Ô nhiễm môi trường là gì? nguyên nhân, biện pháp và chế tài xử phạt

Ô nhiễm môi trường là gì?

Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề quan tâm đặc biệt đối với tất cả các quốc gia. Tại Việt Nam cũng vậy, hiện nay chúng ta cũng đang đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng do phát triển kinh tế mà quên đi bảo vệ môi trường. Tác hại của ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới chất lượng cuộc sống, để lại rất nặng nề, rất nhiều hệ lụy. Vậy ô nhiễm môi trường là gì? Để hiểu rõ hơn khái niệm này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật bảo vệ môi trường 2020;

Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;

Nghị định 45/2022/NĐ-CP

 

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Ô nhiễm môi trường là gì?

Theo quy định tại khoản 12 điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2020 thì Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.

Quá trình ô nhiễm môi trường dẫn tới nhiều hiện tượng xảy ra quanh chúng ta. Một số chúng ta có thể nhận biết được, một số khác thì phải qua quá trình biến đổi theo thời gian mới có thể nhận biết chính xác. Những biểu hiện của ô nhiễm môi trường như sau:

  • Thủng tầng ôzôn
  • Lũ lụt, hạn hán
  • Trái đất nóng lên, tăng nhiệt độ bề mặt;
  • Nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên;
  • Sạt lở xảy ra ở ven biển, ven sông, ven suối;
  • Sâu bệnh ngày càng khó điều trị;
  • Nguồn nước cạn kiệt;
  • Đất đai khô cằn;
  • Nhiều loại dịch bệnh xảy ra, khó có cách thức điều trị triệt để.

2. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường

Hiện nay, chúng ta đang nhức nhối đối mặt với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn…Vậy nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường là gì? Dưới đây, Phamlaw sẽ chỉ ra một số nguyên nhân để Quý bạn đọc có thể tham khảo:

2.1 Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước

Ô nhiễm môi trường nước dùng để chỉ hiện tượng nguồn nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm) bị nhiễm bẩn, thay đổi thành phần và chất lượng theo chiều hướng xấu, trong nước có các chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người và hệ sinh vật. Biểu hiện ô nhiễm môi trường nước thường thấy nhất là nước có màu lạ (màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ,…), mùi lạ (mùi tanh hôi, thối nồng nặc, mùi thum thủm,…) và xuất hiện váng, nổi bọt khí, có nhiều sinh vật sống trong nước bị chết. Các nguyên nhân khiến môi trường nước bị ô nhiễm có thể kể đến như:

– Chất thải công nghiệp: Trong quá trình sản xuất công nghiệp, các nhà máy liên tục xả chất thải ra môi trường. Một số doanh nghiệp vì không muốn hao tốn nhiều chi phí xử lý đã xả thẳng chất thải xuống sông, hồ xung quanh, dẫn đến ô nhiễm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và sinh vật trong khu vực.

– Chất thải sinh hoạt: Rác thải từ sinh hoạt, bao ni lông vứt xuống sông, biển hay cống dẫn đến ô nhiễm môi trường nước, bốc mùi hôi thối và làm chết sinh vật sống dưới nước. Thậm chí, những hộ gia đình ở ven sông còn vô tư xả các loại chất thải khác xuống sông như: Thức ăn thừa; Phân; Nước tiểu;….

– Hoạt động nông nghiệp: Trong quá trình trồng trọt, người ta thường sử dụng các loại thuốc trừ sâu, phân bón,…để bảo vệ và gia tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, trong các loại hóa chất này lại chứa những thành phần độc hại. Chúng đi theo nước tưới, ngấm xuống mạch nước ngầm hoặc chảy ra ao, hồ, gây ô nhiễm nguồn nước.

– Do tác nhân tự nhiên: Băng tan hay mưa lũ,…cũng là một tác nhân khiến tình trạng ô nhiễm nước lan rộng. Nước do mưa, lũ cuốn rác thải, xác sinh vật, nước cống,…trôi đến nhiều nơi, gây ô nhiễm trên diện rộng.

2.2 Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường đất

Ô nhiễm môi trường đất là một trong những vấn nghiêm trọng trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay. Đất ô nhiễm bị gây ra bởi sự có mặt của hóa chất sản phẩm của con người hoặc do các sự thay đổi trong môi trường đất tự nhiên.. Hiện nay, môi trường đất có thể bị ô nhiễm bởi những nguyên nhân:

– Hoạt động công nghiệp: Nhiều ngành sản xuất công nghiệp như khai thác quặng, luyện kim, dệt,…thải ra chì, thủy ngân và nhiều kim loại độc hại khác, làm ảnh hưởng đến tính chất của đất.

– Hoạt động nông nghiệp: Không chỉ ảnh hưởng đến nước sông, hồ, các loại hóa chất sử dụng trong nông nghiệp cũng ngấm xuống đất, gây ô nhiễm môi trường đất.

– Chất thải từ sinh hoạt: Phân; Nước tiểu; Rác thải;…từ sinh hoạt cũng là một tác nhân gây ô nhiễm đất. Đặc biệt, rác thải kim loại, hóa chất là chất thải nguy hiểm nhất đối với đất.

– Hậu quả của ô nhiễm nước: Các dòng nước ô nhiễm chảy đi khắp nơi, ngấm vào lòng đất cũng khiến đất bị ô nhiễm theo.

– Do yếu tố tự nhiên: Đất gần nước biển thường bị nhiễm mặn do nước biển xâm lấn. Đất ở đồng bằng thì lại dễ nhiễm phèn do nước phèn ở sông. Ngoài ra, mưa axit cũng là một nguyên nhân khiến đất bị nhiễm phải các thành phần xấu như: K+; CL-; Na+;….

2.3 Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí

So với nước và đất, không khí ô nhiễm sẽ gây ra những hậu quả nguy hiểm hơn rất nhiều lần. Đáng lo ngại hơn, ô nhiễm không khí còn là một tác nhân gây ra biến đổi khí hậu. Vì thế, đây được xem là vấn nạn vô cùng cấp bách trên toàn cầu. Ở nước ta, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là hai điểm nóng có chỉ số ô nhiễm không khí thuộc top đầu thế giới. Các nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí bao gồm:

– Chất thải công nghiệp: Ngành công nghiệp sản xuất hóa chất; Luyện kim; Sản xuất vũ khí;…được xem là nguyên nhân khiến lượng khí thải nhà kính (SO2, CO, NOx,…) gia tăng nhanh chóng. Không những thế, quá trình sản xuất điện cũng thải ra lượng lớn khí CO2 độc hại.

– Hoạt động sinh hoạt của con người: Việc sử dụng các loại phương tiện giao thông, các thiết bị gia dụng như máy lạnh, tủ lạnh,…xả không ít khí thải độc hại ra môi trường. Ngoài ra, việc đốt than củi, than tổ ong cũng thải ra CO2, làm ô nhiễm không khí.

– Do các nhân tố tự nhiên: Bên cạnh các tác nhân kể trên, những yếu tố tự nhiên như núi lửa phun trào (sinh ra Cl, S, CH4,…), cháy rừng (sinh ra CO2),…cũng góp phần khiến tính chất không khí bị biến đổi. Bên cạnh đó, gió còn thổi khói bụi từ những vùng ô nhiễm sang các vùng khác, khiến tình hình ô nhiễm không khí xuất hiện ở nhiều khu vực.

3. Biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường

Thứ nhất, Tuyên truyền và nâng cao ý thức người dân

Rác thải từ sinh hoạt và các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của con người là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Vậy nên, biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường đầu tiên chính là tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân:

– Bỏ rác đúng nơi quy định.

– Phân loại rác trước khi mang đi vứt.

– Hạn chế sử dụng và vứt túi ni lông ra ngoài môi trường.

– Không sử dụng quá nhiều các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt.

– Xử lý phân và các chất thải khi thực hiện các hoạt động chăn nuôi.

– Không vứt các loại chai lọ chứa hóa chất xuống nguồn nước.

– Các chất thải từ nhà máy, xí nghiệp trước khi xả ra sông, biển cần phải được xử lý.

– Tích cực trồng cây, gây rừng để làm sạch môi trường không khí bị ô nhiễm.

– Đi bộ, sử dụng xe đạp thay cho xe máy, ô tô khi có thể.

– Sử dụng các loại nhiên liệu như xăng E5 để giảm thiểu khí độc hại thải ra ngoài môi trường.

Thứ 2, Hoàn thiện hệ thống Pháp luật bảo vệ môi trường

Chính phủ và các cơ quan ban ngành Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống Pháp luật, đưa ra các giải pháp cưỡng chế hành chính, xử lý hình sự phải mạnh hơn nữa để có thể răn đe các đối tượng vi phạm.

Thứ 3, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát môi trường

Để kịp thời phát hiện và ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi gây ra ô nhiễm môi trường của các cá nhân, doanh nghiệp, các cơ quan ban ngành, đặc biệt là lực lượng thanh tra môi trường và cảnh sát môi trường các cấp cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau, thực hiện công tác thanh tra, giám sát về môi trường. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách trong công tác môi trường cần phải được huấn luyện, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, được trang bị các phương tiện kỹ thuật để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát môi trường hiệu quả nhất.

4.Chế tài xử lý vi phạm  khi gây ô nhiễn môi trường

4.1 Biện pháp hành chính

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị định 45/2022/NĐ-CP cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

  • Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

Như vậy, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính gồm:

– Cảnh cáo

– Phạt tiền

  • Ngoài ra, đối tượng còn có thể chịu chế tài thêm đối với hình thức xử phạt bổ sung khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:

– Tước quyền sử dụng có thời hạn;

– Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tịch thu sản phẩm có giá trị sau khi tiêu hủy và xử lý theo quy định của pháp luật;

– Việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường có thời hạn.

  • Biện pháp khắc phục hậu quả khi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Căn cứ khoản 3 Điều 4 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định theo quy định.

4.2 Xử lý hình sự đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường

Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, đối tượng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này. Căn cứ Điều 235  Bộ Luật hình sự 2015, sủa đổi bổ sung 2017 về Tội gây ô nhiễm môi trường.

Đối với cá nhân, mức hình phạt cao nhất lên đến 3.000.000.000 (phạt tiền) và 07 năm tù

Đối với pháp nhân thương mại, mức phạt cao nhất  lên đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.

 

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)