thường (đây thuộc trường hợp sử dụng đất trước ngày 15/10/1993.(Điều 100 Luật đất đai 2013)
Nếu gia đình bạn đang giữ Quyết định cấp đất của UBND huyện thì phải bồi thường cho gia đình bạn (Điều 100 luật đất đai 2013)

Thứ hai: Về việc thu hồi đất

Việc thu hồi đất phải ra quyết định thu hồi, phải thông báo trên phương tiện thông tin của UBND xã, phường. Có quyết định thu hồi tổng thể và chi tiết (đối với mỗi hộ gia đình). Nếu UBND huyện không ra quyết định thu hồi thì đó là việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Thứ ba: Về việc cưỡng chế

Theo quy định tại điểm d khoản 3 điều 70 Luật đất đai 2013:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế
Đồng thời theo quy định tại điều 71 Luật đất đai năm 2013:

Điều 71. Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất

Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật này.
Cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
b) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
c) Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
d) Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất:
a) Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế;
b) Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế;

c) Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; thực hiện phương án tái định cư trước khi thực hiện cưỡng chế; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế; bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất;
b) Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm chủ trì lập phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí cho hoạt động cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện cưỡng chế theo phương án đã được phê duyệt; bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
Trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản; chi phí bảo quản tài sản đó do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán;

c) Lực lượng Công an có trách nhiệm bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất;
d) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc giao, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế thu hồi đất; tham gia thực hiện cưỡng chế; phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng niêm phong, di chuyển tài sản của người bị cưỡng chế thu hồi đất;
đ) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi đất khi Ban thực hiện cưỡng chế có yêu cầu;

Như vậy, việc UBND huyện không ra quyết định cưỡng chế là trái quy định pháp luật.

Thứ tư: Về việc khiếu naị, khởi kiện

Theo quy định của Luật tố tụng hành chính thì bạn có thể khiếu nại hành vi hành chính, quyết định hành chính.

Việc thu hồi đất của gia đình bạn phải có quyết định thu hồi -> Đây là đối tượng khiếu nại, khởi kiện thứ nhất.

Việc cưỡng chế đất phải ra quyết định cưỡng chế -> Đây là hành vi hành chính, đối tượng khiếu nại, khởi kiện thứ hai.

Tóm lại, bạn có thể chọn hai cách: Một là khiếu nại, hai là khởi kiện trực tiếp ra tòa án có thẩm quyền.

Trên đây là câu trả lời của chúng tôi đối với câu hỏi “Cưỡng chế thu hồi đất theo luật định” của bạn, nếu còn những khó khăn, vướng mắc bạn có thể liên hệ trực tiếp đến luật sư theo số tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu 19002118; hoặc số hotline 0973938866 của Phamlaw để được hỗ trợ.

– Liên hệ với luật sư tư vấn của chúng tôi để có được câu trả lời thỏa đáng nhất!

Trân trọng./.

 

 

 

5/5 - (1 bình chọn)