Người giám định trong tố tụng dân sự
Trong tố tụng dân sự, người giám định trong nhiều vụ án có vai trò then chốt nhằm giúp Tòa án đưa ra phán quyết công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Người giám định được quyền đọc tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Tòa án cung cấp tài liệu cần thiết cho việc giám định, được đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định, và có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Để hiểu rõ hơn về người giám định trong tố tụng dân sự, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật tố tụng dân sự 2015
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Người giám định là gì?
Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Đối với nhiều vụ việc dân sự, để giải quyết chính xác, đúng đắn các vấn đề đặt ra thì cần thiết phải có người giám định tham gia tố tụng dân sự. Điều 79 BLTTDS 2015 quy định người giám định trong tố tụng dân sự là người có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm cần thiết về đối tượng cần được giám định được Tòa án trưng cầu hoặc được đương sự yêu cầu tham gia tố tụng. Người giám định tham gia tố tụng dân sự không phải để bảo vệ quyền, lợi ích của mình có trong vụ việc dân sự mà để hỗ trợ Tòa án, hỗ trợ đương sự xác định các vấn đề cần làm sáng tỏ trong vụ việc dân sự.
2. Quyền và nghĩa vụ của người giám định
Trong tố tụng dân sự, người giám định có các quyền và nghĩa vụ về chuyên môn, vật chất trong việc thực hiện giám định. Việc bảo đảm thực hiện đúng được các quyền, nghĩa vụ tố tụng của người giám định ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự. Như người làm chứng, việc thực hiện được đúng các quyền, nghĩa vụ tố tụng của người giám định trong nhiều trường hợp cũng có tính chất quyết định đối với kết qụả giải quyết vụ việc dân sự.
2.1 Quyền của người giám định
Người giám định có các quyền sau đây:
– Được đọc tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Tòa án cung cấp tài liệu cần thiết cho việc giám định;
– Đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;
– Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trình bày, giải thích, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ, khách quan;
– Phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn, tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được;
– Phải bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả lại Tòa án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được;
– Không được tự mình thu thập tài liệu để tiến hành giám định, tiếp xúc với người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ Thẩm phán quyết định trưng cầu giám định;
– Được thanh toán các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật;
– Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
2.2 Nghĩa vụ của người giám định
Bên cạnh các quyền trên, người giám định cũng phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định tại BLTTDS 2015. Đó là phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trình bày, giải thích, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ, khách quan; quy định người giám định phải giám định một cách khách quan, trung thực.
Nghĩa vụ của người giám định còn được quy định tại các điểm d, đ, e, h khoản 1 Điều 80 là nếu người giám định khi được Tòa án yêu cầu giám định mà không thể giám định được thì họ phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn, tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được; phải bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả lại Tòa án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được. Quy định này trong thực tiễn áp dụng cũng có thể sẽ gặp phải một số khó khăn đó là nếu người giám định không muốn giám định, họ có thể lấy lý do việc giám định đó vượt quá khả năng chuyên môn hay tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ, không sử dụng được. Trường hợp này Tòa án phải quyết định thế nào, làm thế nào Tòa án xác định được vượt quá hay không vượt quá, tài liệu đủ hay không đủ? Do vậy, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về những quy định này.
Ngoài ra, để bảo đảm việc giám định được khách quan, người giảm định không được tự mình thu thập tài liệu để tiến hành giám định, không được tiếp xúc với người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ Thẩm phán quyết định trưng cầu giám định.
3. Vai trò của người giám định trong tố tụng dân sự
Công tác giám định và người giám định có vị trí, vai trò, ý nghĩa hết sức to lớn trong hoạt động tố tụng nói chung và trong việc bảo đảm tính chính xác, khách quan đúng pháp luật của hoạt động tố tụng dân sự nói riêng. Kết quả giám định không chỉ tạo cơ sở cho các phán quyết đúng đắn mà còn tiết kiệm được thời gian, tiền của, công sức cho cả cơ quan tố tụng lẫn các bên đương sự, giúp cho các bên có cơ sở để thương lượng, hòa giải hoặc rút đơn khởi kiện, từ đó tiết kiệm được thời gian xác minh, kiểm tra, thu thập chứng cứ, thời gian giải quyết vụ việc dân sự. Mặt khác, việc giám định bảo đảm tính khách quan, khoa học sẽ tạo ra cho đương sự nói riêng và những người tham gia tố tụng cũng như nhân dân nói chung tâm lý tin tưởng vào phán quyết của Tòa án, đương sự sẽ ít kháng cáo, khiếu nại.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính chính xác của báo cáo giám định, Tòa án cũng cần lựa chọn người giám định có đủ năng lực và kinh nghiệm phù hợp với đối tượng được giám định trong vụ án. Việc này đòi hỏi Tòa án không chỉ xác định đúng phạm vi và đối tượng được trưng cầu giám định mà khi xét thấy cần phải yêu cầu người giám định (ngay cả khi đương sự không có yêu cầu) tham dự phiên tòa để làm rõ những phân tích, kết luận giám định nhằm giúp cho đương sự có cơ hội bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ thông qua hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.
Hy vọng bài viết trên đây của Phamlaw sẽ giúp Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về người giám định trong tố tụng dân sự. Để biết thêm các thông tin chi tiết về người giám định, Quý bạn đọc vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.