Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được viết tắt là PPP, đây là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Để hiểu rõ hơn về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đầu tư 2020

Nghị định số 35/2021/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Dự án PPP là gì?

Dự án PPP là các dự án về đầu tư, xây dựng, cải tạo, kinh doanh, vận hành, cung cấp dịch vụ công, quản lý công trình hạ tầng,… dựa trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết trước đó. Dự án PPP được ra đời và nhằm để thể hiện sự hợp tác của Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân trong mối quan hệ kinh tế.

Nhà đầu tư khi tham gia dự án PPP sẽ được Nhà nước chuyển giao quyền lợi và trách nhiệm theo các mức độ khác nhau. Ngoài ra, tùy vào độ lớn của dự án mà hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng dành cho các khối tư nhân cũng khác nhau.

Hơn nữa, nguồn vốn của dự án PPP tập trung chủ yếu từ phía các doanh nghiệp tư nhân. Còn Nhà nước chỉ tham gia đóng góp một phần không vượt quá 30% tổng nguồn vốn của dự án, loại trừ trường hợp Thủ tướng Chính Phủ ban hành quyết định riêng.

Như vậy, ta có thể hiểu các dự án PPP là các dự án xây dựng, vận hành, cải tạo, quản lý công trình hạ tầng cung cấp dịch vụ công. Đây là mô hình đang được áp dụng rất rộng rãi. Mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong các dự án PPP là mối quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ, mối quan hệ hợp tác công tư nhằm hoàn thiện 1 dự án đầu tư. Các nhà đầu tư có hứng thú với dự án sẽ tham gia đấu thầu, doanh nghiệp trúng thầu sẽ được nhà nước tiến hành chuyển giao quyền lợi, trách nghiệm theo các mức độ nhất định.

2. Đặc điểm của hình thức đầu tư PPP

Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP có các đặc điểm sau:

Thứ nhất, Chủ thể tham gia hợp đồng PPP gồm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân.

Theo đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân cùng phối hợp với Nhà nước thực hiện các dự án trên cơ sở Hợp đồng dự án.

Thứ hai, Lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Điều 2 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:

+ Giao thông vận tải gồm các dự án có tổng mức đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực đường bộ; đường sắt; đường thủy nội địa; hàng hải; hàng không.

+ Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định

+ Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải: Quy mô dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên

+ Y tế; giáo dục – đào tạo với các dự án cơ sở khám chữa bệnh; y tế dự phòng; kiểm nghiệm có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên;

+ Hạ tầng công nghệ thông tin

Cụ thể là dự án hạ tầng thông tin số, kinh tế số; hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu, trung tâm dữ liệu; các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ quốc gia dùng chung; an toàn, an ninh mạng; hệ thống ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp; hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông (ICT) cho đô thị thông minh có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên.

Thứ ba, Mỗi dự án PPP sẽ có một loại hợp đồng tương ứng phù hợp với đặc điểm và yêu cầu cụ thể của từng loại hình như:

+ Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (Build – Operate – Transfer, hợp đồng BOT);

+ Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Kinh doanh (Build – Transfer – Operate, hợp đồng BTO);

+ Hợp đồng Xây dựng – Sở hữu – Kinh doanh (Build – Own – Operate, hợp đồng BOO);

+ Hợp đồng Kinh doanh – Quản lý (Operate – Manage, hợp đồng O&M);

+ Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (Build – Transfer – Lease, hợp đồng BTL)…

3. Một số lĩnh vực áp dụng đầu tư theo hình thức PPP

Hiện nay, PPP được áp dụng đầu tư tại các lĩnh vực như: Giao thông – đường bộ; Hầm đường bộ, đường bộ, cầu đường bộ và bến phà đường bộ; Cảng biển, cảng hàng không và cảng sông; Cung cấp nước sạch; Nhà máy điện; Hệ thống xử lý nước thải bảo vệ môi trường; Bệnh viện; Phát triển kết cấu cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công; Đường sắt, hầm đường sắt,…

4.Quy trình thực hiện dự án đầu tư

Quy trình thực hiện dự án đầu tư PPP bao gồm các bước sau đây:

Bước 1: Đề xuất dự án đầu tư.

Các cơ quan bộ ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc, hay nhà đầu tư là những người có thể đề xuất dự án đầu tư.

Bước 2: Thẩm định và phê duyệt.

Dựa vào các tiêu chí và trình tự thẩm định phê duyệt đã được quy định chi tiết trong điều luật, cơ quan nhà nước sẽ lựa chọn sơ bộ dự án, bao cao tính khả thi của dự án. Thời gian này không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Bước 3: Công bố dự án.

Việc công bố dự án diễn ra trong vòng 7 ngày kể từ khi dự án được phê duyệt và công bố trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Bước 4: Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

Ở những dự án do các bộ, ngành ủy ban nhân dân đề xuất thì những cơ quan này sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Quá trình thẩm định cho các cơ quan thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước, các đơn vị đầu mối về PPP do Bộ trưởng, thủ tướng, cơ quan ngang bộ hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Khi dự án đã được chủ thể thực hiện và chủ thể thẩm định thì lúc này sẽ được thủ tướng chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng đơn vị hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Bước 5: Lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng.

Các hình thức lựa chọn nhà đầu tư có thể là đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu. Trong bước này sẽ thực hiện ký kết hợp đồng thỏa thuận đầu tư và hợp đồng dự án sửa nhà nước và nhà đầu tư được lựa chọn.

Bước 6: Đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp.

Sau khi đã được lựa chọn thành nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ phải làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án nhằm mục đích thực hiện và quản lý thực hiện dự án theo pháp luật.

Bước 7: Triển khai thực hiện dự án.

Quá trình triển khai dự án sẽ được thực hiện dựa trên những định hướng của nhà nước là sự kết hợp nguồn vốn của nhà đầu tư để tiến hành hoàn thành dự án.

Bước 8: Quyết toán và bàn giao dự án.

Pháp luật quy định rằng trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hoàn thành công trình dự án, các chủ thể là nhà đầu tư thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Việc kiểm toán giá trị vốn đầu tư được thực hiện bởi một tổ chức kiểm toán độc lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận lựa chọn.

Đối với các hợp đồng dự án có quy định về việc chuyển giao công trình dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư thỏa thuận trong hợp đồng dự án các điều kiện, thủ tục chuyển giao.

5. Ưu và nhược điểm của hình thức đầu tư PPP

* Ưu điểm của hình thức đầu tư PPP:

– Thúc đẩy hiệu quả của quá trình phân phối, quản trị và quản lý các dự án.

– Đảm bảo đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

– Có khả năng tiếp cận với công nghệ mới nhất (bao gồm cả phần mềm và phần cứng) và dễ dàng nắm bắt chúng.

– Giảm thiểu gánh nặng chi phí về thiết kế và xây dựng bởi mô hình PPP có thể sẽ không yêu cầu chi tiền mặt ngay lập tức.

* Hạn chế của hình thức đầu tư PPP:

– Rủi ro cao do khả năng của một trong các bên tham gia dự án không đáp ứng vì hạn chế kỹ thuật hoặc trình độ năng lực không đủ.

– Dự án PPP có thể cao hơn so với dự án bình thường, trừ khi chi phí bổ sung được bù đắp bằng hiệu quả tăng trưởng của dự án.

– Các thay đổi liên quan đến quản lý, kiểm soát tài sản cơ sở hạ tầng có thể không đủ để cải thiện hiệu quả kinh tế của nó, ngoại trừ khả năng các điều kiện cần thiết khác được đáp ứng. Những điều kiện đó sẽ bao gồm: quản lý cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính hay các hoạt động liên quan đến môi trường.

– Hiệu quả quản lý kém, không có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thành công của dự án.

– Các bộ tham gia dự án không được đào tạo bài bản cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm về PPP.

– Nguồn vốn đầu tư công hạn chế dẫn đến nhiều khó khăn trong việc phân bổ nguồn vốn vào các dự án.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (1 bình chọn)