Thực hiện uỷ quyền khi đang ở nước ngoài
Thưa Luật sư!
Tôi và chị gái có đứng tên chung trên sổ hồng của 01 căn nhà tại Bình Dương. Hiện tại chúng tôi quyết định chuyển nhượng lại căn nhà này do được giá, tuy nhiên, chị gái tôi lại đang công tác dài hạn ở Mỹ. Vậy, chị gái tôi muốn uỷ quyền lại cho tôi quyền định đoạt và thực hiện thủ tục chuyển nhượng thì chị gái tôi cần làm gì? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.
Cảm ơn Luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật dân sự 2015
Văn bản hợp nhất 07/2018/VBHN-VPQH
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Giấy uỷ quyền là gì?
Ủy quyền là việc giao cho một người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp.
Giấy ủy quyền là một văn bản pháp lý trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền. Việc lập giấy ủy quyền liên quan đến công việc ủy quyền không có thù lao, chủ yếu dựa vào uy tín và không quá ràng buộc trách nhiệm giữa các bên.
2. Thẩm quyền công chứng hợp đồng ủy quyền tại nước ngoài về Việt Nam
Thẩm quyền về công chứng chứng thực hợp đồng, giấy ủy quyền của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thuộc về cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, có thể là cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và các cơ quan khách được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Để văn bản ủy quyền có giá trị pháp lý, người ủy quyền có thể lựa chọn một trong hai hình thức: Công chứng văn bản ủy quyền hoặc chứng thực hợp đồng ủy quyền tại một trong các cơ quan nêu trên.
Thẩm quyền chứng thực, công chứng văn bản ủy quyền của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại như sau:
Thứ nhất, Theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật các cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2017 thì cơ quan đại diện nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ thực hiện công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên; tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận.
Thứ hai, Theo quy định tại Điều 78 Văn bản hợp nhất 07/2018/VBHN-VPQH thì việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được quy định như sau: “Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.”
Thứ ba, Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản thuộc về phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản ủy quyền. Viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự ký chứng thực và đóng dấu của Cơ quan đại diện.
Ngoài ra, người ủy quyền có thể lựa chọn một trong các hình thức văn bản ủy quyền là hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền. Người ủy quyền cũng có thể lựa chọn công chứng văn bản ủy quyền (công chứng cả chữ ký và nội dung hợp đồng không trái đạo đức, không trái pháp luật) hoặc chứng thực chữ ký trên văn bản ủy quyền (chứng thực chỉ xác nhận chữ ký do đúng người ký, không bảo đảm về nội dung).
3. Thực hiện uỷ quyền khi đang ở nước ngoài
Căn cứ tại Điều 195 Bộ luật dân sự 2015 quy định về quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu như sau: “Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật”.
Theo đó, khi chị gái bạn không thể ở Việt Nam để thực hiện các thủ tục bán căn nhà thì chị gái bạn hoàn toàn có thể ủy quyền cho bạn bán căn nhà đó. Việc ủy quyền bán căn nhà phải được lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền.
Cũng theo khoản 2 Điều 55 Văn bản hợp nhất 07/2018/VBHN-VPQH quy định: “Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”.
Do chị gái bạn ở bên Mỹ không thể về Việt Nam nên hợp đồng ủy quyền của chị gái bạn cần phải được công chứng tại hai nơi khác nhau, và chị gái bạn cần làm hợp đồng ủy quyền bên Mỹ trước, chị gái bạn có thể đến Đại sứ quán của Việt Nam tại Mỹ để công chứng hợp đồng ủy quyền trên sau đó gửi về Việt Nam để bạn tiếp tục mang giấy ủy quyền này đến tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam để được công chứng một lần nữa. Sau khi đã hoàn thành thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền theo đúng quy định thì bạn hoàn toàn có thể thay chị gái bạn bán căn nhà trong khi chị gái bạn đang ở bên Mỹ.
Phamlaw hy vọng bài viết này đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Xem thêm:
- Mẫu giấy ủy quyền tham gia tố tụng dân sự
- Hợp đồng ủy quyền theo quy định pháp luật
- Đại diện theo ủy quyền