Công dân là gì? Thế nào là xâm phạm quyền công dân?

Công dân là gì? Thế nào là xâm phạm quyền công dân?

1. Công dân là gì?

Nói về công dân sẽ có ý nghĩa phạm vi hẹp hơn cá nhân, bởi cá nhân bao gồm những người là công dân và không phải là công dân. Trong mỗi quốc gia, không những chỉ có công dân ở quốc gia đó mà còn có cả công dân nước ngoài và những người không phải là công dân vì họ không có quốc tịch, vậy công dân là gì?

Công dân là sự xác nhận một con người về mặt pháp lý thuộc về một nhà nước nhất định. Nhờ sự xác định này mà con người được hưởng chủ quyền của đất nước và được nhà nước bảo hộ quyền lợi khi ở trong nước cũng như khi ra nước ngoài; đồng thời cũng phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước. Theo khoản 1 Điều 17 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 thì công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Như vậy, công dân phải gắn liền với quốc tịch và là mội liên hệ bền vững của con người với một nhà nước nhất định. Quốc tịch Việt Nam là căn cứ duy nhất để xác định một người là công dân Việt Nam.

Cong Dan La Gi The Nao La Xam Pham Quyen Con Dan
Công dân là gì? Thế nào là xâm phạm quyền công dân?

2. Quyền của công dân Việt Nam

Nếu là công dân của một nhà nước thì được hưởng đây đủ các quyền và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mà pháp luật nhà nước đó quy định cho công dân. Còn đối với những người khác . không phải là công dân của nhà nước đó thì quyền lợi và nghĩa vụ bị hạn chế hơn. Họ được hưởng tất cả các quyền và thực hiện các nghĩa vụ dành cho con người như: Được pháp luật bảo hộ tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm; được đảm bảo quyền bá khả xâm phạm về nhà ở, được đảm bảo bí mật thư tín, điện thoại điện tín và quyền lợi về sáng chế, phát minh; được thực hiện các hợp đồng dân sự và thực hiện các hoạt động kinh tế trong khuôn khổ pháp luật cho phép… Họ cũng phải thực hiện một số nghĩa vụ như tuân theo hiến pháp, pháp luật và các quy tắc sinh hoạt xã hội của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Còn những quyền và nghĩa vụ dành riêng cho công dân thì họ không được hưởng và không phải thực hiện. Chẳng hạn như: Quyền bầu cử, ứng cử, quyền có thể được bổ nhiệm giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước, nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân. Khái niệm “công dân” thể hiện mối quan hệ pháp lí có tính chất đặc biệt, tồn tại cả trong những trường hợp mà người công dân Việt Nam đã ra sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn còn mang quốc tịch Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước” (Điều 18). Mối quan hệ giữa Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với công dân nước ngoài và người không có quốc tịch xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng quyền con người của pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Các mối quan hệ này được xác lập theo các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và căn cứ vào những hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và nước ngoài.

Cùng với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, một nhà nước mà quyền lực thuộc về tay nhân dân và thực hiện quyền lực của mình thông qua quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan đại diện của mình, thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và các cơ quan nhà nước khác đã tạo ra một quy chế pháp lý, một địa vị pháp lý mới của công dân.

3. Thế nào là xâm phạm quyền công dân?

Quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Ở Việt Nam, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được tôn trọng và bảo đảm. Cùng với việc ghi nhận quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và gần đây nhất là Hiến pháp 2013.

Ví dụ: Điều 21 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Đồng thời, mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Tuy nhiên, nếu một anh A cố tình bóc mở thư tín, xem trộm điện thoại…của cá nhân, công dân là chị B khi không được sự cho phép của chị B thì anh A sẽ vi phạm pháp luật và có chế tài xử lý, hành vi của anh A đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư, được bảo vệ danh dự, uy tín, xâm phạm quyền công dân của chị B.

Tuy nhiên, “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14 theo Hiến pháp 2013). Ví dụ: Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo sẽ không được ghi tên trong danh sách cử tri. Họ đã bị hạn chế quyền bầu cử theo quy định. Đây chính là điều kiện để bảo đảm tính hiện thực của quyền con người, quyền công dân, bảo đảm sự cân bằng, minh bạch và lành mạnh giữa các lợi ích trong mối quan hệ giữa Nhà nước với con người, công dân, cá nhân và phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; hạn chế tối đa bất cứ sự lạm dụng hay tùy tiện nào tước đi hay hạn chế các quyền và tự do vốn có của mọi người bởi các cơ quan nhà nước.

Xem thêm: >>> Tìm hiểu về Hiến pháp

Phòng biên tập nội dung-Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)