An toàn trong thi công xây dựng công trình

An toàn trong thi công xây dựng công trình

Công ty Luật TNHH Phamlaw có nhận được câu hỏi từ email Thangpham…@gmail.com với nội dung câu hỏi như sau:

Pháp luật xây dựng quy định như thế nào về an toàn trong thi công xây dựng công trình? Các chủ thể có liên quan trong việc quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình có trách nhiệm như thế nào? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi

Cảm ơn Luật sư!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Luật PhamLaw. Với câu hỏi của bạn, Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Văn bản hợp nhất 02/2020/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Xây Dựng

Nghị định 16/2022/NĐ-CP

Nghị định 06/2021/NĐ-CP

Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. An toàn trong thi công xây dựng công trình là gì?

An toàn trong thi công xây dựng công trình yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động thi công xây dựng công trình. Căn cứ quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP thì “An toàn trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm đảm bảo không gây thương tật, tử vong, không làm suy giảm sức khỏe đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình”.

Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.

2. Trách nhiệm của các chủ thể trong việc quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình

Quản lý an toàn trong thi công xây dựng công trình đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của rất nhiều các chủ thể liên quan, mỗi chủ thể sẽ có những nhiệm vụ, quyền hạn riêng, phù hợp với chức năng, sao cho việc quản lý đạt được hiệu quả tốt nhất

Thứ nhất, trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng công trình

Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Tổng thầu cần chấp hành nghiêm chỉnh việc kiểm tra thường xuyên về bảo hộ lao động theo quy định của Nhà nước.

Ngoài ra, Tổng thầu phải có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện. Nhà thầu phụ có trách nhiệm thực hiện trách nhiệm quản lý an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện. Phải dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục thi công.

Thứ hai, trách nhiệm của chủ đầu tư

Chủ đầu tư thực hiện phân công và thông báo nhiệm vụ, quyền hạn của người quản lý an toàn lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 115 Văn bản hợp nhất 02/2020/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Xây Dựng tới các nhà thầu thi công xây dựng công trình. Tiến hành tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

Thứ ba, trách nhiệm của bộ phận quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng công trình

Bộ phận quản lý an toàn lao động phải có những người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng, là những người phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; họ có trách nhiệm:

An Toan Trong Thi Cong Xay Dung Cong Trinh (1)
An toàn trong thi công xây dựng công trình

Một, Tiến hành triển khai thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đã được chủ đầu tư chấp thuận.

Hai, Trực tiếp hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.

Ba, chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; tham gia ứng cứu khẩn cấp khi có yêu cầu của chủ đầu tư, người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ tư, trách nhiệm của người lao động

Căn cứ tại Điều 17 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, trách nhiệm của người lao động trong việc bảo đảm an toàn lao động tại nơi làm việc như sau:

Một, Chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

Hai, Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.

Ba, Phải tham gia huấn luyện an toàn lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Bốn, Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn lao động, hành vi vi phạm quy định an toàn lao động tại nơi làm việc; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Năm, Từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn lao động sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp nhưng không được khắc phục, xử lý hoặc nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân theo đúng quy định.

Sáu, Chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động.

3. Các biện pháp đảm bảo an toàn xây dựng

Lĩnh vực xây dựng luôn tiềm ẩn những rủi ro. Do đó bất kể là người lao động hay người sử dụng lao động cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để bảo vệ sức khỏe và tài sản của mình. Dưới đây Phamlaw sẽ nêu ra một số biện pháp đảm bảo an toàn xây dựng bạn cần lưu ý.

Thứ nhất, Kiểm định độ an toàn của các thiết bị máy móc

  • Trước khi bắt tay vào việc thi công, lắp đặt một công trình xây dựng nào đó cần chắc chắn các thiết bị máy móc hoạt động an toàn.
  • Khu vực đang thi công phải đảm bảo vệ sinh môi trường, gọn gàng, ngăn nắp. Loại bỏ hết tất cả các yếu tố có khả năng gây mất an toàn gồm các vật sắc nhọn, dụng cụ xây dựng không cần thiết, dây điện bị hở, ổ cắm nối tiếp không đảm bảo chất lượng,…
  • Thi công vào ban đêm phải có đầy đủ hệ thống đèn điện ánh sáng. Xây dựng nhà cao tầng phải có lưới bảo vệ an toàn. Sắp đặt, bố trí hợp lý các biển cảnh báo và nội quy an toàn lao động. Các biển này nên để ở những vị trí mà tất cả mọi người đều có thể dễ dàng quan sát, nhìn thấy được.
  • Đối với những vị trí có thể gây nguy hiểm trên công trường, đơn vị thực hiện thi công bắt buộc phải có người giám sát, người hướng dẫn, thực hiện nhiệm vụ cảnh báo để đề phòng tai nạn cho người lao động hoặc người dân.

Thứ hai, đối với người lao động

Để đảm bảo an toàn, tránh sự cố ngoài ý muốn, người lao động cần tuân thủ:

  • Đủ điều kiện thao gia lao động bao gồm độ tuổi, chứng nhận sức khỏe, giấy tờ khám định kỳ hàng năm.
  • Được đào tạo đầy đủ kiến thức, kĩ năng về vệ sinh và an toàn lao động. Cấp thẻ an toàn khi tham gia làm việc đặc thù, yêu cầu cao về an toàn xây dựng.
  • Trang bị đầy đủ thiết bị, trang phục bảo vệ an toàn theo đúng quy định về ngành nghề.
  • Treo băng rôn, khẩu hiệu về an toàn lao động tại công trường xây dựng.

Thứ ba, vệ sinh lao động

Công trường xây dựng cần phải gọn gàng, hạn chế tối đa các yếu tố gây nguy hiểm, dẫn đến tai nạn trong quá trình làm việc. Dọn dẹp, sắp xếp gọn gàng và tránh những vật nhọn, thiết bị dụng cụ không cần thiết, ổ cắm điện không đảm bảo chất lượng trong khu vực thi công.

Thứ tư, Biện pháp an toàn về điện, phòng chống cháy nổ

Để an toàn hệ thống điện phải có cầu dao tổng, cầu dao riêng rẽ có khả năng cắt điện một phần hay toàn bộ  khu vực thi công. Người lao động, máy và thiết bị thi công trên công trường phải được bảo đảm an toàn về điện. Các thiết bị điện phải được cách điện an toàn trong quá trình thi công xây dựng

Người tham gia thi công xây dựng phải được hướng dẫn về kỹ thuật an toàn điện, biết sơ cứu người bị điện giật khi xảy ra tai nạn về điện. Phải thành lập chỉ huy phòng chống cháy, nổ tại công trường. Ngoài ra, tại các vị trí dễ xảy ra cháy phải có biển báo cấm lửa và lắp đặt các thiết bị chữa cháy và thiết bị báo động, đảm bảo khi xảy ra cháy kịp thời phát hiện để ứng phó

Thứ năm, Lên kế hoạch khắc phục sự cố

Nguy cơ xảy ra tai nạn, bệnh nghề nghiệp trong xây dựng là rất cao. Bởi vậy, các chủ đầu tư cần dự trù và xây dựng phương án khắc phục sự cố tối ưu, nhanh chóng nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động. Đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người và của, cũng như không làm mất uy tín của đơn vị.

Việc tuân thủ quy định an toàn lao động trong xây dựng luôn là điều tiên quyết. Nó không chỉ đảm bảo an toàn cho người tham gia thi công, máy móc, thiết bị sử dụng mà còn quyết định chất lượng của mọi công trình.

Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quy định an toàn trong thi công xây dựng công trình. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu.

Rate this post