Hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Bảo lãnh ngân hàng là một hoạt động của ngân hàng, thúc đẩy các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nói chung giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tạo ra sự tin tưởng cho các bên giao kết hợp đồng, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Để hiểu rõ hơn về hoạt động bảo lãnh ngân hàng, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung 2017

Thông tư 07/2015/TT-NHNN

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Bảo lãnh ngân hàng là gì?

Theo quy định tại điều 20 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bảo lãnh ngân hàng được hiểu như sau “Là cam kết bằng văn bản của tổ chức tín dụng (bên bảo lãnh) với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng (bên được bảo lãnh) khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh. Khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả cho tổ chức tín dụng số tiền đã được trả thay”.

Hay có thể hiểu: Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh; bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho bên bảo lãnh (Khoản 1 điều 3 thông tư 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng )

Trong dịch vụ bảo lãnh ngân hàng sẽ gồm 3 bên:

  • Bên bảo lãnh: Ngân hàng
  • Bên được bảo lãnh: Khách hàng đi vay
  • Bên nhận bảo lãnh: là bên sẽ được Ngân hàng hoàn trả tiền trong trường hợp bên được bảo lãnh không thể thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ

Ví dụ: Công ty A nhận thầu dự án X. Tuy nhiên, để đảm bảo công ty A không bỏ cuộc giữa chừng thì tổ chức tài chính F sẽ cấp một chứng thư bảo lãnh dự thầu cho công ty A sẽ thực hiện đúng tiến độ dự án, nếu công ty A không hoàn thành thì toàn bộ chi phí tổ chức tài chính F sẽ đứng ra trả toàn bộ chi phí cho bên tổ chức đấu thầu dự án X.

2. Đặc điểm của hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Thứ nhất, bảo lãnh ngân hàng vừa là hoạt động bảo đảm thực hiện nghĩa vụ vừa là hoạt động cấp tín dụng cho khách hàng.

Thứ hai, bảo lãnh ngân hàng là một loại giao dịch thương mại đặc thù do các chủ thể chuyên nghiệp là các tổ chức tín dụng thực hiện trên thị trường nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Thứ ba, bảo lãnh ngân hàng là nghiệp vụ được thực hiện trên cơ sở chứng từ. Đặc điểm này thể hiện ở chỗ, trong quá trình tham gia quan hệ bảo lãnh, tổ chức tín dụng đồng thời thiết lập hợp đồng cấp bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh. Cả hai loại hợp đồng này đều bắt buộc thiết lập bằng văn bản, ghi nhận các điều khoản, nội dung thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ bảo lãnh

Thứ tư, giao dịch bảo lãnh làm phát sinh hai hợp đồng: hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh. Hai hợp đồng này vừa gắn kết vừa tách rời, có mối quan hệ nhân quả với nhau nhưng hoàn toàn độc lập với nhau. Điều này thể hiện ở chỗ nếu như hợp đồng này vô hiệu thì không đương nhiên hợp đồng kia bị vô hiệu.

Thứ năm, giao dịch bảo lãnh ngân hàng không phải là giao dịch nhiều bên mà là giao dịch kép. Theo đó tổ chức tín dụng phải lần lượt ký kết hợp đồng dịch vụ bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh. Bảo lãnh ngân hàng là giao dịch không thể hủy ngang bởi người đại diện có thẩm quyền của tổ chức tín dụng bảo lãnh.

3. Các loại bảo lãnh ngân hàng

Chúng ta có thể sắp xếp theo: đối tượng bảo lãnh, phân loại theo hình thức sử dụng, phân loại theo phương thức phát hành bảo lãnh và phân loại theo mục đích. Cụ thể như sau:

+ Phân loại theo hình thức sử dụng: bao gồm 2 hình thức là: bảo lãnh có điều kiện và bảo lãnh vô điều kiện

+ Phân loại theo phương thức phát hành: gồm các hình thức: bảo lãnh trực tiếp, Bảo lãnh gián tiếp, bảo lãnh được xác nhận và đồng bảo lãnh.

+ Phân loại theo mục đích sử dụng: gồm nhiều loại bảo lãnh như: bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh đảm bảo hoàn trả vốn vay, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh đảm bảo hoàn trả tiền ứng trước, bảo lãnh bảo hành hay bảo lãnh đảm bảo chất lượng sản phẩm theo hợp đồng, bảo lãnh miễn khấu trừ giá trị hoá đơn

Các loại bảo lãnh khác: bao gồm các loại thư tín dụng dự phòng, bảo lãnh thuế quan, bảo lãnh hối phiếu, bảo lãnh phát hành chứng khoán.

4. Vai trò của hoạt động bảo lãnh ngân hàng

Đối với doanh nghiệp: Trong các quan hệ kinh tế không phải lúc nào các đối tác cũng tin tưởng nhau do rất nhiều nguyên nhân. Vì thế, để đảm bảo an toàn quan hệ làm ăn, bên cung cấp thường yêu cầu bên kia phải có bảo lãnh của ngân hàng thì giao dịch mới thực hiện. Do đó bảo lãnh ngân hàng đôi khi là yêu cầu bắt buộc để bước đầu giúp cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với hợp đồng. Ngoài ra, bảo lãnh giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được khoản vay vốn đáng kể, có thêm nguồn tài trợ cho nhu cầu vốn lưu động và doanh nghiệp chỉ phải trả một khoản phí tương đối thấp.

Đối với tổ chức tín dụng: Đối với ngân hàng, bảo lãnh là một trong các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế. Bảo lãnh đem lại lợi ích trực tiếp cho ngân hàng đó là phí bảo lãnh. Phí bảo lãnh đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng một khoản không nhỏ, chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng phí dịch vụ của các ngân hàng hiện nay.Không chỉ đóng góp vào lợi nhuận, bảo lãnh còn làm đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro mất vốn.

Đối với nền kinh tế: Sự tồn tại bảo lãnh ngân hàng là một khách quan đối với nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu làm cho nền kinh tế ngày một phát triển. Nó có vai trò như một chất xúc tác làm điều hoà, xúc tiến hàng loạt các quan hệ trong hợp đồng kinh tế. Nhờ có bảo lãnh mà các bên có thể tin tưởng yên tâm tham gia ký kết các hợp đồng kinh tế và có trách nhiệm với hợp đồng của mình đã ký kết. Bảo lãnh ngân hàng góp phần tăng cường mối quan hệ thư­ơng mại quốc tế giữa các quốc gia.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về hoạt động bảo lãnh ngân hàng, nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.

5/5 - (1 bình chọn)