Nguyên tắc, chuẩn mực kế toán – thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Nguyên tắc, chuẩn mực kế toán – thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp

Câu hỏi: Kính chào Quý luật sư. Theo tôi được biết thì lập báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp. Vậy báo cáo này phải được lập theo nguyên tắc và chuẩn mực như thế nào? Ai sẽ là người có thẩm quyền thông qua báo cáo tài chính hàng năm? Kính mong Quý luật sư tư vấn giúp tôi.

Trân trọng cảm ơn !

(Câu hỏi được biên tập từ mail gửi đến Bộ phận tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw)

Trả lời: (Câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)

Kính chào Quý khách, cảm ơn Quý khách đã tin tưởng và gửi mail đến cho Bộ tư vấn pháp luật và thủ tục hành chính của Phamlaw. Về thắc mắc của Quý khách, chúng tôi xin được đưa ra ý kiến của mình qua bài viết dưới đây:

Nguyên tắc, chuẩn mực kế toán - thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp
Nguyên tắc, chuẩn mực kế toán – thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp

1. Báo cáo tài chính là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật kế toán năm 2015, Báo cáo tài chính (BCTC) là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.

BCTC áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Doanh nghiệp có nghĩa vụ lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê. Vậy BCTC được lập theo nguyên tắc, chuẩn mực kế toán như thế nào?

2. Nguyên tắc, chuẩn mực kế toán thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp (theo Thông tư 200/2014/TT-BTC) được quy định

*Thứ nhất

Việc lập và trình bày BCTC phải tuân thủ các quy định tại Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” và các chuẩn mực kế toán khác có liên quan. Các thông tin trọng yếu phải được giải trình để giúp người đọc hiểu đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp. Theo Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính doanh nghiệp phải thực hiện lập và trình bày Báo cáo tài chính theo các nguyên tắc sau:

– Hoạt động liên tục

+ Khi lập và trình bày báo cáo tài chính, doanh nghiệp cần phải đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của mình. Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, trừ khi doanh nghiệp có ý định cũng như buộc phải ngừng hoạt động, hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình.
+ Để đánh giá khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp, Giám đốc (hoặc người đứng đầu) doanh nghiệp cần phải xem xét đến mọi thông tin có thể dự đoán được tối thiểu trong vòng 12 tháng tới kể từ ngày kết thúc niên độ kế toán.

– Cơ sở dồn tích

+ Doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính theo cơ sở kế toán dồn tích, ngoại trừ các thông tin liên quan đến các luồng tiền.
+ Các giao dịch và sự kiện được ghi nhận vào thời điểm phát sinh, không căn cứ vào thời điểm thực thu, thực chi tiền và được ghi nhận vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của các kỳ kế toán liên quan.
+ Các khoản chi phí được ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí.

– Nhất quán

+ Việc trình bày và phân loại các khoản mục trong báo cáo tài chính phải nhất quán từ niên độ này sang niên độ khác, trừ khi: Có sự thay đổi đáng kể về bản chất các hoạt động của doanh nghiệp hoặc khi xem xét lại việc trình bày báo cáo tài chính cho thấy rằng cần phải thay đổi để có thể trình bày một cách hợp lý hơn các giao dịch và các sự kiện; hoặc một chuẩn mực kế toán khác yêu cầu có sự thay đổi trong việc trình bày.

– Trọng yếu và tập hợp

+ Từng khoản mục trọng yếu phải được trình bày riêng biệt trong báo cáo tài chính. Các khoản mục không trọng yếu thì không phải trình bày riêng rẽ mà được tập hợp vào những khoản mục có cùng tính chất hoặc chức năng.
+ Khi trình bày báo cáo tài chính, một thông tin được coi là trọng yếu nếu không trình bày hoặc trình bày thiếu chính xác của thông tin đó có thể làm sai lệch đáng kể báo cáo tài chính, làm ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính.
+ Để xác định một khoản mục hay một tập hợp các khoản mục là trọng yếu phải đánh giá tính chất và quy mô của chúng. Tùy theo các tình huống cụ thể, tính chất hoặc quy mô của từng khoản mục có thể là nhân tố quyết định tính trọng yếu.

– Bù trừ

+ Các khoản mục tài sản và nợ phải trả trình bày trên báo cáo tài chính không được bù trừ, trừ khi một chuẩn mực kế toán khác quy định hoặc cho phép bù trừ . Do vậy doanh nghiệp phải trình bày riêng biệt tất cả các khoản mục tài sản và công nợ trên BCTC.
+ Các khoản mục doanh thu, thu nhập khác và chi phí chỉ được bù trừ khi: Được quy định tại một chuẩn mực kế toán khác; hoặc các khoản lãi, lỗ và các chi phí liên quan phát sinh từ các giao dịch và các sự kiện giống nhau hoặc tương tự và không có tính trọng yếu.
+ Các tài sản và nợ phải trả, các khoản thu nhập và chi phí có tính trọng yếu phải được báo cáo riêng biệt. Việc bù trừ các số liệu trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hoặc Bảng cân đối kế toán, ngoại trừ trường hợp việc bù trừ này phản ánh bản chất của giao dịch hoặc sự kiện, sẽ không cho phép người sử dụng hiểu được các giao dịch hoặc sự kiện được thực hiện và dự tính được các luồng tiền trong tương lai của doanh nghiệp.

– Có thể so sánh

+ Các thông tin bằng số liệu trong báo cáo tài chính nhằm để so sánh giữa các kỳ kế toán phải được trình bày tương ứng với các thông tin bằng số liệu trong báo cáo tài chính của kỳ trước.
+ Khi thay đổi cách trình bày hoặc cách phân loại các khoản mục trong báo cáo tài chính, thì phải phân loại lại các số liệu so sánh nhằm đảm bảo khả năng so sánh với kỳ hiện tại, và phải trình bày tính chất, số liệu và lý do việc phân loại lại.

*Thứ hai: Báo cáo tài chính phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện hơn là hình thức pháp lý của các giao dịch và sự kiện đó (tôn trọng bản chất hơn hình thức)

*Thứ ba: Tài sản không được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi; Nợ phải trả không được ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán

*Thứ tư: Phân loại tài sản và nợ phải trả

Tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày thành ngắn hạn và dài hạn; Trong từng phần ngắn hạn và dài hạn, các chỉ tiêu được sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần.
a) Tài sản hoặc nợ phải trả có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo được phân loại là ngắn hạn;
b) Những tài sản và nợ phải trả không được phân loại là ngắn hạn thì được phân loại là dài hạn.
c) Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải thực hiện tái phân loại tài sản và nợ phải trả được phân loại là dài hạn trong kỳ trước nhưng có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo thành ngắn hạn.

*Thứ năm: Tài sản và nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt. Chỉ thực hiện bù trừ khi tài sản và nợ phải trả liên quan đến cùng một đối tượng, có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn, phát sinh từ các giao dịch và sự kiện cùng loại.

*Thứ sáu: Các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí phải được trình bày theo nguyên tắc phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí và luồng tiền của kỳ báo cáo. Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí của các kỳ trước có sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền phải được điều chỉnh hồi tố, không điều chỉnh vào kỳ báo cáo.

*Thứ bảy: Khi lập Báo cáo tài chính tổng hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, số dư các khoản mục nội bộ của Bảng cân đối kế toán, các khoản doanh thu, chi phí, lãi, lỗ được coi là chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải được loại trừ.

Báo cáo tài chính là loại báo cáo quan trọng nhất của doanh nghiệp, chính vì vậy mà báo cáo tài chính phải được lập phù hợp với chuẩn mực kế toán. Bộ Tài chính đã công bố chuẩn mực kế toán của Việt Nam tại từng thời điểm. Giữa chuẩn mực kế toán của Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế cũng có sự khác biệt. Đối với các doanh nghiệp trong nước nói chung thì không phải lập và trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế trừ khi doanh nghiệp đó tự nguyện tuân thủ các chuẩn mực kế toán quốc tế.

Trên thực tế, trường hợp tuân thủ các chuẩn mực kế toán quốc tế có lẽ chỉ có các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại cổ phần được cho vào chương trình tái cơ cấu ngân hàng của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Các ngân hàng này buộc phải áp dụng cả chuẩn mực kế toán của Việt Nam và cả chuẩn mực quốc tế khi chuẩn bị và lập báo cáo tài chính. Do đó mà khi tham gia vào chương trình này các ngân hàng cần lập hai bộ báo cáo tài chính, một bộ theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam, một bộ theo chuẩn mực kế toán quốc tế.

3. Quyền tiếp cận thông tin

Quyền tiếp cận báo cáo tài chính là quyền riêng của thành viên từ 10% trở lên trong công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ đông từ 05% trong công ty cổ phần và không dành cho mọi thành viên và cổ đông. Tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 49 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định:

“2. Ngoài các quyền quy định tại khoản 1 Điều này, thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này có các quyền sau đây:

b) Kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm;

c) Kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên, biên bản họp, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên và tài liệu khác của công ty;”

Trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, thành viên 10% cũng có quyền kiểm tra, xem xét và tra cứu báo cáo tài chính hàng năm. Bên cạnh đó, thành viên 10% cũng có quyền như trên đối với sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch và sổ kế toán. Tuy các quy định của pháp luật về vấn đề này chưa cụ thể nhưng chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về logic có quyền không giới hạn đối với việc xem xét báo cáo tài chính.

Tương tự như vậy tại điểm a khoản 2 Điều 115 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định:

“2.Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:

a) Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty”.

Căn cứ theo quy định này thì cổ đông sở hữu từ 05% trong công ty cổ phần có quyền xem xét và trích lục báo cáo tài chính hàng năm và báo cáo tài chính giữa niên độ, sổ biên bản và các nghị quyết của hội đồng quản trị cũng như các báo cáo của ban kiểm soát.

4. Thẩm quyền thông qua báo cáo tài chính

Tại điểm g khoản 2 Điều 55 Luật doanh nghiệp 2020 có quy định:

“2. Hội đồng thành viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

g) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm, phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc phương án xử lý lỗ của công ty;”

Tại điểm e khoản 2 Điều 138 Luật doanh nghiệp 2020:

“2. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

e) Thông qua báo cáo tài chính hằng năm;”

Như vậy, báo cáo tài chính hàng năm phải được hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn và đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần thông qua. Báo cáo tài chính phải được lập, ký bởi các chủ thể có thẩm quyền của doanh nghiệp, đối với một số trường hợp phải được kiểm toán. Đây là vấn đề thuộc về mặt thủ tục hơn là quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận báo cáo tài chính.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Phamlaw về thắc mắc của Quý khách liên quan đến vấn đề Nguyên tắc, chuẩn mực kế toán – thông qua báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Nếu Quý khách còn có vướng mắc hay muốn biết thêm thông tin về các thủ tục hành chính như thành lập doanh nghiệp, thay đổi thông tịn đăng ký kinh doanh, giải thể doanh nghiệp,…xin vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

Xem thêm:

4/5 - (3 bình chọn)