Nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự

Nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự

Chứng cứ trong tố tụng nói chung và chứng cứ trong tố tụng hình sự nói riêng là một vấn đề vô cùng quan trọng mang tính mấu chốt trong suốt quá trình tố tụng (từ giai đoạn điều tra, đến giai đoạn truy tố và cuối cùng là giai đoạn xét xử) một vụ án hình sự. Bởi chứng cứ là phương tiện để chứng minh, xác định các sự kiện, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự. Để hiểu rõ hơn về nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật tố tụng hình sự 2015

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Nguồn chứng cứ là gì?

Chứng cứ trong vụ án hình sự là những gì có thật liên quan đến vụ án hình sự mà dựa vào nó, các cơ quan tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, mức độ, tính chất hành vi và từ những tình tiết khác liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự.

Còn nguồn chứng cứ là hình thức, nơi chứa đựng những gì có thật liên quan đến vụ án hình sự. Do đó, việc làm rõ khái niệm chứng cứ và nguồn chứng cứ, cũng như làm sáng tỏ các loại nguồn chứng cứ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng để vụ án được giải quyết khách quan, chính xác và đúng pháp luật.

2. Quy định pháp luật về nguồn chứng cứ

Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

– Vật chứng;

– Lời khai, lời trình bày;

– Dữ liệu điện tử;

– Kết luận giám định, định giá tài sản;

– Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

– Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

– Các tài liệu, đồ vật khác.

Lưu ý: Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS 2015, quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự

Như vậy so với BLTTHS 2003 thì BLTTHS 2015 ngoài việc quy định cụ thể, rõ ràng hơn một số nguồn chứng cứ như: lời trình bày, biên bản trong hoạt động khởi tố, thi hành án, đã bổ sung thêm các nguồn chứng cứ là: Dữ liệu điện tử; định giá tài sản; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế. Đồng thời Khoản 2 điều này đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.

3. Các nguồn chứng cứ

Nguồn chứng cứ là nơi, mà từ đó, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng rút ra các thông tin gọi là chứng cứ để chứng minh tội phạm và làm rõ vụ án hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định 7 nguồn chứng cứ là: vật chứng; lời khai, lời trình bày; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác; các tài liệu, đồ vật khác.

a. Vật chứng

Vật chứng theo Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Vật chứng có một số đặc trưng cơ bản sau:

Thứ nhất, vật chứng là vật cụ thể, tồn tại dưới dạng vật chất, sự thể hiện của vật chứng rất phong phú với đủ hình dạng, kích cỡ, trọng lượng, màu sắc và vật chứng đó phải liên quan đến vụ án hình sự.

Thứ hai, vật chứng chứa đựng và phản ánh trong mình những sự kiện thực tế liên quan đến vụ án, sự liên quan này có thể ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp nhưng quan trọng nó phải nằm trong mối liên quan tổng thể của vụ án hình sự và phải là: những vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; những vật mang dấu vết tội phạm; đối tượng của tội phạm mà người phạm tội tác động đến; tiền và những vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Thứ ba, Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng, nó ghi nhận chính xác những sự kiện thực tế của vụ án nên giá trị chứng minh của nó trong vụ án hình sự có thể là rất cao. Vật chứng là chứng cứ mang tính vật chất, nó tồn tại độc lập, khách quan và không bị chi phối bởi ý thức chủ quan của con người.

b. Lời khai, lời trình bày

Lời khai, lời trình bày được coi là vật chứng bao gồm: Lời khai của người làm chứng; Lời khai của bị hại; Lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; Lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ; Lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm; Lời khai của người chứng kiến; Lời khai của bị can, bị cáo.

c. Dữ liệu điện tử

Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ đặc thù bởi: Dữ liệu điện tử không giống với nguồn chứng cứ thông thường, không phải là sự vật hay sự kiện như quan niệm trước đây, đây là những ký tự dưới dạng số hóa được lưu giữ trong phương tiện, thiết bị điện tử hoặc trên mạng thông tin toàn cầu qua quá trình xử lý sẽ cho ra các dữ liệu bao gồm số, chữ viết, âm thanh, hình ảnh… từ đó cung cấp thông tin liên quan đến sự kiện phạm tội.

d. Kết luận giám định, định giá tài sản

+ Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định (theo Điều 100 Bộ luật tố tụng hình sự 2015);

+ Kết luận định giá tài sản là văn bản do hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu. Đồng thời, hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó (Điều 101 BLTTHS 2015)

Đây cũng một nguồn chứng cứ quan trọng về tình tiết của vụ án mà việc xem xét nó dựa trên kiến thức chuyên môn, khoa học kỹ thuật… làm căn cứ vạch ra sự thật khách quan của vụ án hình sự .Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định. Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu.

e. Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là một trong những biện pháp tố tụng được thực hiện trong quá trình chứng minh. Mọi thông tin về nội dung và những tình tiết liên quan đến vụ án hình sự được ghi chép lại theo quy định của pháp luật tức là lập thành biên bản.

f. Các tài liệu, đồ vật khác

Những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm theo quy định tại Điều 89 BLTTHS 2015 quy định về vật chứng như trên thì được coi là vật chứng.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về nguồn chứng cứ trong tố tụng hình sự. Nếu bạn có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)