Chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai

Chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai

Chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và điều tiết các quan hệ pháp luật đất đai. Đó là các chủ thể dựa trên cơ sở các quy phạm pháp luật mà tham gia vào một quan hệ pháp luật đất đai để hưởng quyền và làm nghĩa vụ trong quan hệ đó, bao gồm có Nhà nước và người sử dụng đất. Để hiểu rõ hơn về chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai, Quý khách hàng có thể tham khảo bài viết dưới đây.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Khái niệm quan hệ pháp luật đất đai

Quan hệ đất đai trước hết là quan hệ giữa người với người với nhau trong việc sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai. Các quan hệ này rất đa dạng và phức tạp, nó xuất hiện trên cơ sở chế độ sở hữu đất đai của mỗi chế độ kinh tế, xã hội.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định quyền sở hữu đất đai chỉ có một chủ thể duy nhất đó là Nhà nước. Nhà nước ta cũng là người thống nhất quản lý toàn bộ đất đai. Cho nên, chỉ có thể trên cơ sở một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, có hiệu lực cao thì chế độ sở hữu toàn dân và chức năng quản lý thống nhất toàn bộ đất đai mới thực hiện một cách hiệu quả.

Như vậy, quan hệ pháp luật đất đai, trước hết là quan hệ giữa chủ sở hữu với các chủ sử dụng cụ thể và giữa các chủ sử dụng với nhau, được các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Cho nên, quan hệ pháp luật đất đai là các quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật đất đai điều chỉnh.

2. Các yếu tố cấu thành của quan hệ pháp luật đất đai

Các yếu tố cấu thành của quan hệ pháp luật đất đai bao gồm chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai; nội dung của quan hệ pháp luật đất đai và khách thể của quan hệ pháp luật đất đai

2.1. Chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai

Chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai là các chủ thể dựa trên cơ sở các quy phạm pháp luật mà tham gia vào một quan hệ pháp luật đất đai để hưởng quyền và làm nghĩa vụ trong quan hệ đó. Chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai gồm có Nhà nước và người sử dụng đất.

Nhà nước tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai. Nhà nước tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua các cơ quan nhà nước.

Chủ thể sử dụng đất là người đang thực tế chiếm hữu đất đai do Nhà nước giao, cho thuê, cho phép nhận quyền sử dụng đất hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Các chủ thể sử dụng đất này gồm các tổ chức trong nước; cá nhân, hộ gia đình trong nước; cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao;  Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (Điều 5 Luật Đất đai năm 2013).

Chủ thể đang thực tế chiếm hữu đất đai được phân chia thành: chủ thể đã có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); chủ thể có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất (chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, những đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận); và chủ thể không đủ giấy tờ theo quy định nhưng được công nhận quyền sử dụng đất.

2.2 Nội dung của quan hệ pháp luật đất đai

Nội dung của quan hệ pháp luật đất đai là tổng thể quyền hạn và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai. Các quyền hạn, nghĩa vụ này được pháp luật quy định và bảo vệ.

2.3 Khách thể của quan hệ pháp luật đất đai

Khách thể của quan hệ pháp luật đất đai là cái mà các chủ thể nhằm hướng tới, đạt được khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.

3. Nội dung về chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai

Khi đề cập tới vấn đề chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai tức là cần nói tới ai là chủ thể và với điều kiện nào, trên cơ sở pháp lý nào thì các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai. Các dấu hiệu cơ bản nhất để nhận biết một chủ thể là:

– Có sự tham gia trực tiếp vào quan hệ pháp luật đất đai

– Có năng lực pháp lý đất đai

– Năng lực hành vi đất đai

– Các quyền và nghĩa vụ pháp lý

3.1. Có sự tham gia trực tiếp vào quan hệ pháp luật đất đai

Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải được Nhà nước quyết định giao đất hoặc cho thuê đất. Các văn bản đó là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mối quan hệ hợp pháp trong sử dụng đất giữa Nhà nước và người sử dụng đất.

3.2. Có năng lực pháp lý đất đai

Năng lực pháp lý đất đai là khả năng của các chủ thể được hưởng quyền và làm nghĩa vụ pháp lý trong quan hệ pháp luật đất đai.

a) Đối với tổ chức

Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao đất để sử dụng thì năng lực pháp lý của họ xuất hiện cùng lúc với quyết định thành lập cơ quan, tổ chức đó. Việc quy định năng lực pháp lý phải phù hợp với mục đích, nhiệm vụ và chức năng của cơ quan, tổ chức đó. Nhà nước quy định cụ thể trong từng trường hợp năng lực pháp lý đất đai của tổ chức khi họ tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.

Theo chế độ pháp lý hiện hành thì năng lực pháp lý của tổ chức không chỉ thể hiện việc họ có quyền sử dụng đất đai trực tiếp, mà còn được phép giao một phần đất cho người thứ hai sử dụng. Quyền sử dụng thứ hai là quyền giao cho hộ gia đình, cá nhân là thành viên của tổ chức để sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của họ.

b) Đối với hộ gia đình và cá nhân

Trên thực tế, năng lực pháp lý của công dân xuất hiện khi Nhà nước cho phép họ sử dụng đất và người sử dụng chấp hành đúng pháp luật và làm nghĩa vụ đầy đủ đối với Nhà nước. Năng lực pháp lý đất đai không phụ thuộc vào lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo, nó xuất hiện từ lúc khai sinh cho đến khi chết.

3.3. Năng lực hành vi đất đai

Năng lực hành vi đất đai là khả năng của một chủ thể có thể bằng hành vi của mình tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai, có quyền và nghĩa vụ nhất định.

Năng lực hành vi đất đai không giống như năng lực hành vi dân sự, bởi vì trong Luật Đất đai không quy định cũng không chia thành năng lực hành vi đầy đủ và năng lực hành vi không đầy đủ.

3.4. Các quyền và nghĩa vụ pháp lý

Chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai là các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân công dân tham gia trực tiếp vào quan hệ pháp luật đất đai, có ý chí độc lập, có quyền và nghĩa vụ nhất định.

Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 thì các chủ thể bao gồm những đối tượng sau:

  • Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự.
  • Hộ gia đình, cá nhân trong nước (thường gọi là hộ gia đình, cá nhân); đây là người sử dụng đất chủ yếu, phổ biến nhất hiện nay.
  • Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ.
  • Cơ sở tôn giáo gồm: Chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo.
  • Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ.
  • Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
  • Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Trên đây tư vấn của Phamlaw đối với chủ thể của quan hệ pháp luật đất đai, nếu có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

 

5/5 - (1 bình chọn)