Cấm xuất cảnh do doanh nghiệp bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Tóm tắt câu hỏi về: Cấm xuất cảnh do doanh nghiệp bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Chào luật sư, tôi có yêu cầu muốn nhờ luật sư tư vấn giúp: Ngày 26/06/2017 tôi có ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục xuất cảnh sang Mỹ. Tại quầy thủ tục, công an cửa khẩu thông báo tôi chưa được phép xuất cảnh với lý do doanh nghiệp tư nhân của tôi đã bị khóa mã số thuế. Vậy cho tôi hỏi:

1. Tôi bị cấm xuất cảnh như vậy là đúng hay sai? Căn cứ quy định nào?

2. Nếu tôi mở mã số thuế thì tôi có được phép chuyển nhượng doanh nghiệp cho người khác không?

3. Trong trường hợp, nếu sau này doanh nghiệp tư nhân tôi đã chuyển nhượng mà tiếp tục bị đóng mã số thuế thì tôi có bị cấm xuất cảnh nữa không ?

Mong sớm nhận được tư vấn của luật sư, tôi xin cảm ơn!

Cấm xuất cảnh do doanh nghiệp bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế
Cấm xuất cảnh do doanh nghiệp bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu của mình đến công ty TNHH tư vấn PhamLaw, về câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp năm 2014

Thông tư 95/2016/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế

Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BCA quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

2. Luật sư tư vấn

Thứ nhất, về hành vi cấm xuất cảnh.

Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BCA quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:

Điều 21. Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.

2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.

3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.

4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.

5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.

6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.”

Như vậy, theo như thông tin bạn cung cấp, doanh nghiệp tư nhân mà bạn đang là chủ sở hữu đang bị đóng mã số thuế của doanh nghiệp (bị khóa mã số thuế). Do đó, căn cứ theo khoản 4 Điều 21 Văn bản này thì bạn sẽ không được phép xuất cảnh ra nước ngoài.

Thứ hai, về khôi phục mã số thuế.

Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ, nên chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn căn cứ trên những thông tin bạn đã cung cấp. Theo đó, Điều 20 Thông tư 95/2016/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế thì các trường hợp khôi phục mã số thuế gồm:

a) Người nộp thuế là tổ chức kinh tế hoặc tổ chức khác bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương, cơ quan thuế đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế theo quy định, nhưng sau đó cơ quan có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương.

b) Người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh ở tình trạng cơ quan thuế đã ban hành Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; cơ quan quản lý nhà nước khác chưa ban hành văn bản thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy phép tương đương, người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan thuế khôi phục mã số thuế và cam kết thanh toán các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước, chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế.

c) Người nộp thuế là tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh đã có hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế gửi đến cơ quan thuế nhưng chưa được cơ quan thuế ban hành Thông báo người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế, đề nghị được tiếp tục hoạt động trở lại.

d) Cơ quan thuế xác định người nộp thuế không thuộc trường hợp phải chấm dứt hiệu lực mã số thuế do lỗi của cơ quan thuế.”

Trong trường hợp này, bạn cần xác định doanh nghiệp mình có thuộc một trong các trường hợp được khôi phục mã số thuế hay không? Nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì bạn có thể làm hồ sơ để yêu cầu cơ quan thuế có thẩm quyền khôi phục mã số thuế cho doanh nghiệp bạn. Ngược lại, nếu trong trường hợp doanh nghiệp bạn không thuộc trường hợp nào trong các trường hợp khôi phục mã số thuế thì bạn phải tiến hành thủ tục nộp hồ sơ kê khai mã số thuế mới cho doanh nghiệp.

Sau khi khôi phục lại mã số thuế hoặc đăng ký mã số thuế mới thì bạn có thể làm thủ tục bán doanh nghiệp của mình cho cá nhân khác theo quy định tại Điều 187 Luật Doanh nghiệp năm 2014:

Điều 187. Bán doanh nghiệp

1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác.

2. Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.

3. Người bán, người mua doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động.

4. Người mua doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.”

Như vậy, sau khi bạn bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân khác thì về nguyên tắc bạn vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp.

Tuy nhiên, pháp luật không hạn chế sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mua bán, do vậy, nếu bạn và cá nhân mua doanh nghiệp cũng như chủ nợ của doanh nghiệp đồng ý thỏa thuận về việc để cá nhân mua doanh nghiệp của bạn thay bạn chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp thì lúc này, bạn hoàn toàn không có quyền và nghĩa vụ gì đối với doanh nghiệp tư nhân mà bạn đã bán. Hay nói cách khác là bạn đã chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ có liên quan đến doanh nghiệp này.

Thứ ba, về hậu quả pháp lý sau khi bán doanh nghiệp.

Sau khi bạn bán doanh nghiệp cho người khác thì nếu doanh nghiệp này tiếp tục bị khóa mã số thuế thì bạn việc bạn có bị cấm xuất cảnh hay không tùy vào các trường hợp sau:

Một là, bạn và bên mua doanh nghiệp có thỏa thuận với nhau về việc bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển giao doanh nghiệp. Lúc này, nếu bạn còn đang nợ thuế (chưa trả hết nợ thuế trước khi chuyển giao doanh nghiệp) thì bạn vẫn không được xuất cảnh đi nước ngoài.

Hai là, nếu bạn và bên mua doanh nghiệp cũng như các chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân cùng thỏa thuận với nhau về việc bên mua thay bạn chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp phát sinh trước khi chuyển giao doanh nghiệp. Sau đó, nếu doanh nghiệp mà tiếp tục bị đóng mã số thuế thì bạn không bị cấm xuất cảnh ra nước ngoài (bạn phải không thuộc các trường hợp không được xuất cảnh theo quy định).

Trên đây là tư vấn của công ty TNHH tư vấn PhamLaw về yêu cầu của bạn. Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hay cần thêm thông tin chi tiết, xin hãy liên hệ với bộ phận tư vấn thủ tục hành chính 1900 của công ty TNHH tư vấn PhamLaw. Để được tư vấn các dịch vụ quý khách hàng vui lòng kết nối tới số hotline: 097 393 8866, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ. Hãy đến với Công ty Luật Phạm Law để nhận được dịch vụ tốt nhất cho mọi khách hàng.

Rất mong nhận được sự hợp tác của khách hàng!

Trân trọng!

 

 

3.7/5 - (6 bình chọn)