Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Luật Phamlaw có nhận được câu hỏi từ bạn có email Maianh….@gmail.com với nội dung như sau:

Tôi kinh doanh đồ điện tử, nay tôi có nhập khẩu một lô hàng máy tính nhưng lại không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ. Hiện cơ quan công an đang tạm giữ hàng của tôi để lập biên bản. Tôi muốn hỏi, trường hợp này tôi sẽ bị xử phạt như thế nào? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Nghị định 98/2020/NĐ-CP

Nghị định 126/2021/NĐ-CP

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là gì?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì việc mua bán, vận chuyển hàng hóa không được diễn ra một cách tùy tiện mà được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng hóa.

Căn cứ khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định như sau: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường mà không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

2. Mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Kinh Doanh Hang Hoa Khong Ro Nguon Goc Xuat Xu
Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

 Căn cứ khoản 52 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định như sau:

Thứ nhất, Mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng ghi không đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, hoặc bị thay đổi được quy định như sau:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến dưới 5.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị 100.000.000 đồng trở lên;

Lưu ý: Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản 52 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Như vậy, trong trường hợp kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng tùy thuộc vào tổng giá trị của hàng hóa – cụ thể là lô hàng thiết bị máy tính của bạn là bao nhiêu.

3. Xử lý hình sự khi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm và có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Cụ thể:

Thứ nhất, Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

Thứ hai, Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

  • Vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
  • Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
  • Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Thứ ba, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên, để cấu thành tội buôn lậu phải đảm bảo đó là hành vi buôn bán trái phép qua biên giới các mặt hàng nói trên của người phạm tội là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới để trao đổi trái với các quy định của pháp luật về xuất – nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, do bạn nhập khẩu lô hàng máy tính không có nhãn mác, không có nguồn gốc xuất xứ nên bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Bạn có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng tùy thuộc vào tổng giá trị của hàng hóa của bạn.

Phamlaw hy vọng bài viết này đã giải đáp được thắc mắc của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)