Câu hỏi: Thỏa thuận phân chia di sản là quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung
Xin chào Luật sư, gia đình tôi có việc muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau:
Trước đây, bố, mẹ, tôi và một người cô có chung nhau mua một mảnh đất, trên sổ đỏ cũng đứng tên cả 4 người. Nay bố tôi vừa mất không để lại di chúc, tôi và mẹ muốn để anh trai tôi đứng trên cho phần của bố. Nhưng vì chưa rõ quy định của pháp luật như thế nào, nên chúng tôi muốn nhờ Luật sư trả lời giúp như sau:
- Mẹ con tôi muốn đưa tên anh trai vào phần của bố thì có cần được sự đồng ý của người cô không?
- Chúng tôi cần thực hiện những thủ tục nào để đưa tên anh tôi vào Giấy chứng nhận?
Mong câu trả lời của Luật sư. Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn.
(Câu hỏi được biên tập tự mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw)
Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Phamlaw.
Pháp luật hiện nay quy định các hình thức sở hữu khác nhau, trong đó có các hình thức sở hữu chung là sở hữu chung theo phần và sở hữu chung theo hợp nhất. Đối với mỗi hình thức, các chủ sở hữu lại có các quyền và nghĩa vụ khác nhau đối với phần tài sản của mình. Dưới đây, Phamlaw xin đưa ra quan điểm tư vấn với trường hợp của gia đình bạn như sau:
Thứ nhất, quy đinh của pháp luật về thừa kế di sản là tài sản thuộc sở hữu chung theo phần
Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản. Sở hữu chung theo phần được hiểu là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung. Theo Bộ luật dân sự 2015, việc định đoạt tài sản chung được quy định như sau:
- Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình;
- Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thi phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.
Mặt khác, theo Bộ luật dân sự 2015, thì di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, và phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Trong trường hợp người chết không để lại di chúc, thì di sản được phân chia theo quy định của pháp luật cho hàng thừa kế; cụ thể, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo quy định của Luật công chứng 2014, thì những người thừa kế theo pháp luật có quyền thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế.
Như vậy, căn cứ vào những quy định nêu trên, thì trường hợp của gia đình bạn có thể giải quyết như sau:
- Quyền sử dụng đối với mảnh đất mà cha mẹ, bạn và người cô cùng đứng tên được xác định là tài sản thuộc sở hữu chung , và xác định được phần sở hữu của mỗi người trong khối tài sản đó;
- Do bố bạn mất mà không để lại di chúc, nhưng vẫn có người thừa kế, nên phần tài sản của bố bạn sẽ được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất; và những người thừa kế có quyền thỏa thuận để phân chia di sản;
- Người cô bạn có quyền trong việc định đoạt, sử dụng phần tài sản thuộc sở hữu của mình trong khối tài sản chung mà không có quyền định đoạt đối với phần di sản của bố bạn để lại.
Thứ hai, thủ tục thay đổi tên chủ sở hữu trên giấy chứng nhận
Theo quy định tại điều 656 Bộ luật dân sự 2015, thì sau khi có thông báo về việc mở thừa kế, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận về cách thức phân chia di sản. Thỏa thuận phân chia di sản theo Luật công chứng 2014 được thực hiện như sau:
- Những người thừa kế theo pháp luật yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản này, những người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản của mình được hưởng cho người khác;
- Đối với di sản là quyền sử dụng đất, thì người yêu cầu công chứng phải cung cấp đủ các loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó;
- Nếu có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì công chứng viên từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị cả người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám đình; tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
- Sau khi có văn bản công nhận về việc phân chia di sản, những người thừa kế có thể tiến hành các thủ tục tại cơ quan nhà nươc có thẩm quyền về việc đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản.
Trên đây là những ý kiến tư vấn của PHAMLAW về “Thỏa thuận phân chia di sản là quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung”. Nếu Quý khách có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với tổng đài tư vấn thủ tục hành chính hoặc bộ phận tư vấn pháp lý chuyên sâu 1900 của PHAMLAW. Để được tư vấn các dịch vụ về khai nhận di sản thừa kế; sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thủ tục tách/hợp thửa; đăng ký biến động đất đai…, Quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ.
> Xem thêm: