Kính gửi chuyên mục tư vấn luật miễn phí PhamLaw. Xin các luật sư tư vấn giúp gia đình tôi vụ việc như sau:
Tôi đã nộp đơn lên Tòa án yêu cầu hủy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa tôi và Công ty A tại Tòa án Huyện (đã nộp tạm ứng án phí) tôi yêu cầu đòi lại tiền, bồi thường thiệt hại với lý do công ty vi phạm thời gian làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi. (Thỏa thuận trong hợp đồng là 06 tháng). Giữa tôi và Công ty đã nhiều lần thương lượng không thành, trong trường hợp công ty A cố tình không hợp tác thì tôi có cách nào lấy lại được tiền hay không? Xin cho tôi hỏi có quy định về thời gian thụ lý giải quyết hồ sơ án dân sự cụ thể không? Và cho tôi hỏi thế nào là vụ việc đơn giản và phức tạp?
Trả lời: (Câu trả lời có tính chất tham khảo)
Đối với trường hợp của bạn, nếu công ty không hợp tác thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật. Về thời hạn thụ lý, giải quyết được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:
* Thủ tục nhận đơn khởi kiện (Điều 167 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015): Toà án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Toà án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:
– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
– Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;
– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.
* Thời hạn chuẩn bị xét xử (Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015):
– Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:
a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án;
b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án.
Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b nêu trên.
Nếu Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.
* Vụ án có tính chất phức tạp theo quy định nêu trên: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự:
“Những vụ án có tính chất phức tạp” là những vụ án có nhiều đương sự, có liên quan đến nhiều lĩnh vực; vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc cần phải giám định kỹ thuật phức tạp; những vụ án mà đương sự là người nước ngoài đang ở nước ngoài hoặc người Việt Nam đang cư trú, học tập, làm việc ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài cần phải có thời gian uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự, ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài,… Tuy nhiên, đối với trường hợp cần phải chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cần phải chờ kết quả giám định kỹ thuật phức tạp hoặc cần phải chờ kết quả uỷ thác tư pháp mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử (kể cả thời gian gia hạn), thì Thẩm phán căn cứ vào khoản 4 Điều 189 của Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Trên đây là quan điểm của PhamLaw đối với trường hợp của bạn, nếu bạn còn những vướng mắc có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được hỗ trợ và tư vấn thêm.
Trân trọng./.