Hai vợ chồng tôi sống với nhau 5 năm và có một cháu gái gần 4 tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi không đăng ký kết hôn. Do điều kiện sống khó khăn, nhiều lần vợ tôi đã bế con về nhà mẹ đẻ. Đến nay, tôi đang làm chủ một salon tóc thu nhập ổn định. Tôi đang sống cùng nhà của bố mẹ ở thành phố, cách trường học 800m. Trình độ văn hóa của tôi cao hơn vợ, thời gian tự do không bị ràng buộc. Vợ tôi ở quê đường xá không thuận tiện (chưa có internet, truyền hình cáp.v.v.) chỉ là nhân viên bán hàng, nhà vợ tôi xa trường học khu vui chơi. Mới đây vợ tôi lại bồng con về nhà cha mẹ và cắt đứt mọi liên lạc với tôi. Tôi muốn khởi kiện ra tòa để giành quyền nuôi con tôi phải làm gì?
Mong các luật sư trả lời giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Với câu hỏi của bạn Phamlaw xin được trả lời như sau (câu trả lời chỉ mang tính tham khảo):
Theo khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 có quy định: “Nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng”.
Mục 3 Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình ngày 09/6/2000 có hướng dẫn như sau:“ Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này được thực hiện như sau:
a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;
c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết”
Theo khoản 2 Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 “Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn”. Lúc này việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con tuân theo quy định tại Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Theo đó khoản 2 Điều này quy định:
“Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”
Như vậy, trong trường hợp này, con của anh đã gần 4 tuổi nên vợ anh sẽ không đương nhiên có quyền nuôi con theo quy định trên. Theo đó, anh hoàn toàn giành được ưu thế nuôi con nếu anh chứng minh được khả năng tài chính và các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con tốt hơn vợ.
Theo khoản 1 Điều 24 Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em có quy định về trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em như sau:
“Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em ».
Vì vậy, khi khởi kiện ra tòa, muốn nhận được quyền nuôi con anh phải chuẩn bị toàn bộ những giấy tờ hợp pháp mà mình có để chứng minh tài chính, điều kiện sống và các điều kiện khác để có thể trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con tốt hơn vợ anh về mọi mặt, đảm bảo quyền lợi tối ưu cho con để thuyết phục Tòa án phán xét và trao quyền nuôi con cho mình.
Trên đây là câu trả lời của Phamlaw đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể kết nối trực tiếp đến Phamlaw, chúng tôi rất sẵn lòng để giải đáp mọi vướng mắc của bạn.
Trân trọng./.