Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Câu hỏi: Năm 2014, tôi có thuê 250m2 đất nông nghiệp của ông Nguyễn Hữu T để canh tác trong thời hạn 05 năm, hợp đồng thuê đã được công chứng, tiền thuê đất tôi cũng đã giao đủ. Tháng 11/2016, ông T bị cảm chết đột ngột. Nhà ông T chỉ có 2 vợ chồng và một con trai duy nhất, nhưng vợ ông T đã mất từ lâu, con trai (đã lấy vợ và có 2 con) mất năm 2013 do tai nạn giao thông. Sau khi ông T mất, người con dâu nằng nặc đòi lại thửa đất tôi đang canh tác đã thuê của ông T, với lý do ông T đã chết nên Hợp đồng không còn giá trị, cô ấy là người thừa kế nên có quyền đòi lại đất. Vậy mong Luật sư cho tôi biết tôi có phải trả lại đất không? Con cái ông T là người được hưởng di sản đó có nghĩa vụ gì với hợp đồng thuê đất của tôi hay không vì tiền thuê đất tôi đã trả toàn bộ cho ông T cả 05 năm.
Trả lời: (câu trả lời chỉ mang tính chất tham khảo)
Thứ nhất, về hiệu lực của hợp đồng thuê đất nông nghiệp
Theo quy định tại điều 424 Bộ luật dân sự 2005, thì một trong những căn cứ để hợp đồng dân sự chấm dứt là “Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện”. Nội dung này được quy định tương tự tại điều 422 Bộ luật dân sự 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Tuy nhiên, trong trường hợp bên cho thuê chết thì những người được thừa kế có trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người để lại di sản, quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại trong quan hệ hợp đồng sẽ được giải quyết với người nhận di sản. Với trường hợp của bạn, chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:
Thứ hai, đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất nông nghiệp
Điều 179 Luật đất đai 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê trả tiền một lần trong cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất;… thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
…đ) Cá nhân sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất của mình theo di chúc hoặc theo pháp luật. Hộ gia đình được Nhà nước giao đất, nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.”
Dựa theo điều luật trên, thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp đều có quyền để lại thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp. Do đó thì quyền sử dụng đối với số đất nông nghiệp của ông T để lại sẽ được xác định là di sản thừa kế nếu đất đó được giao cho ông T một cách hợp pháp.
Thứ ba, về việc cá nhân chết mà không để lại di chúc
Trong trường hợp cá nhân chết không để lại di chúc thì áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Quy định này được nêu rõ tại điều 675 Bộ luật dân sự 2005, tương ứng với điều 650 Bộ luật dân sự 2015. Để xác định ai là người thừa kế trong trường hợp này, thì căn cứ vào quy định về người thừa kế theo pháp luật.
Cụ thể, tại điều 676 Bộ luật dân sự 2005 (Tương tự như Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017), các hàng thừa kế được quy định như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo như bạn trình bày, thì vợ ông T chết đã lâu, con trai duy nhất cũng đã mất, chỉ có hai cháu đang còn sống được xác định là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ hai theo quy định của pháp luật. Người con dâu hoàn toàn không có quyền thừa kế di sản ông T để lại, vậy nên không có quyền đòi lại di sản.
Thứ tư, về việc thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
Các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại bao gồm các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, nghĩa vụ dân sự trong các giao dịch dân sự, khoản bồi thường thiệt hại với người khác… Đối với hợp đồng dân sự, sau khi người để lại di sản chết, những người thừa kế phải hoàn thành nghĩa vụ mà lẽ ra, người chết phải thực hiện. Tuy nhiên, pháp luật quy định hợp đồng chấm dứt khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, do đó, việc giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan phụ thuộc vào ý chí của những người nhận thừa kế.
Trong trường hợp này, các đồng thừa kế có các cách giải quyết theo quy định của pháp luật như sau:
– Cách 1: Các đồng thừa kế thống nhất lựa chọn một người để quản lý di sản.
Căn cứ vào điều 638 Bộ luật dân sự 2005 (tương tự như Điều 616 Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017): “Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra”, những người thừa kế có thể giao đất cho bạn quản lý và canh tác. Ngoài ra, nếu trong trường hợp những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản khác.
Như vậy, bạn có thể liên hệ với người thừa kế, thỏa thuận về việc tiếp tục sử dụng di sản. Tuy nhiên, nếu họ đồng ý cho bạn tiếp tục được thuê lại đất để canh tác thì hai bên cần giao kết một hợp đồng mới, do hiệu lực của Hợp đồng cũ đã chấm dứt.
– Cách 2: Theo điều 637 Bộ luật dân sự 2005(Tương tự như Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017), những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại. Theo Hợp đồng, bên thuê đất đã thực hiện xong nghĩa vụ giao tiền của mình, bên cho thuê giao đất để bên thuê canh tác. Hợp đồng giữa 2 bên vẫn còn thời hạn nhưng bên cho thuê đã chết, do vậy, những người thừa kế có trách nhiệm phải hoàn trả lại số tiền tương ứng với thời gian cho thuê còn lại theo hợp đồng.
Trên đây là nội dung câu trả lời của luật sư với trường hợp của bạn về việc Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. Nếu bạn còn băn khoăn, vướng mắc, vui lòng kết nối đến số hotline tư vấn 1900 của chúng tôi để được hỗ trợ. Muốn sử dụng dịch vụ khai nhận di sản thừa kế, soạn thảo văn bản di chúc hoặc các nội dung có liên quan đến thừa kế, di chúc, vui lòng kết nối số hotline 097 393 8866 của chúng tôi để được biết thông tin chi tiết.
———————————
Bộ phận tư vấn và thực hiện thủ tục hành chính – Phamlaw
Các dịch vụ của PhamLaw