Giám đốc công ty cổ phần có được làm giám đốc công ty khác không?
Khi thành lập doanh nghiệp, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là chức danh quan trọng, có ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong đó có công ty cổ phần. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn rằng Giám đốc công ty cổ phần có được làm giám đốc công ty khác không? Sau đây Luật Phamlaw xin giải đáp thắc mắc đó của quý khách hàng thông qua nội dung bài viết dưới đây.
1. Khái niệm Giám đốc CTCP
Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (gọi tắt là Giám đốc) “là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.”. Vị trí này do Hội đồng quản trị bổ nhiệm “một người trong số họ” hoặc “thuê người khác” làm Giám đốc.
2. Giám đốc công ty cổ phần có được làm giám đốc công ty khác không?
2.1 Điều kiện để trở thành Giám đốc CTCP
Theo đó, tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc, Tổng Giám đốc CTCP được quy định tại Điều 64 Luật Doanh nghiệp 2020 gồm:
– Thứ nhất, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp và “không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp” theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp năm 2020. Nếu là cá nhân phải có đủ năng lực hành vi dân sự. Ví dụ, các trường hợp sau không được là Giám đốc doanh nghiệp như cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù
– Thứ hai, Giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.
– Thứ ba, đối với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật này (Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết), Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại điểm thứ nhất và thứ hai nêu trên và không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty, Kiểm soát viên của công ty và của công ty mẹ; người đại diện phần vốn của doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty và công ty mẹ.
Bên cạnh đó, Điều 101 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Tiêu chuẩn, điều kiện của Giám đốc, Tổng giám đốc trong doanh nghiệp Nhà nước như sau:
“ 1. Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật này.
2. Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty.
3. Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty.
4. Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc tại công ty hoặc ở doanh nghiệp nhà nước khác.
5. Không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.
6. Tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.”
2.2 Giám đốc công ty cổ phần có được làm giám đốc công ty khác không?
Như vậy, qua các điều kiện về tiêu chuẩn làm Giám đốc theo quy định trên có thể rút ra 02 kết luận:
– Thứ nhất, do pháp luật không cấm, nên một cá nhân có thể làm Giám đốc cả hai loại hình công ty TNHH (một thành viên và hai thành viên trở lên), hoặc CTCP, nếu Điều lệ công ty và hợp đồng lao động cho phép.
– Thứ hai, nếu CTCP có thuộc doanh nghiệp Nhà nước thì Giám đốc CTCP đó không được kiêm làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.
Tóm lại, Luật Doanh nghiệp 2020 không cấm Giám đốc CTCP đồng thời là người quản lý của công ty khác (trừ trường hợp CTCP thuộc doanh nghiệp Nhà nước). Nghĩa là một cá nhân có thể làm Giám đốc hai CTCP, hoặc vừa là Giám đốc CTCP vừa là Giám đốc các loại hình doanh nghiệp khác như công ty TNHH một thành viên, hai thành viên trở lên.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc trong CTCP
Theo quy định tại khoản 3 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020, Giám đốc CTCP có quyền và nghĩa vụ, cụ thể như sau:
a) Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
b) Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị;
c) Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
d) Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
đ) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
e) Quyết định tiền lương và lợi ích khác đối với người lao động trong công ty, kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
g) Tuyển dụng lao động;
h) Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
i) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị.
Ngoài ra, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty, hợp đồng lao động ký với công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị. Trường hợp điều hành trái với quy định tại khoản này mà gây thiệt hại cho công ty thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho công ty.
Trên đây là bài viết về Giám đốc công ty cổ phần có được làm giám đốc công ty khác không? Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.