Bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là một trong số những loại bản đồ thông dụng hiện nay, hỗ trợ rất nhiều cho công tác quản lý, sử dụng đất đai. Tuy nhiên, lại không có quá nhiều người biết và hiểu về khái niệm này. Để hiểu rõ hơn về khái niệm này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Thông tư 28/2014/TT-BTNMT

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là gì?

Theo quy định tại khoản 5 điều 3 Luật đất đai 2013 thì Bản đồ hiện trạng sử dụng đất là bản đồ thể hiện sự phân bố các loại đất tại một thời điểm xác định, được lập theo từng đơn vị hành chính.

Bản đồ/bản vẽ hiện trạng vị trí là tài liệu được tạo ra nhằm mục đích xác thực nhà ở hay khu đất ở thời điểm hiện tại, phản ánh đúng tình hình sử dụng đất của chủ sở hữu. bản vẽ này được lập dựa trên các cơ sở, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất có mục đích gì?

Thứ nhất, nó như một loại tài liệu nhằm hỗ trợ, phục vụ cho các yêu cầu liên quan đến công tác quản lý của Nhà nước đối với đất đai.

Thứ hai, là công cụ thể hiện chính xác vị trí, diện tích, loại đất ở một tỷ lệ thích hợp đối với các cấp hành chính.

Thứ ba, làm tài liệu để phục vụ cho công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ tư, làm tài liệu tham khảo cho các ngành khác có liên quan, nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển, đặc biệt là các ngành cần nhiều đến quỹ đất như nông, lâm, ngư nghiệp.

3. Nguyên tắc lập bản đồ 

  • Bản đồ được lập theo từng đơn vị hành chính các cấp, vùng kinh tế – xã hội và cả nước để thể hiện sự phân bố các loại đất tại thời điểm kiểm kê đất đai.
  • Bản đồ hiện trạng vị trí cấp xã được thành lập trên cơ sở tổng hợp, khái quát hóa nội dung của bản đồ kiểm kê đất đai.
  • Bản đồ hiện trạng vị trí cấp huyện và tỉnh được lập trên cơ sở tiếp biên, tổng hợp, khái quát hóa nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các đơn vị hành chính trực thuộc.
  • Bản đồ hiện trạng vị trí các vùng kinh tế – xã hội được lập trên cơ sở tổng hợp, khái quát nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
  • Bản đồ hiện trạng vị trí cả nước được lập trên cơ sở tổng hợp, khái quát nội dung bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các vùng kinh tế – xã hội.

4. Yêu cầu về hình thức bản đồ hiện trạng vị trí

  • Khoanh đất tổng hợp của bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã được thể hiện bằng ranh giới và ký hiệu loại đất (gồm mã và màu loại đất) theo các chỉ tiêu kiểm kê đất đai.
  • Khoanh đất tổng hợp có mục đích chính và mục đích phụ thì thể hiện màu của khoanh đất là màu của loại đất chính;
  • Mã loại đất thể hiện mã loại đất chính trước, mã loại đất phụ thể hiện sau trong ngoặc đơn.
  • Khoanh đất tổng hợp có nhiều mục đích và xác định được diện tích sử dụng riêng vào từng mục đích thì màu của khoanh đất là màu của loại đất có diện tích lớn nhất; mã loại đất thể hiện mã của từng loại đất, được sắp xếp theo thứ tự diện tích nhỏ dần.
  • Khoanh đất thuộc các khu vực tổng hợp thì thể hiện thêm mã của khu vực tổng hợp.

5. Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng vị trí

– Cơ sở toán học gồm khung bản đồ, lưới kilômét, lưới kinh vĩ tuyến, chú dẫn, trình bày ngoài khung và các nội dung có liên quan;

– Biên giới quốc gia và đường địa giới hành chính các cấp:

+ Đối với bản đồ hiện trạng sử dụng đất của vùng kinh tế, xã hội dạng giấy chỉ thể hiện đến địa giới hành chính cấp huyện; Bản đồ hiện trạng sử dụng đất dạng giấy của cả nước chỉ thể hiện địa giới hành chính cấp tỉnh.

+ Trường hợp không thống nhất đường địa giới hành chính giữa thực tế đang quản lý với hồ sơ địa giới hành chính thì trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất phải thể hiện đường địa giới hành chính thực tế đang quản lý. Trường hợp đang có tranh chấp về địa giới hành chính thì trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất phải thể hiện đường địa giới hành chính khu vực đang tranh chấp theo ý kiến của các bên liên quan;

– Ranh giới các khoanh đất của bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã thể hiện ranh giới và ký hiệu các khoanh đất theo chỉ tiêu kiểm kê đất đai. Ranh giới các khoanh đất của bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh, các vùng kinh tế – xã hội và cả nước thể hiện theo các chỉ tiêu tổng hợp; được tổng hợp, khái quát hóa theo quy định biên tập bản đồ hiện trạng sử dụng các cấp;

– Địa hình: Thể hiện địa hình đặc trưng của khu vực bằng đường bình độ, điểm độ cao và ghi chú độ cao.

– Thủy hệ và các đối tượng có liên quan như biển, hồ ao, đầm phà, sông ngòi, kênh rạch, thùng vũng.

– Hệ thống giao thông và các đối tượng có liên quan thể hiện phạm vi chiếm đất của đường sắt, đường bộ và các công trình giao thông trên hệ thống đường. Bản đồ hiện trạng cấp xã thể hiện tất cả các loại đường giao thông các cấp kể cả đường trục chính trong khu dân cư, đường nội đồng, đường mòn tại các xã miền núi, trung du. Bản đồ hiện trạng cấp huyện phải thể hiện đường liên xã, khu vực miền núi phải thể hiện cả đường đất nhỏ. Bản đồ hiện trạng cấp tỉnh phải thể hiện đường liên huyện trở lên

Ngoài ra trên bản đồ hiện trạng còn thể hiện các yếu tố kinh tế xã hội khác, các mục ghi chú để làm rõ một số nội dung trên bản đồ.

6. Thủ tục đo vẽ bản đồ hiện trạng vị trí

6.1 Đối với khu vực đã có bản đồ địa chính có tọa độ rõ ràng

Với trường hợp này, trong giai đoạn đo vẽ thành lập bản đồ địa chính có toạ độ làm bản vẽ vị trí đất, một bộ hồ sơ mẫu đã được thẩm định sử dụng hồ sơ kỹ thuật đã được thiết lập, sau đó chỉ cần đo vẽ bổ sung bản vẽ hiện trạng nhà là đủ cơ sở thành lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà ở đất ở.

Bước 1:

– Cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là người có nhu cầu xin cấp GCN) liên hệ và lập thủ tục tại quận, huyện.

– Quận căn cứ trên bản đồ địa chính khu đất để cung cấp hồ sơ kỹ thuật thửa đất cho người có nhu cầu.

– Người có nhu cầu liên hệ với đơn vị có chức năng để hợp đồng thực hiện đo đạc lập bản vẽ hiện trạng nhà dựa trên cơ sở hồ sơ kỹ thuật thửa đất đã có; sau đó thực hiện kiểm tra nội dung bản vẽ hiện trạng nhà, ký xác nhận và chuyển bản vẽ hiện trạng nhà này đến quận cùng với hồ sơ xin cấp GCN.

Bước 2:

– Quận kiểm tra cấp quản lý nhà nước bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất về các yếu tố hình học thửa đất như: vị trí, hình thể, diện tích… và các yếu tố thuộc phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật như: lộ giới, hẻm giới, phạm vi an toàn điện…

– Quận tổ chức thực hiện việc kết hợp bản vẽ hiện trạng nhà với hồ sơ kỹ thuật thửa đất tương ứng để thành lập bản vẽ sơ đồ nhà đất mà sẽ được thể hiện trên giấy chứng nhận.

– Quận trình toàn bộ hồ sơ lên Uỷ ban Nhân dân thành phố để được xét duyệt, ký giấy chứng nhận và cấp cho chủ sử dụng.

6.2 Thủ tục đo vẽ

a. Đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính có tọa độ

Tiến hành đo đạc lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất độc lập đối với từng căn nhà có tham khảo và đối chiếu với nền bản đồ hoặc nền sơ đồ tốt nhất đang được sử dụng tại quận, huyện.

Bước 1:

– Quận hướng dẫn người có nhu cầu xin cấp GCN hợp đồng với đơn vị có chức năng tiến hành đo đạc lập bản đồ hiện trạng vị trí đất và bản vẽ hiện trạng nhà. Nếu việc đo đạc lập hai loại bản vẽ này giao cho cùng một đơn vị thực hiện thì sẽ thống nhất được về mặt số liệu và giảm được thời gian thực hiện; nếu giao cho hai đơn vị thực hiện, thì đơn vị đo sau phải tham khảo số liệu của đơn vị đo trước để có sự phù hợp và thống nhất về hình thể, kích thước.

– Đơn vị đo đạc bản đồ cần liên hệ trước với quận để thu thập các thông số về quy hoạch nhằm thực hiện một lần bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất trên đó thể hiện đầy đủ, chính xác vị trí, hình thể thửa đất và các ranh quy hoạch (nếu có).

– Sau khi kiểm tra, chủ sử dụng ký xác nhận trên bản vẽ và nộp hai bản vẽ nêu trên cùng hồ sơ có liên quan cho quận, huyện.

Bước 2:

Quận tiến hành kiểm tra, xử lý theo nội dung giống với trường hợp khu vực đã có bản đồ địa chính có tọa độ rõ ràng

b. Đối với khu vực đang đo đạc lập bản đồ địa chính có tọa độ

Trong quá trình thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính có tọa độ theo kế hoạch hàng năm; quận, huyện sẽ phối hợp với đơn vị đo đạc (đang đo vẽ bản đồ địa chính) để thực hiện song song việc đo đạc lập bản vẽ hiện trạng nhà để khi thành lập xong bản đồ địa chính, có hồ sơ kỹ thuật thửa đất thì đồng thời có luôn bản vẽ hiện trạng nhà.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về khái niệm bản đồ hiện trạng sử dụng đất, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (1 bình chọn)