Quy định về vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Quy định về vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Vốn có vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào khi tham gia vào thị trường kinh doanh. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định về tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn, tăng, giảm vốn đối với từng loại hình doanh nghiệp nhằm tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tổ chức và thực hiện hoạt động kinh doanh.

Việc góp vốn thành lập công ty cổ phần được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan. Dưới đây Phamlaw sẽ hướng dẫn cụ thể theo quy định pháp luật mới nhất về vốn điều lệ trong công ty cổ phần để quý khách hàng có thể tham khảo.

1. Căn cứ pháp lý

– Luật doanh nghiệp 2020

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp

– Thông tư 01/2021/ TT–BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp

– Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan (Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng, Luật du lịch, Luật kinh doanh bảo hiểm,…).

2. Tổng quan quy định về vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp mà vốn điều lệ của nó được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phần.

Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ cũng là cơ sở xác định tỉ lệ số cổ phần được sở hữu, lợi ích, quyền lợi và nghĩa vụ của các cổ đông trong công ty.

Theo quy định tại khoản 1 điều 112 Luật doanh nghiệp 2020 thì Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Vốn điều lệ của công ty có thể được thay đổi trong quá trình hoạt động kinh doanh. Khi thay đổi vốn điều lệ, công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.

3. Mức vốn điều lệ khi thành lập công ty cổ phần

Nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh, Luật Doanh nghiệp năm 2020 không có quy định bắt buộc công ty cổ phần phải có bao nhiêu vốn điều lệ, chia số vốn đó làm bao nhiêu phần, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định để nhằm mục đích trao quyền cho cổ đông sáng lập, tự quyết định việc kinh doanh của mình. Do đó, người thành lập công ty cổ phần được tự do quyết định số vốn điều lệ của công ty mình khi đăng ký thành lập công ty.

Công ty cổ phần có thể lựa chọn mức vốn tùy vào từng chiến lược dự kiến kinh doanh của các cổ đông sáng lập bởi vì pháp luật không có bất kỳ quy định nào về mức vốn tối thiểu thành lập công ty cổ phần mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Luật Phamlaw thì công ty cổ phần chỉ nên để mức vốn vừa phải trên cơ sở phù hợp với khả năng tài chính của công ty, nhằm tránh được những rủi ro pháp lý nhất định.

Khi công ty cổ phần chọn mức vốn điều lệ quá thấp. Điều đó sẽ gây ra nhiều khó khăn nhất định cho công ty, như là không đảm bảo vốn pháp định để đăng ký kinh doanh một số ngành nghề nhất định hoặc không đủ số vốn để giao dịch và làm việc với đối tác. Còn nếu mức vốn điều lệ của công ty cổ phần quá cao hay việc công ty đăng ký khống vốn điều lệ sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động quản lý nhà nước, quyền và lợi ích của các nhà đầu tư khác, đối tác, khách hàng.

Việc công ty khai khống vốn điều lệ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư:

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.

– Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả với vi phạm kê khai vốn điều lệ đó là buộc doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định nêu trên.

4. Tăng, giảm vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Tăng giảm vốn điều lệ công ty cổ phần là việc thay đổi số vốn điều lệ đã đăng ký trước đó của công ty. Việc tăng, giảm vốn điều lệ nhằm mục đích phát triển kinh doanh hoặc mục đích khác theo mong muốn của doanh nghiệp. Dưới đây, Luật Phamlaw sẽ chỉ ra các cách thức tăng, giảm vốn điều lệ trong công ty cổ phần.

4.1 . Tăng vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Hiện nay, hình thức tăng vốn điều lệ công ty cổ phần có thể được thực hiện bằng hình thức sau đây:

Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cổ phần theo quy định tại điều 123 Luật doanh nghiệp 2020. Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần được quyền chào bán và bán các cổ phần đó trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp để tăng vốn điều lệ công ty.

Các hình thức chào bán cổ phần bao gồm:

+ Chào bán cho các cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty ( Khoản 1 điều 124 Luật doanh nghiệp 2020)

+ Chào bán cổ phần ra công chúng: Khi thực hiện hình thức chào bán cổ phần ra công chúng, chào bán cổ phần của công ty cổ phần niêm yết và đại chúng sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán hiện hành.

+ Chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng thì không được chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng và chỉ được chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định tại điều 125 Luật doanh nghiệp 2020.

4.2. Giảm vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Theo quy định tại khoản 5 điều 112 Luật doanh nghiệp 2020 thì công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

Thứ nhất, Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;

Thứ hai, công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật doanh nghiệp 2020;

Thứ ba, Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật doanh nghiệp 2020

5. Thực tiễn triển khai chế định vốn điều lệ trong công ty cổ phần

Hiện nay, pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp tự chủ trong việc quyết định mức vốn điều lệ đưa vào đầu tư kinh doanh trừ những lĩnh vực ngành nghề mà pháp luật quy định, doanh nghiệp phải chứng minh khả năng tài chính của mình khi vốn được giải ngân trong từng dự án kinh doanh cụ thể nhằm tạo niềm tin với đối tác, nhà đầu tư. Mặt khác, việc đăng ký vốn điều lệ do công ty cổ phần tự quyết định, cơ quan quản lý nhà nước chỉ giám sát qua báo cáo tài chính, báo cáo thuế nên việc khai khống vốn điều lệ là điều có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp.

Vốn điều lệ là yếu tố rất quan trọng trong quá trình thực hiện kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, nhà đầu tư phải có nghĩa vụ góp vốn đầy đủ, đúng hạn, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp chính xác số vốn điều lệ. Thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, mà các nhà đầu tư lúc đầu cam kết góp vốn, nhưng sau đó thì không góp hay không góp đầy đủ được như cam kết, dẫn đến việc doanh nghiệp đăng ký không đúng số vốn điều lệ thực. Hành vi vi phạm về đăng ký “khống vốn điều lệ” của doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới hoạt động quản lý nhà nước, quyền và lợi ích của các nhà đầu tư khác, đối tác, khách hàng. Bởi lẽ, khi không xác định được vốn điều lệ thực thì rất khó để tính trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp, phân định quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư. Việc doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký chính xác số vốn điều lệ của doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt cao nhất lên đến 100.000.000 triệu đồng theo quy định tại Điều 47 Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nhưng có lẽ mức phạt này chưa đủ để răn đe khi các doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, nhà nước cần đưa ra các chế tài đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn điều lệ, thống nhất giữa vốn điều lệ và vốn đầu tư, kiểm soát gian lận về kê khai khống vốn điều lệ trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, người tiêu dùng, đối tác của doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp phải có ý thức trung thực ngay từ khi ý định gia nhập thị trường qua việc định giá tài sản góp vốn, công khai vốn điều lệ của doanh nghiệp khi đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp, nhằm tăng tính minh bạch trong doanh nghiệp, hỗ trợ cho quy trình quản lý tài sản của các doanh nghiệp sao cho hiệu quả hơn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về Quy định về vốn điều lệ trong công ty cổ phần. Quý khách hàng còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

 >> xem them:

5/5 - (1 bình chọn)