Miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc, Tổng giám đốc
Giám đốc/Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty. Giám đốc, Tổng giám đốc có quyền bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng đối với các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty. Vậy việc miễn nhiệm, cách chức đối với Giám đốc, Tổng giám đốc được pháp luật quy định như thế nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật doanh nghiệp 2020
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Giám đốc, tổng giám đốc là gì?
Giám đốc/Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty. Giám đốc/Tổng giám đốc được bổ nhiệm hoặc thuê và có nhiệm kỳ không quá 05 năm. Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của Giám đốc/Tổng Giám đốc. Theo đó Giám đốc/Tổng giám đốc thực hiện các quyền và nghĩa vụ nhất định sau:
- Tổ chức thực hiện quyết định của Chủ tịch công ty;
- Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
- Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
- Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Chủ tịch công ty;
- Ký hợp đồng nhân danh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch công ty; vii/ Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
- Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Chủ tịch công ty;
- Kiến nghị phương án sử dụng lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
- Tuyển dụng lao động;
- Kiến nghị phương án tổ chức lại công ty;
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
2. Vai trò của giám đốc/tổng giám đốc
Tổng giám đốc/giám đốc là người đóng vai trò quan trọng trong công ty. Tổng giám đốc/giám đốc có nhiệm vụ quản lý, giám sát bao quát toàn bộ các hoạt động của nhân viên, ban lãnh đạo các bộ phận, trực tiếp chỉ đạo và đi gặp mặt các đối tác quan trọng của doanh nghiệp, bao gồm:
Thứ nhất, Quyết định toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Tổng giám đốc/giám đốc có vai trò quyết định đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Chức vụ này sẽ thực thi một số chiến lược kinh doanh nhằm mở rộng quy mô sản xuất của công ty, gia tăng lợi nhuận. Các chiến lược kinh doanh này có thể kể đến: Phương án đầu tư, các kế hoạch kinh doanh, các kế hoạch xây dựng thương hiệu, kế hoạch quảng bá sản phẩm,… Bên cạnh đó, tổng giám đốc sẽ có những kế hoạch để thực hiện các phương án đầu tư hiệu quả nhất, tối ưu chi phí và có được lợi nhuận tối đa nhất.
Thứ hai, họ là cố vấn tham mưu trong trường hợp công ty là tập đoàn và có chủ tịch
Nếu doanh nghiệp là một tập đoàn lớn mạnh, có nhiều công ty mẹ và công ty con, hình thành một mạng lưới thì tổng giám đốc chính là cố vấn tham mưu trong trường hợp này. Tổng giám đốc sẽ trực tiếp viết kế hoạch, điều hành, báo cáo kết quả kinh doanh của tập đoàn tới chủ tịch. Mặt khác, tổng giám đốc sẽ là cố vấn tư vấn các chiến lược phát triển tập đoàn, các kế hoạch quan trọng, các dự báo hoặc tầm nhìn dài hạn trong kinh doanh đối với lĩnh vực mà doanh nghiệp đang theo đuổi.
Thứ ba, Tập trung gây dựng bộ máy nhân sự tối cao
Bộ máy nhân sự tối cao của một tập đoàn lớn có thể hiểu là các chức danh giám đốc. Từ giám đốc nhân sự, giám đốc điều hành, giám đốc sản xuất,…đều được trực tiếp tổng giám đốc cân nhắc và tuyển dụng, đảm bảo khối lượng và chất lượng công việc. Ngoài ra, chức danh này còn có trách nhiệm bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức hoặc thuyên chuyển công tác đối với các chức vụ trong doanh nghiệp, trừ những chức vụ nằm ngoài thẩm quyền phụ trách của tổng giám đốc.
Thứ tư, Định hướng chiến lược và mục tiêu phát triển của tổ chức
Ban giám đốc công ty có chức năng xây dựng chiến lược, cung cấp tầm nhìn, sứ mệnh, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của tổ chức. Công việc này thường là việc của giám đốc điều hành hoặc tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp.
3. Các trường hợp miễn nhiệm, cách chức giám đốc/tổng giám đốc
Tất cả doanh nghiệp dù nhà nước hay tư nhân, dù hoạt động theo hình thức thành lập công ty TNHH hay cổ phần thì trong việc tổ chức cơ cấu quản lý đều cần có Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để điều hành công việc hằng ngày của công ty; thực hiện kế hoạch, phương án kinh doanh, kế hoạch đầu tư của công ty; ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty; ký hợp đồng, thỏa thuận nhân danh công ty; tuyển dụng lao động.
Giám đốc, Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định bổ nhiệm hoặc thuê theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận và có thể làm đại diện pháp luật cho công ty. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty cũng có quyền miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Tổng giám đốc. Dưới đây, Luật Phamlaw sẽ chỉ ra các trường hợp miễn nhiệm, cách chức giám đốc/tổng giám đốc theo quy định pháp luật mới nhất:
3.1 Các trường hợp miễn nhiệm giám đốc/tổng giám đốc
Miễn nhiệm là việc người được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Vì lý do chính đáng hoặc năng lực có hạn hoặc vi phạm kỷ luật chưa đến mức bị cách chức mà người đương nhiệm hoặc cơ quan, tổ chức đã bổ nhiệm thực hiện miễn nhiệm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật doanh nghiệp 2020, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bị miễn nhiệm trong trường hợp sau đây:
– Không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại Điều 101 của Luật doanh nghiệp 2020, bao gồm các tiêu chuẩn sau:
+ Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp 2020
+ Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty.
+ Không phải là người có quan hệ gia đình của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan đại diện chủ sở hữu; thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty; Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc và Kế toán trưởng của công ty; Kiểm soát viên công ty.
+ Chưa từng bị cách chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Phó Tổng giám đốc tại công ty hoặc ở doanh nghiệp nhà nước khác.
+ Không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp khác.
+ Tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty.
– Có đơn xin nghỉ việc.
Như vậy Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bị miễn nhiệm khi có đơn xin nghỉ việc hoặc không đủ tiêu chuẩn và điều kiện tại Điều 101 của Luật doanh nghiệp 2020.
3.2 Các trường hợp cách chức giám đốc/tổng giám đốc
Cách chức là việc người có thẩm quyền ra quyết định cho người được bổ nhiệm đang giữ một chức vụ nhất định thôi không giữ chức vụ đó nữa do vi phạm pháp luật thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của người đó, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm và trách nhiệm được giao.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật doanh nghiệp 2020, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bị xem xét cách chức trong trường hợp sau đây:
– Doanh nghiệp không bảo toàn được vốn theo quy định của pháp luật;
– Doanh nghiệp không hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh hằng năm;
– Doanh nghiệp vi phạm pháp luật;
– Không có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu của chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh mới của doanh nghiệp;
– Vi phạm một trong số các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý quy định tại Điều 97 và Điều 100 của Luật doanh nghiệp 2020;
– Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.
Như vậy, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc bị cách chức khi doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, không bảo toàn được vốn, không hoàn thành các mục tiêu kế hoạch kinh doanh; khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc có hoạt động kinh doanh trái với quy định của pháp luật hoặc Giám đốc ,Tổng giám đốc không có đủ trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Lưu ý: Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm, cách chức, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xem xét, quyết định tuyển chọn, bổ nhiệm người khác thay thế. Trường hợp miễn nhiệm, cách chức đối với Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, người quản lý khác của công ty, Kế toán trưởng do Điều lệ công ty quy định. Khi miễn nhiệm, cách chức Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là đại diện pháp luật công ty thì phải làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật theo đúng quy định về thay đổi đăng ký kinh doanh của Luật doanh nghiệp 2020.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw về việc miễn nhiệm, cách chức đối với giám đốc, tổng giám đốc. Nếu bạn còn vướng mắc hoặc muốn được hỗ trợ tư vấn, vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn của chúng tôi. Hỗ trợ dịch vụ qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508.