“Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập sẽ phải theo trình tự nào ? DN phải làm gì để không xảy ra tranh chấp khi chuyển nhượng?”
Cty cổ phần BĐG được cấp giấy chứng nhận kinh doanh lần đầu vào tháng 6/2003. Điều lệ Cty quy định như Luật Doanh nghiệp 1999. Ngày 15/7/2005, ông Thanh là cổ đông sáng lập – Chủ tịch HĐQT của Cty cổ phần ĐBG có ký Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 8.500 cổ phần của mình trong Cty cổ phần ĐBG cho ông Sơn với giá chuyển nhượng 1,5 tỷ đồng và đã nhận đủ số tiền này từ ông Sơn. Trong hợp đồng cũng có điều khoản ông Thanh phải từ chức Chủ tịch HĐQT và thực hiện các thủ tục để ông Sơn được giữ chức Chủ tịch HĐQT của Cty ĐBG. Ông Sơn nhận một số giấy tờ của Cty BĐG do ông Thanh giao để làm tin bao gồm một số hóa đơn GTGT do bên bán phát hành cho Cty ĐBG và 2 chứng nhận bảo hiểm do Cty bảo hiểm cấp cho Cty ĐBG.
Tuy nhiên, sau đó ông Thanh không thực hiện việc làm thủ tục đăng ký ông Sơn vào Sổ đăng ký cổ đông và làm thủ tục thay đổi Chủ tịch HĐQT của Cty. Do đó, ông Sơn làm đơn khởi kiện yêu cầu ông Thanh phải trả lại số tiền chuyển nhượng cổ phần đã nhận 1,5 tỷ đồng nói trên
Ông Thanh xác nhận chỉ ký khống vào tờ giấy trắng để ông Sơn sử dụng vào việc liên hệ mua hàng hóa tại Hà Nội, thực tế không có ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Tòa án đã thụ lý vụ việc.
Giải quyết tranh chấp
Căn cứ vào bản Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 15/7/2005, có đủ cơ sở để xác định giữa ông Thanh và ông Sơn có thỏa thuận việc chuyển nhượng 8.500 cổ phần của ông Thanh trong Cty cổ phần ĐBG cho ông Sơn với giá chuyển nhượng 1,5 tỷ đồng. Nhưng có vấn đề cần xem xét là ông Sơn không đưa ra được bằng chứng chứng tỏ bên chuyển nhượng là ông Thanh đã nhận đủ số tiền chuyển nhượng nói trên. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cổ phần nói trên giữa ông Thanh và ông Sơn không được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông Cty cổ phần BĐG theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật DN năm 1999.
Do đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Bộ luật dân sự năm 1995, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nói trên giữa các bên là hợp đồng dân sự vô hiệu và các bên có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 146 Bộ luật dân sự năm 1995.
Về ý kiến của ông Thanh cho rằng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ngày 15/7/2005 mà ông Sơn dùng làm chứng cứ để khởi kiện đã được ông Thanh ký khống để sử dụng vào việc khác (chưa ghi nội dung), thực tế ông Thanh hoàn toàn không có thỏa thuận chuyển nhượng và cũng chưa có nhận số tiền chuyển nhượng cổ phần 1,5 tỷ đồng từ ông Sơn nên không chấp nhận hoàn trả số tiền này cho ông Sơn. Ý kiến này không có căn cứ để được chấp nhận vì tại Biên bản ghi lời khai do Phòng CSĐTTP về TTXH Công an TP HCM lập ngày 15/2/2006 cũng như tại phiên tòa, ông Thanh và người đại diện của mình đã xác nhận chữ ký của bên chuyển nhượng trong bản hợp đồng chuyển nhượng cổ phần mà ông Sơn cung cấp cho Tòa án để làm căn cứ khởi kiện đúng là chữ ký ông Thanh mà không có chứng cứ nào để chứng minh việc ký đó là ký khống. Từ sự phân tích trên cho thấy yêu cầu của ông Sơn đòi ông Thanh phải hoàn trả số tiền chuyển nhượng cổ phần 1,5 tỷ đồng là có căn cứ và hợp pháp, cần được chấp nhận.
Nguyên nhân và bài học
Các nhà đầu tư khi quyết định mua cổ phần của một Cty cũng cần phải tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan và Điều lệ Cty xem liệu số cổ phần mình định mua là loại cổ phần gì, khi chuyển nhượng cần có các điều kiện gì và thủ tục chuyển nhượng ra sao.
Một câu hỏi nữa được đặt ra trong tranh chấp nêu trên là trong trường hợp, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa ông Thanh và ông Sơn được ĐHĐCĐ chấp thuận (chuyển nhượng hợp pháp) thì Cty BĐG có phải thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông sáng lập ghi trong giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh không ? Luật DN 2005 quy định: “Trong thời hạn ba năm, kể từ ngày Cty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó và người nhận chuyển nhượng đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của Cty”.
Nghị định 88/2006/NĐ-CP cũng hướng dẫn trình tự thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập theo quy định nêu trên của Luật Doanh nghiệp 2005. Quy định trên của Luật DN không những nêu rõ hơn về thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh, mà còn khắc phục được tâm lý e ngại của người nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập, đồng thời vẫn đảm bảo sự gắn kết của Cty và cổ đông sáng lập với Cty cũng như yếu tố “ghi công” đối với Cty.
> xem thêm: