Điểm mới của Luật bảo vệ môi trường 2020 về ĐTM

Điểm mới của Luật bảo vệ môi trường 2020 về ĐTM

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nói chung và giai đoạn thẩm định báo cáo ĐTM nói riêng là một trong những hoạt động quản lý nhà nước đối với môi trường, đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội nước cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, Luật gồm 16 Chương, 171 Điều. So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có những điểm mới mang tính đột phá đối với các quy định về môi trường nói chung và đánh giá tác động môi trường nói riêng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật bảo vệ môi trường 2020

Luật bảo vệ môi trường 2014

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Đánh giá tác động môi trường là gì?

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020: “Đánh giá tác động môi trường là việc phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó

2. Điểm mới của Luật bảo vệ môi trường 2020 về ĐTM

So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có những điểm mới về đánh giá tác động môi trường mang tính đột phá, bao gồm các điểm mới sau đây:

Thứ nhất, Về đối tượng không phải thực hiện ĐTM:

Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã quy định thêm trường hợp ngoại lệ không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường là những dự án đầu tư nhóm I và nhóm II thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Thứ hai, Về thời điểm thực hiện đánh giá tác động môi trường:

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định: Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.

Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định: Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án

Thứ ba, Về thẩm định báo cáo ĐTM:

Việc thực hiện song song các thủ tục cấp giấy phép, giấy xác nhận về môi trường (do cơ quan quản lý nhà nước về BVMT thực hiện) với cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (do cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi thực hiện) trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và không bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giải phóng mặt bằng nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; giảm thủ tục hành chính mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn đánh giá tác động môi trường cho đến khi cấp giải phóng mặt bằng đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan (Điểm d, Khoản 3 Điều 34).

Thứ tư, Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM:

Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định 5 cơ quan có thẩm quyền thẩm định Báo cáo ĐTM: (1) Bộ Tài nguyên và Môi trường; (2) Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan đến dự án đầu tư; (3) Bộ Quốc phòng; (4) Bộ Công an, (5) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nhưng đến Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì Bộ, cơ quan ngang Bộ không còn thẩm quyền thẩm định Báo cáo ĐTM nữa. Bởi trên thực tế Bộ, cơ quan ngang Bộ không có các cơ quan chuyên môn về môi trường để thẩm định báo cáo ĐTM. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương. Thay vào đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Đồng thời quy định các Bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả. Quy định này sẽ bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương như hệ thống pháp luật hiện hành.

Thứ năm, Về thời gian thực hiện thẩm định báo cáo ĐTM:

Luật Bảo vệ môi trường 2014: Trong thời hạn 55 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ của chủ dự án, cơ quan chức năng buộc phải hoàn thiện quá trình thẩm định, phê duyệt ĐTM. Trong đó, thời hạn kiểm tra, trả lời về tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ là 5 ngày làm việc. Thời hạn thẩm định ĐTM là 30 ngày làm việc

Luật Bảo vệ môi trường 2020:

+ Không quá 45 ngày đối với dự án đầu tư nhóm I quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật bảo vệ môi trường 2020;

+ Không quá 30 ngày đối với dự án đầu tư nhóm II quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 4 Điều 28 của Luật bảo vệ môi trường 2020

+ Thời gian chủ dự án đầu tư chỉnh sửa, bổ sung báo cáo ĐTM theo yêu cầu của cơ quan thẩm định và thời gian xem xét, ra quyết định phê duyệt không tính vào thời hạn thẩm định

Sự thay đổi trên thể hiện sự linh hoạt hơn trong vấn đề thực hiện thẩm định báo cáo ĐTM, vì mỗi dự án có đặc điểm và tính chất khác nhau, mức độ tác động tới môi trường cũng khác nhau

Vấn đề tham vấn trong ĐTM của Luật BVMT 2014 chưa thể hiện rõ được tinh thần của nó, nội dung này đã được đề cập chi tiết và rõ ràng hơn trong điều 33 luật BVMT hiện hành bao gồm: Đối tượng tham vấn, trách nhiệm thực hiện tham vấn và nội dung tham vấn.

Thứ sáu, Về đối tượng được tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM:

Luật Bảo vệ môi trường 2020 khuyến khích chủ đầu tư dự án tham vấn ý kiến chuyên gia trong quá trình thực hiện ĐTM. Trong khi đó Luật Bảo vệ môi trường 2014 chỉ quy định đối tượng được tham vấn gồm cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.

Thời gian qua, cộng đồng dân cư đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác BVMT, tiêu biểu nhất là thông qua việc hình thành các mô hình cộng đồng tham gia BVMT hiệu quả. Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc thu thập, cung cấp thông tin về BVMT; tham gia đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Luật BVMT 2020 đã bổ sung “cộng đồng dân cư” vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của nhóm đối tượng quan trọng này trong công tác BVMT cũng như thực hiện một trong những mục tiêu xuyên suốt của Luật là bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành. Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy được vai trò của mình trong công tác BVMT, Luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường, Luật cũng đã quy định trách nhiệm của chủ dự án trong việc tham vấn ý kiến các bên có liên quan.

Thứ bảy, Về trách nhiệm thực hiện tham vấn:

Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định trách nhiệm thực hiện tham vấn:

“Chủ dự án đầu tư phải thực hiện tham vấn đối tượng theo quy định

Cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư có trách nhiệm trả lời chủ dự án đầu tư bằng văn bản về nội dung được tham vấn trong thời hạn quy định”

Trong khi Luật Bảo vệ môi trường 2014 chỉ quy định: “Chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án”

Thứ tám, Nội dung thẩm định báo cáo ĐTM:

Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định thêm về hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM bao gồm: Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường và báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về những điểm mới của Luật bảo vệ môi trường 2020 đối với các quy định về đánh giá tác động môi trường. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Điểm mới của Luật bảo vệ môi trường 2020 về ĐTM – Luật Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)