Đòi lại tài sản khi đã bán cho người khác

Kính gửi các luật sư công ty tư vấn luật Phạm Law. Tôi mong các luật sư tư vấn giúp trường hợp của tôi như sau:

Tôi có mua lại 1 xe ô tô của anh A, là người quen cũ của tôi. Chiếc xe oto này của một công ty đã thanh lý và có làm hợp đồng cho anh A này rồi. Giờ công ty đòi trả lại ô tô và nói có trả lại 1 khoản tiền cho tôi (Bằng 1/4 số tiền tôi bỏ ra mua). Vậy các luật sư cho tôi hỏi công ty kia có quyền đòi lại oto của tôi hay không? Quyền lợi của tôi đối với cái ô tô này là như thế nào?

Tôi xin được cám ơn các luật sư.

Trả lời:

Chào bạn, với tình huống của bạn tôi xin được tư vấn như sau

Thông tin bạn cung cấp chưa được rõ ràng nên tôi sẽ chia thành các trường hợp cho bạn tham khảo:

Trường hợp 1: Anh A kia có chứng cứ để chứng minh chiếc ô tô này được họ mua lại từ việc bán thanh lý tài sản của công ty hay không? (Thông qua 1 hợp đồng chẳng hạn)

Như vậy, công ty không có căn cứ gì để đòi lại chiếc ô tô mà bạn đã mua, bạn có toàn quyền sở hữu và định đoạt chiếc ô tô đó.

Trường hợp 2: Anh A có được chiếc ô tô đó của công ty kia một cách không hợp pháp (tức là không có căn cứ pháp luật).

Nếu như vậy trường hợp này theo quy định pháp luật dân sự thì bạn là người thứ ba ngay tình.

1. Người thứ ba ngay tình là người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản nhưng ngay tình.

Việc chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản là việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với Điều 183 Bộ luật Dân sự, tức là không rơi vào các trường hợp sau:

– Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

– Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

– Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

– Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;

– Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;

– Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Tức là, trường hợp bạn mua chiếc ô tô đó từ anh A kia mà không biết và không thể biết về việc người đó không phải là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc ô tô hoặc không có quyền bán chiếc ô tô đó.

Trường hợp này, công ty chỉ có quyền đòi lại chiếc ô tô của bạn trong trường hợp quy định tại Điều 257 Bộ luật Dân sự như sau: người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

Quyền lợi của bạn được bảo vệ khi công ty đòi lại chiếc ô tô như sau:

– Trường hợp 1: Chủ sở hữu tài sản đòi lại tài sản theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Dân sự thì người thứ ba ngay tình phải trả lại tài sản mà mình đang chiếm giữ cho chủ sở hữu đích thực của tài sản và lợi ích của họ sẽ được pháp luật bảo vệ bằng cách:

+ Được yêu cầu bồi thường thiệt hại (giá trị đòi bồi thường là giá trị của giao dịch mà họ đã xác lập và các thiệt hại khác nếu có như hệ số trượt giá của tài sản …)

+ Được hưởng hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản kể từ thời điển bắt đầu chiếm hữu đến thời điểm phải hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu.

+ Được thanh toán những chi phí đã bỏ ra để làm tăng giá trị cho tài sản.

Trường hợp thứ 2: Nếu không đúng trường hợp theo Điều 257 Bộ luật Dân sự thì công ty không có quyền đòi lại tài sản hoặc bạn đã chiếm hữu ngay tình theo thời hiệu tại Điều 247 Bộ luật Dân sự là 10 năm đối với chiếc ô tô, trừ trường hợp chiếc ô tô bạn mua là tài sản của nhà nước. Tức là nếu bạn đã chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai chiếc ô tô đó trong 10 năm thì công ty trên không có quyền đòi lại dù người bán cho bạn có lấy cắp của công ty.

Trên đây là quan điểm của Phạm Law đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn vui lòng kết nối lại chúng tôi sẵn sàng giải đáp  mọi vướng mắc của bạn.

Trân trọng./.

5/5 - (1 bình chọn)