Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần

Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần

Những năm gần đây có không ít những doanh nghiệp tiến hành tăng vốn điều lệ công ty. Khi tiến hành tăng vốn điều lệ, doanh nghiệp sẽ đạt được một số lợi ích nhất định. Nhưng đi kèm với đó là rủi ro và trách nhiệm pháp lý. Chính vì vậy các doanh nghiệp nên cân nhắc việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp trước khi tiến hành thủ tục. Vậy thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần gồm những nội dung gì? Kính mời quý khách hàng cùng Luật Phamlaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Vốn điều lệ công ty cổ phần là gì?

Theo khoản 1 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020, “Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty”.

Tăng vốn điều lệ công ty cổ phần được hiểu là quy trình nhằm thực hiện việc tái cấu trúc của vốn điều lệ, tăng vốn điều lệ trong doanh nghiệp có thể bằng hình thức kêu gọi đầu tư hoặc do góp vốn tự có của chủ sở hữu với mục đích phát triển hoạt động kinh doanh.

2. Tăng vốn điều lệ có ảnh hưởng gì đến công ty cổ phần không?

– Tăng vốn điều lệ là một hoạt động được thực hiện thường xuyên khi công ty có nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động và tăng hạn mức vay tại ngân hàng. Ngoài những tích cực mà hoạt động này đem lại, thì doanh nghiệp cần phải lường trước và hiểu rõ trước những rủi ro xả ra trước khi tiến hành.

– Tăng vốn điều lệ của công ty làm tăng khả năng chịu trách nhiệm đối với vật chất/ tài sản trong doanh nghiệp, trong việc tiến hành những nghĩa vụ và các khoản nợ với các chủ nợ, đối tác. Bên cạnh đó sẽ làm tăng  mức phí môn bài đóng hằng năm của doanh nghiệp.

– Khi công ty tiến hành tăng vốn điều lệ thì sẽ làm tăng uy tín với các đối tác.

– Đảm bảo về các tiêu chí an toàn cho công ty khi muốn mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh của mình.

– Làm tăng độ ổn định, tính hiệu quả và sự phát triển của công ty vì có lượng vốn dồi dào đầu tư vào hoạt động kinh doanh.

– Việc công ty tăng vốn điều lệ còn thêm nhiều cổ đông mới tham gia và làm giảm đi quyền hạn của những cổ đông sáng lập cũ trước đó. Về cổ phần của những cổ đông còn có thể được chuyển nhượng một cách dễ dàng vì thế cũng không tránh khỏi một số khó khăn nhất định.

3. Cách thức tăng vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Quy định tại điều 122 Luật doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cổ phẩn. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp để tăng vốn điều lệ công ty.

Các hình thức chào bán cổ phần bao gồm:

+ Chào bán cho các cổ đông hiện hữu là trường hợp doanh nghiệp tăng thêm số lượng cổ phần mà được quyền chào bán và thực hiện bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ cổ phần đang hiện có tại doanh nghiệp.

+ Chào bán cổ phần ra công chúng: Khi thực hiện hình thức chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán hiện hành.

+ Chào bán cổ phần riêng lẻ. Việc chào bán cổ phần riêng lẻ mà không phải là công ty cổ phần đại chúng được quy định như sau: trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định chào bán, doanh nghiệp phải tiến hành thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh, kèm theo các tài liệu: Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, phương án chào bán cổ phẩn (Quý khách hàng có thể xem thêm cụ thể chi tiết quy định về hình thức này tại Điều 123 Luật doanh nghiệp 2020).

4. Hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

– Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

– Nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần về việc tăng vốn điều lệ;

– Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

– Nghị quyết và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần;

– Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần.

– Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ công ty

5. Trình tự, thủ tục tăng vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Khi đã soạn thảo hồ sơ hoàn tất thì doanh nghiệp tiến hành thực hiện tăng vốn điều lệ cho công ty theo trình tự sau:

– Bước 1: Nộp hồ sơ lên Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư trực thuộc nơi đặt địa chỉ công ty.

– Bước 2: Nhận giấy hẹn

Khi nộp hồ sơ xong, quý khách sẽ nhận được giấy biên nhận của Sở Kế hoạch và đầu tư và chờ lấy kết quả nếu hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thì cần tiến hành điều chỉnh hồ sơ sau khi nhận được thông báo từ Sở Kế hoạch và đầu tư.

– Bước 3: Thực hiện thay đổi mức vốn điều lệ cho công ty cổ phần

Khi đã thực hiện thay đổi mức vốn điều lệ trong công ty thì công ty cần phải tiến hành công bố nội dung thông tin đã thay đổi qua cổng thông tin quốc gia với thời gian trong vòng là 30 ngày tính từ ngày đã thay đổi. Sau đó, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty cổ phần đặt trụ sở sẽ tiến hành cấp cho công ty Giấy Biên nhận việc thực hiện công bố nội dung về việc đăng ký doanh nghiệp. Nội dung thông báo bao gồm:

+ Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng kinh doanh Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch, số Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc số quyết định thành lập, mã số doanh nghiệp.

+ Vốn điều lệ đã đăng ký và vốn điều lệ đã thay đổi;

– Bước 4: Chào bán cổ phần

Thứ nhất, chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu:

Việc chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu được thực hiện như sau:

– Công ty phải thông báo bằng văn bản đến cổ đông theo phương thức để bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của họ trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần;

– Thông báo phải gồm họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của cổ đông tại công ty; tổng số cổ phần dự kiến chào bán và số cổ phần cổ đông được quyền mua; giá chào bán cổ phần; thời hạn đăng ký mua; họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. Kèm theo thông báo phải có mẫu phiếu đăng ký mua cổ phần do công ty phát hành. Trường hợp phiếu đăng ký mua cổ phần không được gửi về công ty đúng hạn theo thông báo thì cổ đông đó coi như đã không nhận quyền ưu tiên mua;

– Cổ đông có quyền chuyển quyền ưu tiên mua cổ phần của mình cho người khác.

Trường hợp số lượng cổ phần dự kiến chào bán không được cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua đăng ký mua hết thì Hội đồng quản trị có quyền bán số cổ phần được quyền chào bán còn lại cho cổ đông của công ty và người khác với điều kiện không thuận lợi hơn so với những điều kiện đã chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác hoặc pháp luật về chứng khoán có quy định khác. Cổ phần được coi là đã bán khi được người mua thanh toán đủ. Khi đó người mua cổ phần trở thành cổ đông công ty, được công ty ghi nhận trong danh sách cổ đông công ty và được công ty phát hành cho cổ phiếu.

Thứ hai, chào bán cổ phần riêng lẻ:

 Điều 125 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về việc chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Không chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;

– Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Việc chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng được thực hiện như sau:

– Công ty quyết định phương án chào bán cổ phần riêng lẻ theo quy định của Luật doanh nghiệp;

– Cổ đông của công ty thực hiện quyền ưu tiên mua cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 124 của Luật doanh nghiệp, trừ trường hợp sáp nhập, hợp nhất công ty;

– Trường hợp cổ đông và người nhận chuyển quyền ưu tiên mua không mua hết thì số cổ phần còn lại được bán cho người khác theo phương án chào bán cổ phần riêng lẻ với điều kiện không thuận lợi hơn so với điều kiện chào bán cho các cổ đông, trừ trường hợp Đại hội đồng cổ đông có chấp thuận khác.

Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần chào bán riêng lẻ phải làm thủ tục về mua cổ phần theo quy định của Luật Đầu tư.

Thứ ba, chào bán cổ phần ra công chúng

Việc chào bán cổ phần ra công chúng được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 16, Điều 18, Khoản 3 Điều 25, Khoản 5 Điều 26, Khoản 3 Điều 27, Đều 28 Luật Chứng khoán 2019 Cụ thể:

– Công ty phát hành, cổ đông công ty đại chúng trước khi chào bán chứng khoán ra công chúng phải gửi hồ sơ đăng ký chào bán cổ phần tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ. Trường hợp hồ sơ có thiếu sót, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ gửi công văn yêu cầu điều chỉnh, bổ sung. Công ty phát hành sẽ có 60 ngày để điều chỉnh, bổ sung kể từ ngày nhận được công văn trên. Sau thời hạn này, nếu công ty phát hành không thực hiện điều chỉnh, bổ sung, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ ngừng xem xét hồ sơ đăng ký chào bán.

– Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban chứng khoán nhà nước sẽ gửi thông báo đến công ty phát hành. Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận thông báo trên, Công ty phát hành phải gửi thêm 6 Bản cáo chính thức đến Ủy ban chứng khoán nhà nước để hoàn tất thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.

– Sau đó, công ty công bố bản thông báo phát hành (theo mẫu) trên 1 tờ báo điện tử hoặc báo in trong 3 số liên tiếp trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng có hiệu lực.

– Tổ chức phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành phải báo cáo kết quả đợt chào bán cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, kèm theo văn bản xác nhận của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt chào bán.

6. Một số điều cần lưu ý đối với các công ty cổ phần khi tăng vốn điều lệ

– Khi nộp thuế môn bài thì bậc thuế môn bài mới phải tương đương với mức của vốn điều lệ khi đã được tăng;

– Công ty cần chú ý kê khai trong báo cáo tài chính có sự thay đổi về mục nguồn vốn chủ sở hữu.

– Công ty khi tiến hành tăng vốn điều lệ cũng chính là làm tăng về trách nhiệm đối với tài sản trong công ty, chính vì thế nên cần phải cân nhắc thật kỹ về trước khi đưa ra quyết định tiến hành tăng về vốn điều lệ trong công ty.

– Khi công ty có những lợi nhuận thì việc tăng về vốn điều lệ cũng đồng nghĩa với việc tăng về thuế thu nhập cá nhân của những cổ đông/thành viên và thuế thu nhập của công ty.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Phamlaw đối với Thủ tục tăng vốn điều lệ công ty cổ phần? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

xem them:

5/5 - (1 bình chọn)