Quyền thừa kế đất đai khi không có di chúc

Quyền thừa kế đất đai khi không có di chúc

Đất đai là một trong những loại di sản thừa kế phổ biến và có giá trị nhất. Theo quy định của pháp luật dân sự, có hai hình thức thừa đế đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Mỗi hình thức thừa kế lại có những điều kiện và thủ tục riêng mà người thừa kế cần nắm được đề tránh các tranh chấp hoặc các rủi ro liên quan đến hưởng di sản. Vậy quyền thừa kế đất đai khi không có di chúc được quy định như thế nào? Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Quyền thừa kế đất đai khi không có di chúc là gì?

Theo Điều 609 Bộ luật dân sự 2015, quyền thừa kế được quy định như sau:

– Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

– Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

Từ quy định trên có thể hiểu, quyền thừa kế bao gồm các quyền như sau: quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi mất, quyền để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật và quyền được hưởng phần di sản theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật của người được hưởng di sản.

Pháp luật quy định hai hình thức thừa kế bao gồm: Thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Vì vậy,  quyền thừa kế đất đai khi không có di chúc chính là một trong số những hình thức thừa kế đất đai theo pháp luật, quyền này được bao bồm quyền lập di chúc để định đoạt tài sản là đất đai của mình sau khi mất, quyền để lại tài sản là đất đai của mình cho người thừa kế theo pháp luật (thông thường là cha mẹ để lại tài sản thừa kế là đất đai cho con cái thông qua hình thức chuyển giao quyền sử dụng đất) và quyền được hưởng phần di sản đất đai theo quy định của pháp luật của người được hưởng đất đai.

2. Điều kiện đất đai được thừa kế

Theo quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013, điều kiện để thừa kế quyền sử dụng đất gồm:

– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

– Đất không có tranh chấp;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

– Trong thời hạn sử dụng đất.

 Ngoài các điều kiện quy định trên, người sử dụng đất khi thừa kế phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật đất đai về Điều kiện bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm; iều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất; Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện…

Việc thừa kế quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

3. Chia thừa kế đất đai theo pháp luật

Được áp dụng trong trường hợp người có di sản đất đai mất nhưng không để lại di chúc, theo quy định pháp luật hiện hành, những người trong hàng thừa kế được quyền hưởng thừa kế đất đai.

Những người thừa kế theo pháp luật được hưởng thừa kế bằng cách xác định theo hàng thừa kế lần lượt theo thứ tự quy định tại Điều 651 BLDS, cụ thể:

– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (ông bà), anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản đất đai bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Thừa kế thế vị: Trường hợp con của người để lại di sản đất đai chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Những quy định trên nhằm hạn chế tranh chấp giữa các bên trong quan hệ thừa kế, đồng thời góp phần điều chỉnh cụ thể, rõ ràng hơn trong việc phân chia di sản đất đai.

4. Những ai không có quyền hưởng thừa kế khi không có di chúc

Theo Điều 621, BLDS 2015 quy định về người không được quyền hưởng di sản như sau:

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe; hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản; xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần; hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép; hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần; hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, những người quy định trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đất đai đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc

5. Thủ tục khai di sản thừa kế là đất đai không có di chúc

Bước 1: Công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế tại văn phòng công chứng. Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm có:

– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó;

– Giấy chứng tử của người để lại đất đai;

– Giấy tờ tùy thân của người nhận quyền kế thừa đất đai: CMND/ CCCD;

– Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Bước 2: Công chứng viên tiến hành kiểm tra, xác minh, thụ lý công chứng và niêm yết tại UBND cấp xã nơi có đất. (theo Điều 58 Luật công chứng 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP).

Thời hạn niêm yết công khai là 15 ngày, nếu trong 15 ngày này không có tranh chấp từ những người đồng thừa kế hoặc người có quyền lợi liên quan thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ ra văn bản công nhận di sản thừa kế.

Bước 3: Đăng ký biến động đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai.

Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai. (theo Điều 95 Luật Đất đai 2013, Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).

Trong trường hợp đã quá 30 ngày mà không đăng ký biến động đất đai thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức thấp nhất là 1.000.000 đồng, cao nhất đến 10.000.000 đồng tùy theo từng trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Trên đây tư vấn của Phamlaw đối với nội dung Quyền thừa kế đất đai khi không có di chúc? Nếu có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

4.5/5 - (2 bình chọn)