Những vấn đề xoay quanh Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Những vấn đề xoay quanh Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Trong mô hình công ty cổ phần, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan cao nhất được coi là cơ quan quyết định tổng thể các vấn đề chủ chốt của công ty, bởi vậy Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được đưa ra để thông qua các chính sách, định hướng phát triển của công ty, thay đổi, hoặc các vấn đề liên quan đến việc thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty bởi vậy trình tự thủ tục thông qua nghị quyết được thực hiện vô cùng chặt chẽ. Để đảm bảo sự chặt chẽ đó, pháp luật hiện hành đưa ra những quy định nghiêm ngặt về cách thức tổ chức, các nội dung và hình thức thông qua Nghị quyết,… Vậy Những vấn đề xoay quanh Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần được pháp luật hiện hành quy định cụ thể như thế nào? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Hình thức thông qua nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Đại hội cổ đông là cuộc họp thường niên hoặc bất thường của các cổ đông trong công ty cổ phần. Để các nghị quyết được thông qua cần có những điều kiện nhất định và chỉ có giá trị pháp lý khi thoả mãn các điều kiện được quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 147 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì Đại hội đồng cổ đông thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về “sửa đổi,bổ sung các nội dung của Điều lệ công ty, định hướng phát triển công ty; loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác; thông qua báo cáo tài chính hằng năm; tổ chức lại, giải thể công ty” thì tất cả phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

Nghị quyết về: loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty; Tổ chức lại, giải thể công ty, các vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định,… được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3, 4 và 6 Điều 148 Luật doanh nghiệp 2020; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Có các phương thức sau để xác định tỷ lệ số phiếu biểu quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Phương thức bầu dồn phiếu: Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, việc biểu quyết bầu thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi cổ đông có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tổng số cổ phần sở hữu nhân với số thành viên được bầu của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát và cổ đông có quyền dồn hết hoặc một phần tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên. Người trúng cử thành viên Hội đồng quản trị hoặc Kiểm soát viên được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị hoặc Ban kiểm soát thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy định tại quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.

Phương thức lấy ý kiến bằng văn bản: Trường hợp thông nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu số cổ đông đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông phải được thông báo đến cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua; trường hợp công ty có trang thông tin điện tử, việc gửi nghị quyết có thể thay thế bằng việc đăng tải lên trang thông tin điện tử của công ty.

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Đây là quy định mới của Luật doanh nghiệp 2020 so với Luật doanh nghiệp 2014 nhằm bảo vệ quyền lợi của nhóm cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi.

Tóm lại, có thể thấy rằng tùy vào những vấn đề cụ thể mà điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua cũng khác nhau. Do đó, có thể áp dụng đúng quy định nêu trên vào từng trường hợp nếu Điều lệ công ty không có thỏa thuận khác.

2. Huỷ bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Cổ đông, nhóm cổ đông trong doanh nghiệp có quyền đề nghị huỷ bỏ nhiều quy định mà mình cho rằng không hợp lý, và trong đó có thể có cả yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Điều 151 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau:

Thứ nhất về trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 152 của Luật doanh nghiệp 2020.

Nếu trình tự, thủ tục triệu tập hoặc ra quyết định trong Đại hội đồng cổ đông mà không thực hiện đúng theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và Điều lệ công ty thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông nêu trên có quyền yêu cầu hủy bỏ, Quy định này bị ngoại trừ trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 152 Luật doanh nghiệp năm 2014 khi “Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự, thủ tục triệu tập họp và thông qua nghị quyết đó vi phạm quy định của Luật này và Điều lệ công ty.”.

Thứ hai, về Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.

Ở đây vấn đề được hiểu là nội dung nghị quyết có vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty. Nếu nội dung nghị  quyết của Đại hội đồng cổ đông đã vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông nêu trên có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần nội dung nghị quyết.

Quy định trên cho thấy, Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác. Cụ thể, khoản 1 Điều 166 Luật doanh nghiệp năm 2020.

Một vấn đề khác có thể dẫn đến sự kéo dài thời hạn về cổ đông hoặc nhóm cổ đông yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông bởi Luật doanh nghiệp quy định trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu. Tuy nhiên, nếu cổ động vì một lý do khách quan nào đó mà không nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thì thời hạn yêu cầu huỷ “không chỉ dừng trong thời hạn 90 ngày” mà nó có thể kéo dài hơn quy định về thời hạn của Luật doanh nghiệp năm 2020. Quyền yêu cầu hủy quyết định của Đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp nhất định cũng là một quyền quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi của cổ động.

Ví dụ thực tế về thực hiện quyền này của cổ đông :

Tại Luật doanh nghiệp, hàng loạt quy định về quyền, nghĩa vụ của cổ đông, Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc… đã được đưa ra. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều quy định đang bị vi phạm và cổ đông vẫn khó để tìm ra cách thức hữu hiệu buộc công ty phải tuân thủ thuật.

Chẳng hạn, điểm đ khoản 1 Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020 thông tin trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác. Trên thực tế, nhiều trường hợp, cổ đông đề nghị công ty cung cấp danh sách cổ đông nhưng đều không nhận được.

Công ty không hẳn từ chối thẳng thừng”yêu cầu này, nhưng rất “sáng tạo” trong việc nghĩ ra lý do để khất lần. Sau vài lần đi lại, cổ đông đành bỏ qua dù rất bức xúc. Thiếu đi bản danh sách này, các cổ đông nhỏ sẽ khó liên kết, tập hợp với nhau đi tỷ lệ 1%, 5%, 10% để có thể yêu cầu nhiều quyền hơn theo quy định của luật pháp.

Từ ví dụ trên ta thấy, để yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông cần phải lưu ý một số vấn đề pháp lý sau:

Một là, xác định thời hiệu yêu cầu hủy bỏ quyết định: Trong thời hạn chín mươi (90) ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 1% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp theo quy định.

Hai là, xác định cơ quan giải quyết tranh chấp: Cơ quan quyết tranh chấp có thể là một tổ chức trọng tài nếu: (i) Điều lệ công ty quy định rõ cơ quan tài phán là một tổ chức trọng tài hoặc (ii) Điều lệ công ty mặc dù không quy định cơ quan trọng tài nhưng trong hoặc sau khi phát sinh tranh chấp các bên có liên quan thông nhất chọn một tổ chức trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp.

Cơ quan giải quyết tranh chấp có thể là Tòa án có thấm nếu: Điều lệ công ty không quy định hoặc quy định không rõ ràng về cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp trong trường hợp này và sau khi tranh chấp phát sinh các bên cũng không thống nhất để lựa chọn một tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp; hoặc (ii) Các bên có thỏa thuận về trọng tài nhưng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu theo quy định của pháp luật về trọng tài.

Ba là, việc nộp đơn kiện và cung cấp, xuất trình chứng cứ: Cổ động hoặc nhóm cổ đông có quyền gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc gửi đơn đến tổ chức trọng tài để yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông.

Đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện này phải đáp ứng được một số nội dung theo quy định của pháp luật, kèm theo là bản sao hợp lệ biên bản cuộc họp (biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông) và quyết định của Đại hội đồng cổ đông được yêu cầu huỷ bỏ; và các chứng cứ chứng minh rằng trình tự và thủ tục triệu tập họp Đại hội đồng cổ động không thực hiện đúng theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020 và Điều lệ công ty như bản sao hợp lệ Điều lệ công ty, các thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông đã ban hành quyết định được yêu cầu huỷ bỏ như giấy triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông, danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông…

3. Hiệu lực các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Theo quy định tại Điều 152 Luật doanh nghiệp năm 2020, các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực như:

– Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm có hiệu lực ghi tại nghị quyết đó.

– Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự, thủ tục triệu tập họp và thông qua nghị quyết đó vi phạm quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

– Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 151 của Luật doanh nghiệp 2020, nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi quyết định hủy bỏ nghị quyết đó của Tòa án, Trọng tài có hiệu lực, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Quy định về hiệu lực các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là cơ sở để các cổ đông có thể vận dụng để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong công ty. Thực tế trong nhiều năm qua, việc khởi kiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông không phải là hiếm gặp tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nghị quyết được thông qua phù hợp với Điều lệ công ty và đúng quy định của pháp luật thì các bên nên nghiêm túc thực hiện, triển khai thi hành nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, hạn chế các tranh chấp phát sinh không đáng có để tập trung vào công việc chính của doanh nghiệp.

Trên đây là bài viết về Những vấn đề xoay quanh Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)