Quyền khởi kiện của thành viên và cổ đông doanh nghiệp

Quyền khởi kiện của thành viên và cổ đông doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 72 của Luật Doanh nghiệp 2020, Thành viên công ty có thể tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác do vi phạm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

Cũng tương tự như vậy, quyền khởi kiện của cổ đông công ty cổ phần được quy định tại Điều 166 của Luật Doanh nghiệp 2020.

Pháp luật về Tố tụng dân sự của Việt Nam hiện nay chưa có các quy định để hướng dẫn cụ thể hơn về quyền khởi kiện của thành viên và cổ đông trong trường hợp có quy định tại Điều 72 và Điều 166 của Luật Doanh nghiệp 2020. Do vậy, khi khởi kiện tại thời điểm hiện nay, thành viên và cổ đông phải dựa hoàn toàn và quy định tại Điều 72 và Điều 166 của Luật Doanh nghiệp 2020.

Quyền khởi kiện của thành viên và cổ đông doanh nghiệp
Quyền khởi kiện của thành viên và cổ đông doanh nghiệp

> xem thêm Thủ tục giải thể công ty tnhh theo quy định mới nhất hiện hành

Về hình thức quyền khởi kiện của cổ đông hoặc thành viên Công ty TNHH

Thành viên có quyền khởi kiện trực tiếp và quyền khởi kiện phái sinh khi thay mặt công ty TNHH khởi kiện đối với các hành vi vi phạm của người quản lý quy định tại Điều 72 của Luật Doanh nghiệp 2020. Cũng tương tự như vậy, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền khởi kiện trực tiếp và quyền khởi kiện phái sinh khi thay mặt công ty cổ phần khởi kiện đối với các hành vi vi phạm của người quản lý quy định tại Điều 166 của Luật Doanh nghiệp 2020. Quyền khởi kiện của thành viên và cổ đông chỉ giới hạn ở trách nhiệm dân sự của người quản lý và do vậy, quyền khởi kiện theo Điều 72 và Điều 166 không liên quan đến các loại trách nhiệm khác như trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính.

Về yêu cầu đối với nguyên đơn

Thứ nhất: Về nguyên đơn. Trong trường hợp quyền khởi kiện phát sinh trên cơ sở trực tiếp, nguyên đơn là bản thân thành viên hoặc cổ đông chịu thiệt hại.

Nếu nguyên đơn là chính bản thành thành viên hoặc cổ đông thì về mặt pháp lý để khởi kiện sẽ không có khó khăn gì. Thành viên hoặc cổ đông có thể tự mình nộp đơn khởi kiện mà không cần có sự tham gia của công ty. Còn trong trường hợp nếu công ty là nguyên đơn hoặc tham gia với tư là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vấn đề sẽ trở lên phức tạp hơn vì công ty có thể không muốn tham gia vào vụ kiện.

Thứ hai: Bị đơn. Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, bị đơn trong một vụ kiện trực tiếp và phái sinh của thành viên khá rộng, bao gồm chủ tịch hội đồng thành viên, (tổng) giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cả những người quản lý khác của CTNTHH. Về bản chất, bị đơn chỉ bao gồm người quản lý trong công ty TNHH. Bị đơn không bao gồm các bên thứ ba ngoài công ty.

Trong CTCP, bị đơn trong một vụ kiện trực tiếp và phái sinh chỉ giới hạn ở thành viên hội đồng quản trị và (tổng) giám đốc CTCP. Khác với trường hợp CTTNHH, bị đơn không bao gồm các người quản lý khác. Bị đơn cũng không bao gồm các bên thứ ba ngoài công ty.

Về cơ sở quyền khởi kiện của cổ đông hoặc công ty TNHH

Hành vi vi phạm của người quản lý là cơ sở khởi kiện trong một vụ kiện trực tiếp hoặc phái sinh. Hành vi vi phạm chủ yếu là việc vi phạm trách nhiệm của người quản lý. Các hành vi vi phạm bao gồm:

  • Không thực hiện đúng các quyền và nhiệm vụ được giao;
  • Không thực hiện đúng quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Đại hội đồng thành viên hoặc hội đồng quản trị;
  • Thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao trái với quy định của pháp luật hoặc điều lệ công ty;
  • Sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;
  • Lạm dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác; và
  • Vi phạm trong “các trường hợp khác” theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty.

Ngoài các trường hợp vi phạm theo quy định tại Điều 72 và Điều 166 của Luật Doanh nghiệp 2020, điều lệ của công ty có thể quy định các loại vi phạm khác nhau của người quản lý công ty TNHH hoặc CTCP làm phát sinh quyền khởi kiện trực tiếp hoặc phái sinh của thành viên công ty TNHH hoặc CTCP.

Một điều cần lưu ý là Điều 72 và Điều 166 Luật doanh nghiệp 2020 không yêu cầu khi thành viên khởi kiện người quản lý nhân danh công ty, công ty phải chịu thiệt hại từ hành vi vi phạm của người quản lý. Thiệt hại của công ty và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại không phải là một điều kiện cho quyền khởi kiện. Đứng từ góc độ thực tế, cho dù không có yêu cầu này thì để chứng minh và yêu cầu đền bù thiệt hại, thành viên khởi kiện cần chứng minh thiệt hại của công ty và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của người quản lý và thiệt hại của công ty.

Về quyền ưu tiên khởi kiện của công ty

Trong vụ kiện phái sinh, thành viên hoặc cổ đông khởi kiện không cần thông báo trước cho công ty về việc mình khởi kiện và dành quyền ưu tiên cho công ty khởi kiện người quản lý nếu công ty muốn. Do vậy, công ty có thể không biết việc thành viên hoặc cổ đông khởi kiện người quản lý công ty. Công ty sẽ không có cơ sở gì để chấm dứt hành vi khởi kiện của thành viên hoặc cổ đông trừ khi chính bản thân công ty quyết định khởi kiện thành viên hoặc cổ đông vi phạm. Nếu không tự mình khởi kiện, công ty không có cơ sở rõ ràng theo luật để chấm dứt hoặc làm ảnh hưởng đến việc khởi kiện của thành viên hoặc cổ đông (ví dụ trên cơ sở vụ kiện không phục vụ vì lợi ích công ty đã có xử lý người quản lý thông qua các biện pháp phi tố tụng như đền bù thiệt hại theo thỏa thuận giữa công ty và người quản lý).

Về quyền của thành viên hoặc cổ đông khởi kiện và công ty trong quá trình vụ kiện

Luật Doanh nghiệp 2020 chưa làm rõ quyền của thành viên hoặc cổ đông khởi kiện và công ty trong trường hợp vụ kiện phái sinh. Do thành viên hoặc cổ đông chỉ có quyền khởi kiện trách nhiệm dân sự nên về mặt lý thuyết thành viên hoặc cổ đông chỉ có quyền nhân danh công ty yêu cầu người quản lý đền bù thiệt hại cho công ty.

Chi phí khởi kiện trong trường hợp thành viên hoặc cổ đông khởi kiện nhân danh công ty được tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp thành viên hoặc cổ đông khởi kiện bị bác yêu cầu khởi kiện. Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định cụ thể về chi phí khởi kiện bao gồm những loại chi phí nào và đặc biệt là điều kiện để chi phí khởi kiện được công nhận. Đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của thành viên hoặc cổ đông khởi kiện vì thành viên hoặc cổ đông không muốn phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với chi phí khởi kiện trong trường hợp khởi kiện nhân danh công ty.

Bài viết này mục đích cho bạn đọc tham khảo, nếu muốn được trao đổi chuyên sâu hơn nữa về vụ việc của bạn, vui lòng kết nối đến số tổng đài tư vấn để được các luật sư giải đáp, hỗ trợ.

Luật Phamlaw hiện tư vấn chuyên sâu đối với tranh chấp cổ đông, thành viên góp vốn, tư vấn soạn thảo mẫu đơn khởi kiện mới nhất theo quy định hiện hành.

———————–

Phòng biên tập – Công ty luật Phamlaw

> xem thêm Thủ tục giải thể công ty tnhh 2 thành viên

 

 

5/5 - (1 bình chọn)