Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo BLDS 2015

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo BLDS 2015

Câu hỏi: Bố tôi sinh năm 1962, mẹ tôi sinh năm 1968. Bố mẹ lấy nhau năm 1989 nhưng không có đăng ký kết hôn. Trước khi lấy mẹ tôi, bố tôi đã lấy một người khác làm vợ năm 1986, có đăng ký kết hôn, có một người con sinh năm 1987, hai người ly hôn năm 1987. Năm 1994, bố mẹ tôi có mua một mảnh đất rộng 130m2. Tháng 8/2016, bố tôi qua đời, có để lại di chúc cho mẹ con tôi mảnh đất trên. Nhưng người vợ trước đòi chia một phần thừa kế cho con, với lý do chị ấy bị tàn tật không có khả năng lao động. Vậy xin Luật sư cho tôi biết, người chị kia có được quyền đòi lại thừa kế trong khi bố tôi đã để lại di chúc cho mẹ con tôi không? Tôi xin cảm ơn.

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo BLDS 2015
Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo BLDS 2015

Trả lời: (câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Chào bạn, với câu hỏi trên Phamlaw xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Pháp luật hiện nay quy định có 2 hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp thừa kế theo di chúc, thì tài sản được chia theo ý nguyện của người để lại di chúc. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền  lợi chính đáng của những người có quan hệ thân thiết với người chết, pháp luật dân sự có quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Đối với trường hợp của bạn, thì trước khi xem xét các quy định về thừa kế, thì cần xác định mối quan hệ vợ chồng nào được pháp luật thừa nhận, từ đó xác định quyền sở hữu đối với tài sản, xác định di sản thừa kế.

Thứ nhất, về quan hệ vợ – chồng được pháp luật thừa nhận

Theo Thông tư liên tịch Số: 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTPTHÔNG TƯ LIÊN TỊCH CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, BỘ TƯ PHÁP SỐ 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP NGÀY 3 THÁNG 1 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 35/2000/QH10 NGÀY 9 THÁNG 6 NĂM 2000 CỦA QUỐC HỘI “VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH”.

Theo đó:

“ 1. Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.

2. Đối với trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 trở đi đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực) mà có đủ điều kiện kết hôn, nhưng chưa đăng ký kết hôn và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003; do đó, cần phân biệt như sau:

a. Kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003 nếu họ chưa đăng ký kết hôn hoặc đã đăng ký kết hôn mà họ có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý trong trường hợp họ thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, thì quan hệ của họ vẫn được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng, chứ không phải kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Việc đăng ký kết hôn theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội do Bộ Tư pháp hướng dẫn.

b. Kể từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội họ không được công nhận là vợ chồng; nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và áp dụng điểm b khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, bằng bản án tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.

c. Kể từ sau ngày 01/01/2003 họ mới đăng ký kết hôn và sau đó một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung. Cần chú ý là trong trường hợp này, thì quan hệ vợ chồng của họ chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.

d. Được coi nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng, nếu họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

– Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;

– Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;

– Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.

3. Đối với trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu một trong các bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, thì Toà án thụ lý vụ án để giải quyết và áp dụng điểm c khoản 3 Nghị quyết số 35 của Quốc hội, khoản 1 Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng; nếu họ có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản, thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết theo thủ tục chung.

Thông tư liên tịch đã chia ra các trường hợp khác nhau về thời điểm xác lập quan hệ vợ chồng: trước ngày 03/01/1987, từ ngày 03/01/1987 đến 01/01/2001, và từ 01/01/2001 trở đi. Tương ứng với mỗi thời điểm lại có hệ quả pháp lý khác nhau.

Bố bạn đã kết hôn với một người khác vào năm 1986, có đăng ký kết hôn nhưng sau đó ly hôn. Đến năm  1989 thì chung sống với mẹ bạn như vợ chồng mà không đăng ký. Đối với những quan hệ vợ chồng được xác lập từ 03/01/1987 đến 01/01/2001, Nhà nước yêu cầu phải đăng ký kết hôn trong thời hạn từ 01/01/2001 đến 01/01/2003, nếu không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng. Vì bố mẹ bạn không đăng ký kết hôn, nên sẽ không được công nhận là vợ chồng.

Thứ hai, về quyền sở hữu tài sản trong thời kỳ sống chung

Để xác định di sản người chết để lại khi người đó chung sống với người khác như vợ chồng mà không được pháp luật công nhận, thì cần nhận biết được quyền sở hữu của mỗi người đối với tài sản hình thành trong thời gian sống chung. Pháp luật dân sự hiện nay quy định các loại sở hữu chung là: sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Mỗi loại sở hữu chung được hiểu như sau:

  • Sở hữu chung theo phần: theo điều 209 Bộ luật dân sự 2015 thì sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Trong đó, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
  • Sở hữu chung hợp nhất: theo điều 210 Bộ luật dân sự 2015, là sở hữu chung mà trong đó, phần quyền sở hữu của mỗi chỉ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.

Trường hợp 2 người sống chung với nhau như vợ chồng không có đăng ký kết hôn, thì tài sản làm ra trong thời gian này được xác định là sở hữu chung theo phần. Như vậy, đối với thửa đất bố mẹ bạn mua năm 1994 được xác định sở hữu tương ứng với mức độ đóng góp. Bố bạn có quyền để lại thừa kế đối với phần đất mà mình có quyền sử dụng.

Thứ ba, người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, trong trường hợp di chúc là hợp pháp, thì tài sản sẽ được phân chia theo ý muốn của người để lại di sản. Tuy nhiên, để giải quyết một số tranh chấp về thừa kế, pháp luật có quy định về những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Khoản 1 điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”

Quy định trên được hiểu như sau: những người nêu trên thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong trường hợp người lập di chúc không cho hưởng di sản theo di chúc hoặc có cho hưởng, nhưng phần mà họ được hưởng theo di chúc ít hơn 2/3 của một suất thừa kế nếu di sản được chia theo pháp luật. Không cho hưởng di sản được hiểu là người lập di chúc thể hiện rõ ý chí truất quyền hưởng di sản của những người nói trên hoặc họ không đề cập đến những người này trong di chúc.

Căn cứ vào quy định trên, thì người chị cùng cha khác mẹ của bạn là người thành niên nhưng không có khả năng lao động, nên được hưởng thừa kế, nhưng chỉ trong phạm vi di sản bố bạn để lại, nghĩa là sau khi xác định quyền sở hữu của mẹ bạn trong số tài sản chung.

Trên đây là những ý kiến tư vấn của PHAMLAW về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo BLDS 2015. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với tổng đài tư vấn thủ tục hành chính hoặc bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn dịch vụ, Quý khách hàng vui lòng kết nói tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.

—————————–

Bộ phận tư vấn pháp luật chuyên sâu – Phamlaw.

Dịch vụ của Phamlaw

 

Rate this post