Những điều cần biết về Điều lệ trong doanh nghiệp

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐIỀU LỆ TRONG DOANH NGHIỆP

PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ BẢN CHẤT ĐIỀU LỆ

Mặc dù có tính chất nội bộ, điều lệ không chỉ điều chỉnh các quan hệ trong nội bộ doanh nghiệp. Điều lệ điều chỉnh quan hệ (i) các thành viên hoặc cổ đông với nhau (ii) các thành viên hoặc cổ đông với công ty (iii) công ty với các bên thứ ba.

I. Phạm vi áp dùng của điều lệ

1.Quan hệ giữa các thành viên hoặc cổ đông với nhau

Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cụ thể về các nghĩa vụ của thành viên, cổ đông và các nghĩa vụ này thể hiện cam kết giữa các thành viên và cổ đông với nhau. Thành viên và cổ đông có bốn nghĩa vụ cơ bản là:

– Tuân thủ quy định của điều lệ;

– Tuân thủ các quy định của pháp luật;

– Góp vốn hoặc mua cổ phần theo đúng cam kết;

– Tuân thủ quyết định của cơ quan quản lý như hội đồng thành viên (đối với loại hình công ty TNHH ) hoặc Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông (đối với công ty CP).

Các nghĩa vụ trên của thành viên và cổ đông về lý thuyết có thể tạo cho các thành viên và cổ đông quyền yêu cầu thành viên và cổ đông khác tuân thủ các nghĩa vụ của mình hoặc yêu cầu các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật và điều lệ.

Những điều cần biết về Điều lệ trong doanh nghiệp
Những điều cần biết về Điều lệ trong doanh nghiệp

> Có thể bạn quan tâm hồ sơ giải thể doanh nghiệp

2. Quan hệ giữa các thành viên hoặc cổ đông trong công ty

Về bản chất, thông qua việc góp vốn hoặc mua cổ phần, thành viên hoặc cổ đông chính là chủ sở hữu của CTTNHH hoặc CT CP. Do vậy, thành viên hoặc cổ đông có quyền quản lý công ty và thông thường việc quản lý này được thực hiện thông qua các cơ quan quản lý nội bộ và người quản lý của công ty. Điều lệ điều chỉnh mối quan hệ này giữa các thành viên hoặc cổ đông với công ty trên khía cạnh điều lệ quy định về quyền của thành viên hoặc cổ đông đối với các cơ quan quản lý nội bộ và người quản lý. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nội bộ và người quản lý có nghĩa vụ tuân thủ các thủ tục và yêu cầu quy định tại điều lệ trong quá trình hoạt động để bảo đảm thành viên hoặc cổ đông luôn có quyền quản lý nhất định đối với công ty. Do điều lệ cũng có thể quy định nhiều quyền của thành viên hoặc cổ đông cao hơn so với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp 2014, điều lệ là cơ sở thành viên hoặc cổ đông thực hiện các quyền này và tạo thành nghĩa vụ của công ty.

3. Quan hệ giữa công ty với bên thứ ba

Điều lệ thể hiện quan hệ giữa công ty với các bên thứ ba (trong đó bao gồm cả chủ nợ) ở ba khía cạnh.

Thứ nhất: Điều lệ quy định cơ chế ủy quyền từ công ty cho người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền xác lập và thực hiện các hợp đồng hoặc giao dịch thay mặt công ty với các bên thứ ba, đại diện cho công ty trong các thủ tục tố tụng hoặc làm việc với cơ quan quản lý nhà nước. Điều lệ cũng cho phép chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hành động như đại diện được ủy quyền của công ty để thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của công ty hoặc bảo vệ lợi ích của công ty.

Thứ hai: Điều lệ công ty cũng quy định thẩm quyền của các cơ quan quản lý công ty như Hội đồng thành viên (đối với CTTNHH) và Đại hội đồng cổng đông (đối với CTCP) trong việc phê duyệt các hợp đồng và giao dịch của công ty với bên thứ ba.

Thứ ba: Điều lệ qy định trình tự, thủ tục chia tài sản của công ty để trả nợ cho bên thứ ba (bao gồm cả chủ nợ) khi công ty giải thể và thanh lý tài sản.

> Tham khảo về Thủ tục giải thể công ty

II. Bản chất của điều lệ

Bản chất pháp lý của điều lệ là một vấn đề quan trọng để xác định hậu quả pháp lý khi điều lệ bị vi phạm hoặc khi các bên xác lập và thực hiện các hợp đồng hoặc giao dịch của công ty trên cơ sở quy định của điều lệ. Theo quan điểm cá nhân trong bài phân tích này, có các cơ sở pháp lý không hoàn toàn trên cơ sở thỏa thuận của các bên ký kết hợp đồng. Do tính chất đặc thù của các quan hệ được điều chỉnh vởi điều lệ, điều lệ còn có thể coi là một loại hợp đồng đặc biệt xác lập trên cơ sở quy định của pháp luật.

1.Điều lệ xác định quyền và nghĩa vụ như một loại hợp đồng

Hợp đồng được hiểu đơn giản là một sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên. Hợp đồng cũng có thể được xác lập vì quyền lợi của bên thứ ba. Nếu hiểu như vậy, điều lệ có thể được coi là một loại hợp đồng. Như trình bầy ở trên, điều lệ điều chỉnh quan hệ giữa (i) các thành viên hoặc cổ đông với nhau, (ii) các thành viên hoặc cổ đông công ty, (iii) công ty với các bên thứ ba. Điều lệ có thể làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của thành viên hoặc cổ đông công ty và bên thứ ba. Mặc dù bên thứ ba không là một bên ký và phê chuẩn điều lệ, điều lệ vẫn có thể làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba. Điều lệ có thể coi là một loại hợp đồng đặc biệt và lợi ích của bên thứ ba.

2. Tính chất đặc biệt của điều lệ

Tính chất đặc biệt của điều lệ được thể hiện ở ba khía cạnh cơ bản là (i) các bên của điều lệ, (ii) tính chất như một hợp đồng ủy quyền của điều lệ, (iii) cách thức giải quyết tranh chấp của các bên của điều lệ.

a. Các bên của điều lệ

Dù điều lệ có thể được xem là một hợp đồng điều chỉnh mối quan hệ giữa ba đối tượng cơ bản là (i) thành viên hoặc cổ đông công ty, (ii) công ty và (iii) bên thứ ba. Bản điều lệ ban đầu không được thảo luận và ký kết bởi tất cả các bên kể trên mà chỉ được ký bởi các thành viên đầu tiên của CTTNHH hoặc cổ đông sáng lập của CTCP. Cổ đông không phải cổ đông sáng lập không cần ký vào điều lệ tại thời điểm công ty được thành lập. Các thành viên hoặc cổ đông tham gia vào công ty sau thời điểm công ty được thành lập cũng không cần ký vào bản điều lệ. Cũng tương tự như vậy, công ty và bên thứ ba không phải là một bên ký kết điều lệ ban đầu.

Ngoài vấn đề về bên ký kết, việc sửa đổi điều lệ cũng không giống với thủ tục áp dụng cho hợp đồng thông thường. Đối với hợp đồng thông thường, việc sửa đổi hợp đồng trong phần lớn trường hợp cần tất cả các bên ký kết hợp đồng (hoặc đại diện của các bên đó) đồng ý. Trong trường hợp hợp đồng vì lợi ích của bên thứ ba, khi bên thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ những trường hợp được bên thứ ba đồng ý.  Khác với hợp đồng thông thường, điều lệ có thể được sửa đổi không phải bởi tất cả các thành viên hoặc cổ đông của công ty. Điều lệ có thể được sửa đổi nếu có sự đồng ý của các thành viên hoặc cổ đông đại diện một tỷ lệ nhất định tổng số vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của các thành viên hoặc cổ đông. Nếu không đồng ý với quyết định sửa đổi điều lệ (liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên hoặc cổ đông), cổ đông hoặc thành viên không đồng ý có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần của mình. Điều lệ có thể được sửa đổi mà không phụ thược vào sự đồng ý của bên thứ ba.

b. Điều lệ có tính chất như một hợp đồng ủy quyền

Xét từ góc độ quan hệ giữa công ty, đại diện của công ty và bên thứ ba, điều lệ có tính chất như một hợp đồng ủy quyền. Điều lệ ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật và, trong một số trường hợp, người đại diện theo ủy quyền xác lập và thực hiện các hợp đồng hoặc giao dịch thay mặt công ty với các bên thứ ba. Điều lệ cũng cho phép chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hành động như đại diện được ủy quyền của công ty để thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của công ty hoặc bảo vệ lợi ích hợp pháp của công ty.

c. Giải quyết tranh chấp

Quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp “nội bộ” giữa các thành viên hoặc cổ đông là một nội dung bắt buộc của điều lệ. Điều lệ mẫu áp dụng với công ty đại chúng có quy định về điều khoản giải quyết tranh chấp giữa cổ đông với công ty và giữa cổ đông với hội đồng quản trị, ban kiểm soát, (tổng) giám đốc hay cán bộ quản lý cao cấp. Ở khía cạnh này, điều lệ cũng giống như một hợp đồng thông thường với quy định về giải quyết tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng. Điều cần lưu ý là thông thường điều lệ không quy định về việc giải quyết tranh chấp giữa công ty hoặc thành viên hoặc cổ đông của công ty với bên thứ ba. Tranh chấp giữa công ty hoặc thành viên hoặc cổ đông của công ty và bên thứ ba sẽ dựa vào điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng cụ thể ký kết giữa công ty hoặc thành viên hoặc cổ đông của công ty và bên thứ ba hoặc theo quy định của pháp luật.

Thay cho lời kết điều cần biết về điều lệ trong doanh nghiệp.

Tại thời điểm hiện nay, bản chất của điều lệ chưa được quy định hoặc giải thích cụ thể trong luật và án lệ của Việt Nam. Theo quan điểm của tác giả, có thể coi điều lệ như một loại hợp đồng thì trong trường hợp một thành viên hoặc cổ đông hoặc công ty vi phạm điều lệ, các thành viên hoặc cổ đông khác hoặc bên thứ ba sẽ có mọi quyền theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật, bao gồm (ngoài các quyền khác): (i) quyền đòi bồi thường thiệt hại, (ii) quyền đòi bên vi phạm hoặc khắc phục hoặc chấm dứt hành vi vi phạm, (iii) quyền tạm dừng thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng.

Việc thực hiện các quyền trên trong bối cảnh liên quan đến điều lệ phụ thuộc vào chính quy định cụ thể trong điều lệ và pháp luật. Điều lệ có thể cho phép thành viên hoặc cổ đông có quyền yêu cầu các thành viên hoặc cổ đông khác và người quản lý bồi thường khi các đối tượng này vi phạm quy định của điều lệ và pháp  luật. Bản chất của điều lệ là một vấn đề phức tạp. Học thuyết pháp lý về bản chất của điều lệ cần tiếp tục được xem xét và phát triển trong pháp luật và bản án tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp đi đến tận cùng để xác định hậu quả pháp lý khi điều lệ bị vi phạm hoặc khi các bên xác lập và thực hiện các hợp đồng hoặc giao dịch của công ty trên cơ sở quy định của điều lệ khi mà pháp luật không có quy định hoặc quy định không rõ ràng về quyền và nghĩa vụ các các bên có liên quan.

Trên đây là nội dung  về “Những điều cần biết về Điều lệ trong doanh nghiệp”, Quý bạn đọc, Quý khách hàng có thể tham khảo. Để được hỗ trợ dịch vụ soạn thảo điều lệ doanh nghiệp, Quý khách hàng kết nối đến số máy nóng 097 393 8866 hoặc 091 611 0508. Chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ.

————————

Phòng biên tập công ty luật Phamlaw

Bài viết này có sử dụng sách chuyên khảo “Pháp luật về doanh nghiệp các vấn đền pháp lý cơ bản” của tác giả Trương Nhật Quang. Quý bạn đọc, Quý khách hàng  nếu còn vướng mắc hoặc muốn trao đổi thêm có thể liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp luật chuyên sâu của Phamlaw để được tư vấn.

> Tìm hiểu về thủ tục giải thể công ty tnhh

 

 

 

3/5 - (2 bình chọn)