Thành lập công ty lữ hành tại Việt Nam

Thành lập công ty lữ hành tại Việt Nam

Kinh doanh lữ hành là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh đặc trưng và mang về khá nhiều lợi ích kinh tế cho ngành du lịch nói chung. Tuy nhiên, để có thể hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành (nội địa và quốc tế), doanh nghiệp cần đảm bảo điều kiện cũng như hiểu đúng và đủ các quy định của ngành nghề. Để hiểu rõ hơn về thủ tục thành lập công ty lữ hành tại Việt Nam, dưới đây Luật Phamlaw sẽ chia sẻ theo quy định pháp luật mới nhất để Quý khách hàng có thể tham khảo.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Luật Du lịch năm 2017

Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Công ty lữ hành là gì?

Công ty lữ hành được hiểu là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh nhằm mục đích kinh doanh các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu thăm quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác của khách hàng đó.

Đặc điểm kinh doanh lữ hành của công ty lữ hành:

Thứ nhất, kinh doanh lữ hành là một hoạt động dịch vụ

Sản phẩm của hoạt động kinh doanh lữ hành phần lớn là sản phẩm dịch vụ mang tính vô hình. Đó là chương trình du lịch, nó không phải là sản phẩm vật chất cụ thể cầm, nắm được mà nó là sự liên kết của các sản phẩm khác một cách hợp lý trong quá trình kinh doanh.

Thứ hai, kinh doanh lữ hành là một ngành nghề trung gian

Hoạt động kinh doanh lữ hành thực hiện ba chức năng:

Một là, chức năng thông tin cho cả người tiêu dùng du lịch và người cung cấp sản phẩm du lịch.

Hai là, chức năng tổ chức, tổ chức nghiên cứu thị trường, tổ chức sản xuất các chương trình du lịch, tổ chức tiêu dùng.

Ba là, chức năng thực hiện công ty kinh doanh lữ hành là cầu nối giữa cung và cầu du lịch, giữa khách du lịch và nhà cung ứng cơ bản của hoạt động lữ hành được quy định bởi sản phẩm du lịch và kinh doanh du lịch (điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, đại lý máy bay, vận chuyển). Công ty kinh doanh lữ hành thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động trung gian, bán và tiêu thụ các sản phẩm của nhà cung cấp dịch vụ du lịch như vận chuyển, lưu trú, vui chơi giải trí.

Thứ ba, kinh doanh lữ hành là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Công ty muốn thực hiện hoạt động kinh doanh thì cần phải đăng ký kinh doanh với cơ quan có thẩm quyền Nhà nước cho phép doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Theo đó, công ty  phải đăng ký ngành nghề kinh doanh nhưng không cần ghi nhận trong giấy phép đăng ký kinh doanh. Ngoài việc đăng ký kinh doanh, công ty muốn hoạt động kinh doanh lữ hành thì phải có giấy phép kinh doanh lữ hành.

Thứ tư hoạt động kinh doanh lữ hành có tính thời vụ

Hoạt động kinh doanh lữ hành mang tính thời vụ, phụ thuộc vào nhiều yếu tố tự nhiên – xã hội – kinh tế,.. Ở các thời điểm khác nhau, nhu cầu cung cầu du lịch cũng khác nhau. Thời điểm từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm là mùa cao điểm của du lịch, lượng du khách tăng cao, nhiều hoạt động kinh doanh lữ hành diễn ra hơn và các tháng khác thì ngược lại.

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành

Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên các cá nhân, tổ chức khi có ý định thành lập công ty lữ hành cần nắm rõ để thành lập công ty. Với mong muốn cung cấp tới khách hàng các điều kiện thành lập công ty lữ hành, Luật Phamlaw xin chia sẻ cụ thể như sau:

2.1 Điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa

Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Du Lịch 2017 thì khi kinh doanh du lịch lữ hành nội địa phải đáp ứng được các điều kiện sau:

  • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
  • Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
  • Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

Chuyên ngành về lữ hành bao gồm một trong các chuyên ngành sau: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch.

2.2. Điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế

Để kinh doanh lữ hành quốc tế, công ty lữ hành phải đáp ứng các điều kiện sau theo quy định của Luật Du Lịch 2017

  • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
  • Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;
  • Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Theo các cơ sở trên, doanh nghiệp muốn thực hiện kinh doanh lữ hành phải có ngành nghề kinh doanh lữ hành trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và sau đó xin cấp phép kinh doanh lữ hành tại Sở văn hóa, thể thao và du lịch.

3. Quy trình thủ tục thành lập công ty lữ hành

Trình tự thủ tục thành lập công ty lữ hành bao gồm các bước dưới đây:

Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty lữ hành

Hồ sơ cần chuẩn bị:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục I-4 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
  • Giấy chứng thực cá nhân của người đại diện theo pháp luật/chủ sở hữu/thành viên/cổ đông sáng lập;
  • Văn bản ủy quyền;
  • Các giấy tờ về chứng minh địa chỉ: Qúy khách hàng lưu ý không đăng ký địa chỉ tại chung cư và nhà tập thể theo quy định của Luật Nhà ở. Nếu đăng ký tại tòa nhà thì doanh nghiệp xuất trình giấy tờ chứng minh địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp không phải là “căn hộ chung cư” khi thực hiện thủ tục.

Bước 2: Cá nhân, tổ chức tiến hành nộp hồ sơ tới Sở Kế hoạch và Đầu tư

Hiện nay việc nộp hồ sơ thành lập công ty có hai cách:

  • Nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố
  • Nộp trực tuyến (online) thông qua cổng thông tin trực tuyến

Bước 3: Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ

Cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp trong vòng năm ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Đối với hình thức nộp hồ sơ trực tuyến, sau khi nộp xong chuyên viên sẽ kiểm tra hồ sơ và trong trường hợp hồ sơ đẩy đủ và hợp lệ, người nộp hồ sơ mang bản cứng hồ sơ đến phòng 1 cửa để đối chiếu và nhận kết quả.

Thời hạn xử lý: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ trả lời về tính hợp lệ của hồ sơ.

Bước 4: Trả kết quả

Cá nhân, tổ chức đến nhận kết quả đăng ký thành lập công ty theo lịch hẹn.

Bước 5: Tiến hành thủ tục khắc dấu tròn công ty và công bố mẫu dấu công ty trên cổng thông tin quốc gia

Lưu ý: Theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp được tự quyết định hình thức và số lượng con dấu của doanh nghiệp

Bước 6: Đăng bố cáo thành lập công ty lữ hành trên cổng thông tin quốc gia

Lưu ý: Theo quy định tại Điều 32 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rất rõ ràng rằng doanh nghiệp sau khi được Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định của pháp luật trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công khai. Quá thời hạn nêu trên, các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 45 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Mức phạt mà các doanh nghiệp có thể phải chịu dao động từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Không thông báo công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

– Thông báo công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp không đúng thời hạn quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

Thủ tục cần thực hiện sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty du lịch lữ hành:

  • Treo biển tại trụ sở công ty
  • Thông báo áp dụng phương pháp tính thuế
  • Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, đăng ký mẫu 08 tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế, đăng ký nộp thuế điện tử .
  • Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử
  • In và đặt in hóa đơn
  • Kê khai và nộp thuế môn bài
  • Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp đăng ký kinh doanh.
  • Chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc nội địa.

Trên đây là nội dung về thủ tục thành lập công ty lữ hành tại Việt Nam. Nếu Quý khách hàng còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (1 bình chọn)