Bao thanh toán là gì?

Bao thanh toán và các quy định pháp luật về bao thanh toán

Bao thanh toán là gì?

Theo khoản 17 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017), bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Đặc điểm của bao thanh toán

Thứ nhất, bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng ngắn hạn của tổ chức tín dụng. Khi thực hiện quan hệ bao thanh toán, tổ chức tín dụng ứng trước cho khách hàng của mình một khoản tiền nhất đinh thấp hon giá trị thực tế của các khoản phải thu. Phần chênh lệch này chính là phần phí và lãi tín dụng. Thông thường chỉ những khoản phải thu có thời hạn không quá 180 ngày mới được chấp nhận bao thanh toán.

Hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam bắt buộc phải gắn với chức năng tài trợ tín dụng, các nghiệp vụ quản lí sổ sách, quản lí thu nợ không được coi là chức năng độc lập trong bao thanh toán;

Tổ chức thực hiện hoạt động bao thanh toán phải tuân thủ các điều kiện, thủ tục và các hạn chế để bảo đảm an toàn được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng.

Bao Thanh Toan La Gi
Bao thanh toán là gì?

Thứ hai, hoạt động bao thanh toán dựa trên quan hệ về mua bán quyền tài sản là quyền đòi nợ. Đây là dấu hiệu để phân biệt hoạt động bao thanh toán với các hình thức cấp tín dụng khác. Do quyền đòi nợ là một loại tài sản được xác định từ giao dịch thương mại cụ thể nên khi thực hiện hoạt động bao thanh toán, tổ chức bao thanh toán phải tiến hành phân tích toàn diện và trực tiếp các giao dịch làm phát sinh khoản phải thu, tình hình tài chính và hoật động của cả bên bán và bên mua hàng.

Điều này khác với chiết khấu thương phiếu, do đặc tính trừu tượng của thương phiếu, các bên chuyển nhượng thương phiếu không cân thiết phải quan tâm tới khoản nợ ghi trên thương phiếu phát sinh từ giao dịch kinh tể nào và về mặt pháp lí khoản nợ ghi trên thương phiếu cũng không phụ thuộc vào hợp đồng mua bán.

Do sự khác biệt này mà dẫn đến hệ quả là khi thực hiện việc cấp tín dụng dưới hình thức bao thanh toán, bên bán hàng phải chuyển giao toàn bộ chứng từ và các giấy tờ khác liên quan đến giao dịch mua, bán để xác lập và chuyển quyền đòi nợ cho bên bao thanh toán.

Điều kiện bao thanh toán của tổ chức tín dụng

Đơn vị bao thanh toán xem xét, quyết định bao thanh toán khi khách hàng đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 11 Thông tư 02/2017/TT-NHNN, cụ thể như sau:

(1) Đối với khách hàng là người cư trú

(i) Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật;

(ii) Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

(iii) Nhu cầu bao thanh toán để sử dụng tiền ứng trước vào mục đích hợp pháp và phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh;

(iv) Có khả năng tài chính để trả nợ;

(v) Có phương án sử dụng vốn khả thi.

(2) Đối với khách hàng là người không cư trú

(i) Khách hàng là tổ chức;

(ii) Các điều kiện quy định tại (iii), (iv), (v) của mục (1);

(iii) Trường hợp khách hàng là bên nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện quy định tại (i), (ii) của mục (2) và một trong các điều kiện sau đây:

+ Khách hàng là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài;

+ 100% giá trị của khoản phải trả được bảo lãnh thanh toán, bảo hiểm bởi bên thứ ba, được khách hàng ký quỹ, được bảo đảm bằng tiền gửi của khách hàng tại đơn vị bao thanh toán.

Trường hợp không được bao thanh toán của tổ chức tín dụng

Cụ thể tại Điều 6 Thông tư 02/2017/TT-NHNN, đơn vị bao thanh toán không được bao thanh toán đối với khoản phải thu, khoản phải trả sau đây:

– Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bị pháp luật cấm.

– Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn thanh toán còn lại dài hơn 180 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị bao thanh toán.

– Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.

– Phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

– Đã được bao thanh toán hoặc đã được sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ khác.

– Đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

– Đang có tranh chấp.

Các yêu cầu trong thực hiện bao thanh toán của tổ chức tín dụng

Khi thực hiện bao thanh toán, đơn vị bao thanh toán cần đảm bảo các yêu cầu sau đây:

– Đơn vị bao thanh toán thỏa thuận với khách hàng về số tiền ứng trước nhưng không được vượt quá giá trị của khoản phải thu, khoản phải trả và chỉ được ứng trước tiền sau khi nhận được đầy đủ tài liệu sau đây:

+ Bản gốc hợp đồng, chứng từ mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hoặc

+ Bản sao hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và bản sao hoặc bảng kê chứng từ mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong trường hợp đơn vị bao thanh toán và khách hàng thỏa thuận trong hợp đồng bao thanh toán về biện pháp đảm bảo tính chính xác, trung thực, đầy đủ của bản sao hoặc bảng kê so với bản gốc.

– Đơn vị bao thanh toán chỉ được bao thanh toán bằng ngoại tệ trong phạm vi hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước, trên thị trường quốc tế tại Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

– Đối với bao thanh toán bên bán hàng, đơn vị bao thanh toán thực hiện yêu cầu sau đây:

+ Thỏa thuận với bên bán hàng về việc gửi văn bản thông báo bao thanh toán cho bên mua hàng và bên liên quan khác có nghĩa vụ (nếu có), trừ trường hợp bên bán hàng, bên mua hàng, bên liên quan khác có nghĩa vụ (nếu có) có thỏa thuận không cần thông báo.

Văn bản thông báo tối thiểu bao gồm nội dung chuyển giao quyền, nghĩa vụ đối với khoản phải thu giữa bên bán hàng và đơn vị bao thanh toán và đề nghị bên mua hàng và bên liên quan khác có nghĩa vụ (nếu có) xem xét, cam kết bằng văn bản đối với việc thực hiện thanh toán cho đơn vị bao thanh toán;

+ Trường hợp bên mua hàng và bên liên quan khác có nghĩa vụ (nếu có) không có văn bản cam kết thực hiện thanh toán cho đơn vị bao thanh toán theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Thông tư 02/2017/TT-NHNN:

Đơn vị bao thanh toán chỉ được thực hiện bao thanh toán đối với khách hàng trong trường hợp đơn vị bao thanh toán và khách hàng thỏa thuận bằng văn bản về biện pháp để đơn vị bao thanh toán kiểm soát được các khoản thanh toán của bên mua hàng hoặc bên liên quan khác có nghĩa vụ (nếu có) cho bên bán hàng.

– Đối với bao thanh toán bên mua hàng, đơn vị bao thanh toán chỉ được thực hiện khi bên bán hàng đồng ý bằng văn bản về việc bên mua hàng chuyển giao nghĩa vụ thanh toán khoản phải trả cho đơn vị bao thanh toán.

– Việc bao thanh toán hợp vốn thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2017/TT-NHNN, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cấp tín dụng hợp vốn đối với khách hàng và quy định của pháp luật có liên quan.

(Điều 10 Thông tư 02/2017/TT-NHNN)

Trên đây là câu trả lời chi tiết của Luật sư PhamLaw đã theo quy định của pháp luật hiện nay. Nếu quý bạn đọc còn vướng mắc ở bất kỳ chỗ nào vui lòng kết nối đến số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được tư vấn luật nhanh chóng nhất!

Xem thêm:

Rate this post