Giải quyết khi chồng không cho vợ thăm con sau ly hôn

Giải quyết khi chồng không cho vợ thăm con sau ly hôn

Thưa Luật sư!

Theo như tôi được biết, sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con sau khi ly hôn mà không bị ai cản trở theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, nhiều trường hợp sau khi ly hôn, chồng cũ có hành vi cố tình ngăn cản vợ thăm nom, cấp dưỡng, chăm sóc con. Vậy phải giải quyết trường hợp này như thế nào? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi.

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật hôn nhân và gia đình 2014

Nghị định 144/2021/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Quyền thăm con sau ly hôn là gì?

Quyền thăm nuôi con sau ly hôn được quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (Luật HNGĐ) quy định người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con sau khi ly hôn mà không bị ai cản trở. Như vậy, về cơ bản quyền thăm con sau ly hôn là không hạn chế. Tuy nhiên, trong trường hợp người trực tiếp nuôi con có yêu cầu Toà án hạn chế quyền thăm nom con của người không trực tiếp nuôi con và được chấp thuận thì quyền thăm con đối với người này sẽ bị hạn chế.

Việc ngăn cản quyền thăm con sau ly hôn là hành vi vi phạm quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

 

Giai Quyet Khi Chong Khong Cho Vo Tham Con Sau Ly Hon

 

2. Xử lý vi phạm khi chồng không cho vợ thăm con sau ly hôn

Căn cứ tại quy định của Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của người cha, mẹ mà trực tiếp nuôi con và không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

Thứ nhất, Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

Thứ hai, Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Thứ ba, Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Thứ tư, Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Vì vậy, bất kể người nào có hành vi cản trở quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con có thể bị xử lý theo thủ tục hành chính, cụ thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo quy định người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Như vậy, trường hợp chồng cũ cố tình ngăn cản việc thăm con của người vợ có thể bị phạt đến 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, người bị ngăn cản quyền thăm có có thể tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con tới cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hoặc xin xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an về việc người trực tiếp nuôi con có hành vi cản trở quyền thăm con để yêu cầu cơ quan thi hành án việc chăm nom, chăm sóc con theo bản án, quyết định của Tòa án.

Ngoài ra, nếu vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;

+ Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

3. Cách giải quyết khi chồng không cho vợ thăm con sau ly hôn

Khi người không trực tiếp nuôi con không thuộc trường hợp bị hạn chế thăm con mà bị ngăn cản quyền thăm con thì có thể giải quyết bằng những cách sau:

Thứ nhất, Cần đặt ra vấn đề thỏa thuận về quyền thăm nom con khi giải quyết ly hôn giữa vợ và chồng. Các bên nên thể hiện tinh thần thiện chí trong vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.

Thứ hai, Khởi kiện ra Toà án: Khi bị ngăn cản quyền thăm con mà không thể thỏa thuận giải quyết được thì người có quyền thăm con có thể khởi kiện yêu cầu người đang trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ của mình là không được ngăn cản, cấm đoán người không trực tiếp nuôi con.

Vì vậy, để giải quyết trường hợp này, trước hết cần thương lượng với người chồng và gia đình của người chồng để đảm bảo quyền thăm nom con của người vợ. Nếu trong trường hợp người chồng và gia đình chồng vẫn tiếp tục cố tình không cho vợ thăm nom con, thì người vợ có thể làm đơn yêu cầu gửi đến cơ quan thi hành án. Cơ quan thi hành án sẽ có những biện pháp cưỡng chế buộc người chồng và gia đình chồng thực hiện đúng nghĩa vụ theo bản án cũng như theo quy định của pháp luật.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw đối với câu hỏi của bạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì chưa rõ ràng, có thể gây nhầm lẫn hoặc khiến bạn chưa hiểu hết vấn đề, Phamlaw rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)