Cây đổ vào người đi đường, trách nhiệm thuộc về ai?

Cây đổ vào người đi đường, trách nhiệm thuộc về ai?

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Duong…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Rất nhiều người dân bức xúc cho rằng năm nào cũng mưa lớn, cây đổ đè chết hoặc bị thương về người và của xảy ra trên cả nước, nhưng cơ quan chức năng chưa có một giải pháp hữu hiệu nào để chấm dứt tình trạng này. Luật sư có thể giải đáp thắc mắc này giúp tôi được không? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi. Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật dân sự 2015

Văn bản hợp nhất 05/2018/VBHN-BXD

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Cây đổ làm người bị thương, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai?

Căn cứ tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau:

“Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.”

Tuy nhiên, không phải thiệt hại nào cũng sẽ được bồi thường. Một thiệt hại xảy ra chỉ phát sinh trách nhiệm bồi thường khi có đủ cả ba yếu tố sau:

  • Có thiệt hại xảy ra trên thực tế
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra
  • Có yếu tố lỗi

Khi có đủ ba yếu tố trên thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường. Đối với các cây xanh trên tuyến đường đô thị, quyền sở hữu thuộc về nhà nước. Từng địa phương lại đều giao cho các công ty cây xanh quản Như vậy theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015, công ty cây xanh sẽ là đối tượng có trách nhiệm bồi thường. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp bất khả kháng hoặc do lỗi của người bị thiệt hại theo khoản 2 điều 584 nêu trên, công ty cây xanh sẽ không phải bồi thường. Đó là trường hợp tai nạn do sự kiện bất khả kháng gây ra.

Cay Do Vao Nguoi Di Duong Trach Nhiem Thuoc Ve Ai
Cây đổ vào người đi đường, trách nhiệm thuộc về ai?

2. Trường hợp bất khả kháng thì không phải bồi thường

Trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 584, BLDS 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Ngoài ra, căn cứ tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Nếu lường trước được mà để xảy ra thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Tính chất không lường trước được, tính chất không thể tránh được và không thể chống đỡ được phải được xem xét, đánh giá cụ thể trong từng trường hợp. Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cụ thể như trên, tuy nhiên thực tế, để xác định một sự kiện là bất khả kháng thì còn nhiều tranh luận.

Nếu chủ sở hữu cây xanh muốn chứng minh sự cố bất khả kháng trong trường hợp này (do mưa bão) thì phải chứng minh được việc mình đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, như: Kiểm tra, cắt tỉa nhánh cây rộng, hư hỏng, kiểm tra gốc rễ trước khi xảy ra mưa bão, nhưng sau đó vẫn xảy ra hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của bên thứ ba.

Để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem Công ty quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…). Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.

Căn cứ Điều 11 Văn bản hợp nhất 05/2018/VBHN-BXD hợp nhất Nghị định về quản lý cây xanh đô thị do Bộ Xây dựng ban hành quy định:

“Điều 11. Quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị

1. Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.

3. Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

4. Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.”

Như vậy, trách nhiệm của Công ty quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ những phần thân cây mang tính chất rủi ro tiềm tàng. Trong trường hợp không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ, gãy gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp cây xanh ngã đổ trong hoàn cảnh thời tiết bình thường, không phải sự kiện bất khả kháng và gây chết người thì đơn vị quản lý cây xanh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bởi vì, đơn vị quản lý cây xanh phải biết tình trạng của cây xanh do mình quản lý, nếu cây ngã đổ là do khâu quản lý, chăm sóc cây yếu kém, thiếu trách nhiệm. Theo Luật Phamlaw, các vụ việc như thế này cần phải điều tra xử lý một cách thấu đáo, không thể bất cứ vụ tai nạn do cây xanh đổ gãy cứ mặc nhiên đều xem là trường hợp bất khả kháng để lờ đi trách nhiệm của mình.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nội dung Cây đổ vào người đi đường, trách nhiệm thuộc về ai? Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)