Định giá doanh nghiệp là gì?

ĐỊNH GIÁ DOANH NGHIỆP LÀ GÌ?

Mỗi doanh nghiệp sẽ có một giá trị khác nhau tùy thuộc vào quy mô hoạt động, cơ cấu tài sản, khả năng hoạt động, tạo ra lợi nhuận. Các nhà đầu tư khi ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp là phải đánh giá được giá trị của doanh nghiệp và các khoản thu nhập mà doanh nghiệp có thể đem lại cho nhà đầu tư trong tương lai.

Việc định giá doanh nghiệp mang đến cho các chủ doanh nghiệp, các nhà đầu tư cái nhìn tổng quát về tình hình cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp từ đó đưa ra các quyết định quản lý doanh nghiệp, quyết định tài trợ, đầu tư phù hợp. Vậy định giá doanh nghiệp là gì? Để hiểu rõ hơn về khái niệm định giá doanh nghiệp, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Luật Phamlaw.

CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020

Các văn bản pháp lý liên quan đến doanh nghiệp

NỘI DUNG TƯ VẤN

Định giá doanh nghiệp xuất phát từ yêu cầu của hoạt động mua bán, sáp nhập, hợp nhất hoặc chia nhỏ doanh nghiệp. Đây là loại giao dịch diễn ra có tính chất thường xuyên và phổ biến trong cơ chế thị trường, phản ánh nhu cầu về đầu tư trực tiếp vào sản xuất kinh doanh, nhu cầu tài trợ cho sự tăng trưởng và phát triển bằng các yếu tố bên ngoài, nhằm tăng cường khả năng tồn tại trong môi trường tự do cạnh tranh. Để thực hiện các giao dịch đó, đòi hỏi phải có sự đánh giá trên phạm vi rộng lớn các yếu tố tác động đến doanh nghiệp, trong đó giá trị doanh nghiệp là một yếu tố có tính chất quyết định, là căn cứ trực tiếp để người ra trao đổi với nhau trong giao dịch mua bán, sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp.

Trước khi đi vào tìm hiểu về định giá doanh nghiệp là gì, chúng ta cùng tìm hiểu qua về khái niệm giá trị doanh nghiệp. Cho đến hiện tại, chưa có một định nghĩa thống nhất nào về khái niệm giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu giá trị doanh nghiệp là một loại giá trị cá biệt, được xây dựng dựa trên mức hao phí lao động cá biệt của doanh nghiệp tạo nên. Giá trị doanh nghiệp không đơn thuần chỉ là các giá trị được đề cập đến trong sổ sách, nó còn bao gồm khả năng thu được lợi nhuận trong tương lai.

Định giá doanh nghiệp là một khâu rất quan trọng trong việc sáp nhập, giải thể, phá sản, chia tách hoặc doanh nghiệp tiến hành tái tổ chức, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cổ phần hóa các nhà nghiệp nhà nước. Quá trình định giá doanh nghiệp nhằm mục tiêu tính toán và xác định được giá trị của một doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Do đó, để thấy được vai trò, sự cần thiết của việc định giá doanh nghiệp, cần làm rõ bản chất của hoạt động này.

Thứ nhất, Việc định giá doanh nghiệp là sự ước tính về giá trị của các quyền sở hữu tài sản cụ thể bằng hình thái tiền tệ cho một mục đích đã được xác định rõ ràng như: mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp hoặc để đầu tư vào doanh nghiệp.

Thứ hai, Mục đích định giá doanh nghiệp của bên mua và bên bán hoặc đơn vị phá sản, giải thể chỉ là để giải quyết bài toán giá trị với một số giả thuyết tương đối hợp lý, nhưng rất chủ quan có lợi cho các bên để làm giá khởi điểm cho các cuộc mua bán, sáp nhập và giải quyết các vấn đề khi giải thể, phá sản doanh nghiệp. Chính vì vậy, để có một giá trị của doanh nghiệp khách quan, làm cơ sở đàm phán thì doanh nghiệp nên giao cho các chuyên gia định giá làm công việc định lượng này.

Như vậy, định giá doanh nghiệp là một công cụ để các bên có thể xác định được giá trị giao dịch, căn cứ vào giá trị doanh nghiệp được định giá và các điều kiện cụ thể khác mà các bên tham gia giao dịch có thể đàm phán và thương lượng các mức giá khi giao dịch doanh nghiệp cũng như với mục đích khác. Định giá doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho doanh nghiệp, dù cho chủ doanh nghiệp muốn bán công ty của mình hay tiếp tục điều hành nó.

Dưới đây, Phamlaw sẽ chỉ ra một số vai trò chính trong định giá doanh nghiệp:

Thứ nhất, Việc định giá doanh nghiệp sẽ giúp chủ sở hữu doanh nghiệp xác định được giá trị thực tế của doanh nghiệp, từ đó họ có thể lập các kế hoạch, chiến lược phát triển trong tương lai cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc định giá doanh nghiệp còn hỗ trợ trong các lĩnh vực: Báo cáo tin tức về thị trường trong lĩnh vực nhất định để lập dự án, đưa ra các quyết định đầu tư phù hợp; tư vấn xây dựng chiến lược về giá cho doanh nghiệp; tư vấn lựa chọn các đối tượng trong lĩnh vực đầu tư tài chính; cung cấp những kiến thức chuyên môn sâu để phân tích đánh giá về năng lực tài chính doanh nghiệp, tư vấn cho các doanh nghiệp tái cấu trúc trong hoạt động kinh doanh và những vấn đề liên quan khác.

Thứ hai, Đối với nhà đầu tư, họ luôn mong muốn số vốn đầu tư của mình không những được bảo toàn mà còn phải có lợi nhuận cao nhất với các mức độ rủi ro khác nhau. Do đó, việc định giá doanh nghiệp là một cơ sở quan trọng cho nhà đầu tư ra các quyết định của mình. Nhà đầu tư sẽ trả lời được các câu hỏi: Có nên đầu tư vào doanh nghiệp này hay không? Mức giá là bao nhiêu thì phù hợp? Còn đối với việc chuyển nhượng, mua bán, sáp nhập, thôn tính doanh nghiệp, hoạt động định giá doanh nghiệp giúp cho người mua và người bán đưa ra mức giá hợp lý, tạo cơ sở cho việc mua bán một cách công bằng chính xác và nhanh gọn, giảm chi phí giao dịch. Bởi quá trình mua bán thường bị kéo dài do mức giá mà hai bên đưa ra thường chênh lệch nhau quá lớn. Việc định giá là cơ sở vững chắc thu hẹp khoảng cách mức giá giữa bên mua với bên bán và khoảng thời gian đàm phán được rút ngắn, chi phí nhờ đó cũng được giảm thiểu.

Thứ ba, Đối với các tổ chức tài chính, chủ nợ trên thị trường. Một trong những cơ sở quan trọng để các tổ chức tài chính trung gian trên thị trường hay các chủ nợ, khách hàng của doanh nghiệp cho doanh nghiệp vay vốn hoặc hợp tác làm ăn, đầu tư vào doanh nghiệp xem xét khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai cũng như khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Quá trình xác định giá trị doanh nghiệp sẽ cung cấp rất nhiều thông tin về doanh nghiệp và qua đó họ có thể dễ dàng đưa ra các quyết định trong mối quan hệ với doanh nghiệp.

Thứ tư, Đối với nhà nước, việc xác định giá trị của doanh nghiệp là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đó là một trong những điều kiện để tiến hành thành công trong quá trình cổ phần hóa. Hoạt động này nhằm bảo đảm lợi ích thiết thực của nhà nước và lợi ích của người mua doanh nghiệp hay các thành viên trong công ty cổ phần khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp giúp thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch của nhà nước đề ra và nhanh chóng chuyển đổi một số doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần nhằm giải quyết được những vướng mắc, những bất lợi trong quá trình cổ phần hóa.

Giá trị doanh nghiệp là loại thông tin quan trọng để các nhà quản trị phân tích, đánh giá trước khi quyết định về kinh doanh và tài chính có liên quan đến doanh nghiệp được đánh giá. Nội dung cơ bản của quản trị tài chính doanh nghiệp, xét cho cùng là phải tăng được giá trị doanh nghiệp. Vì vậy, căn cứ vào đây các nhà quản trị có thể thấy được khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mình và các doanh nghiệp khác. Do vậy, giá trị doanh nghiệp làm một căn cứ thích hợp, cơ sở để đưa ra các quyết định về kinh doanh, tài chính một cách đúng đắn. Việc hoàn thiện pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp là hết sức cần thiết để tạo căn cứ cho hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp được thực hiện khách quan, chính xác, trung thực, hiệu quả.

Trên đây là toàn bộ các kiến thức liên quan xoay quanh khái niệm định giá doanh nghiệp là gì. Nếu bạn đọc còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được hỗ trợ nhanh nhất.

5/5 - (1 bình chọn)