Xử lý vi phạm pháp luật về đánh giá tác động môi trường

Xử lý vi phạm pháp luật về đánh giá tác động môi trường

Hiện nay, sự suy thoái và ô nhiễm môi trường đã để lại nhiều hậu quả bất lợi như: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm tiếng ồn… gây nên sự biến đổi về môi trường, khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người. Nhận thức được các vấn đề này và nhằm chung tay cùng các quốc gia khác trên thế giới trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó có công tác đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là ĐTM). Hệ thống các văn bản, chính sách, pháp luật về BVMT liên tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường do các hoạt động đầu tư gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. Vậy việc xử lý vi phạm pháp luật về đánh giá tác động môi trường được pháp luật quy định như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật bảo vệ môi trường 2020

Bộ luật dân sự 2015

Nghị định 55/2021/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Khái niệm đánh giá tác động môi trường

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về bản chất là một quá trình dự báo, đánh giá tác động của một dự án đến môi trường bao gồm môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế – xã hội và đưa ra các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Cho đến nay đã có nhiều định nghĩa về ĐTM được đưa ra như của Chương trình môi trường Liên hợp quốc, của Ủy ban kinh – xã hội Châu Á và Thái Bình dương…, tuy nhiên, cho đến nay chưa có một định nghĩa thống nhất.

Khoản 7 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020: “Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó”

2. Ý nghĩa của quá trình đánh giá tác động môi trường

Thứ nhất, ĐTM giúp chúng ta xem xét thấu đáo các vấn đề về môi trường đặc biệt là công nghệ xử lý chất thải, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và giám sát môi trường. ĐTM có thể được tiến hành theo nhiều phương án thực hiện dự án, hoạt động phát triển, với những so sánh về lợi hại của các tác động theo những phương án đó. Trên cơ sở đó sẽ kiến nghị việc lựa chọn một phương án phù hợp cả yêu cầu phát triển và BVMT. Chính vì thế ĐTM góp phần chủ động phòng tránh, giảm thiểu một cách hiệu quả nhất các tác động xấu của dự án lên môi trường.

Thứ hai, ĐTM là căn cứ để chủ dự án lựa chọn phương án đầu tư bao gồm vị trí, quy mô, công nghệ, nguyên vật liệu, sản phẩm của dự án một cách phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế và khả thi nhất, đồng thời tiết kiệm tiền của và thời gian cho chủ dự án.

Thứ ba, ĐTM cung cấp thông tin chuẩn xác, tin cậy về những vấn đề môi trường của dự án cho cơ quan thẩm quyền trong việc xem xét ra quyết định đầu tư dự án một cách minh bạch và có tính bền vững cao

Thứ tư, ĐTM góp phần ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các chủ dự án, các cơ sở. Một trong những nội dung quan trọng của quá trình ĐTM đó là hoạt động giám sát dự án. Hoạt động này giúp cho cơ quan có thẩm quyền xem xét hoạt động của các cơ sở có vi phạm những gì mà họ đã cam kết trong báo cáo ĐTM đã được phê duyệt hay không. Kết quả của ĐTM được thể hiện dưới hình thức văn bản gọi là báo cáo ĐTM. Đây là văn bản quan trọng và sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt sẽ có ý nghĩa rất lớn.

Qua đó, ta thấy ĐTM có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xét duyệt và quyết định triển khai thực hiện dự án đầu tư. Song nó chỉ là một nhân tố bên cạnh những nhân tố khác của sự quyết định như nhân tố kỹ thuật, kinh tế – xã hội. ĐTM không có ý nghĩa phủ quyết đối với quyết định chung và thường xét đến trước tiên.

3. Các quy định về xử lý vi phạm pháp luật về đánh giá tác động môi trường

Trách nhiệm kỷ luật: Áp dụng chủ yếu đối với những viên chức, công chức nhà nước hay viên chức của các tổ chức xã hội khi họ lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM. Những cá nhân thuộc đối tượng nêu trên nếu có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM, ngoài việc phải chịu hình phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có) họ còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, thuyên chuyển công tác hoặc buộc thôi việc. Việc áp dụng trách nhiệm kỷ luật được thực hiện bởi cơ quan tổ chức nơi có người vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM đó

Trách nhiệm hành chính: Căn cứ Điều 9 Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi nghị định 155/2016/NĐ-CP về Vi phạm các quy định về thực hiện quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt chính được quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài phạt tiền, các cơ sở vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng để khắc phục vi phạm.

Khắc phục hậu quả:

Thứ nhất,  Buộc phải vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường; buộc tháo dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm h khoản 1, điểm h khoản 2 Điều 9 Nghị định 55/2021/NĐ-CP;

Thứ hai, Buộc phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại các điểm g, i, k và l khoản 1; các điểm g, i, k và 1 khoản 2 Điều 9 Nghị định 55/2021/NĐ-CP;

Thứ ba, Buộc phải lập hồ sơ báo cáo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 và điểm g khoản 2 Điều 9 Nghị định 55/2021/NĐ-CP;

Trách nhiệm dân sự: Trách nhiệm dân sự áp dụng đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM chủ yếu là trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đây là loại trách nhiệm được đặt ra khi chủ thể vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM có lỗi và gây hậu quả. Vì thế trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực này phải dựa trên cơ sở có hành vi trái pháp luật trong hoạt động ĐTM; có thiệt hại xảy ra trên thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thiệt hại xảy ra và có lỗi của người vi phạm.

Trách nhiệm hình sự: Hiện nay, trong Bộ luật Hình sự chưa có điều luật nào quy định cụ thể tội danh cho hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ĐTM. Tuy nhiên, trong Bộ luật lại có quy định về Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235). Theo tinh thần các điều luật này, có thể hiểu rằng các cá nhân có liên quan trong hoạt động ĐTM khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung cam kết thực hiện trong báo cáo ĐTM, thực hiện hành vi chôn lấp, xả thải ra môi trường trái pháp luật các chất độc hại quá tiêu chuẩn cho phép thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự do thực hiện các hành vi này. Mức khung hình phạt cao nhất đối với các tội danh này là phạt tù, ngoài ra cá nhân và thương nhân vi phạm còn có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong một khoảng thời gian

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về việc xử lý vi phạm pháp luật về đánh giá tác động môi trường. Nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)