Điều kiện, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Câu hỏi: Điều kiện, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Xin chào Luật sư,

Tôi đã lấy vợ và tách ra ở riêng, nên được bố mẹ cho một diện tích đất trồng lúa là 500 m2. Do trồng lúa không thì không có lãi, nên tôi muốn chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng lúa kết hơp với nuôi trồng thủy sản. Vậy Luật sư trả lời cho tôi biết, khi chuyển đổi như vậy tôi phải đáp ứng những điều kiện gì, thực hiện những thủ tục gì? Ngoài ra, đất trồng lúa kết hợp với trồng thủy sản có được Nhà nước hỗ trợ về tài chính như đối với đất trồng lúa không?

Trân trọng cám ơn!

Điều kiện, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
Điều kiện, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào bạn,

Đất trồng lúa là một trong những loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp theo Luật đất đai 2013. Xuất phát từ chức năng mà đất trồng lúa có vai trò quan trọng trong ổn định an ninh lương thực và phát triển kinh tế. Do đó, việc chuyển đổi đất trồng lúa phải đáp ứng được các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Với trường hợp của bạn, Phamlaw xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản

Căn cứ theo Khoản 1 điều 4 Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:

“1. Điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:

a) Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại: Không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa;

b) Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã (sau đây gọi là kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa);

c) Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa.”

Như vậy, bạn cần đảm bảo các điều kiện trên để được chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Diện tích đất chuyển đổi này vẫn được thống kê là đất trồng lúa và được hưởng các biện pháp hỗ trợ theo quy định của pháp luật đất đai, trừ diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây hàng năm hoặc nuôi trồng thủy sản.

Thứ hai, thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

Khi chuyển đổi đất trồng lúa thành trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, người sử dụng đất cần thực hiện như sau:

  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa hợp pháp (người sử dụng đất) có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, gửi trực tiếp tới Ủy ban nhân dân cấp xã 01 Đơn đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BTNMT ngày 27/6/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 vè quản lý sử dụng đất trồng lúa;
  • Trường hợp Đơn đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của xã, trong thời gian năm (05) ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào Đơn đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại Đơn cho người sử dụng đất;

Trường hợp Đơn đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải hướng dẫn cho người sử dụng đất, chỉnh sửa, bổ sung đơn đăng ký.

  • Trường hợp không đồng ý cho chuyển đổi, Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng đất, nêu rõ lý do, theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 19/2016/TT-BTNMT ngày 27/6/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết điều 4 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 vè quản lý sử dụng đất trồng lúa.

Thứ ba, các biện pháp hỗ trợ về tài chính đối với đất trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản

Như đã trình bày ở trên, thì diện tích đất trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản vẫn được thống kê là đất trồng lúa và được hưởng các biện pháp hỗ trợ về tài chính theo quy định của pháp luật đất đai. Cụ thể, các hỗ trợ như sau:

  • Theo điều 54 Luật đất đai 2013, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong hạn mức. Tại điều 110 Luật đất đai 2013, Nhà nước còn miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thue đất nông nghiệp – bao gồm cả đất trồng lúa – đối với hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số.
  • Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa được Nhà nước giao trong hạn mức đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp; đất được thừa kế, tặng cho nhận chuyển nhượng mà trong hạn mức sử dụng đất cũng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
  • Theo quy định tại điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 về quản lý sử dụng đất trồng lúa, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ủy ban nhân dân các cấp sử dụng kinh phí do người được nhà nước giao đất, cho thuê đất sử dụng vào mục dích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phù hợp điều kiện của địa phương.

Trên đây là những quan điểm của chúng tôi về Điều kiện, thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính hoặc tổng đài tư vấn pháp lý chuyên sâu 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn các dịch vụ về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất; gia  hạn quyền sử dụng đất…, Quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

—————————-

Phòng tư vấn pháp luật chuyên sâu

Xem thêm:

 

Rate this post