Thân nhân có được gặp người đang bị tạm giữ không

Tóm tắt câu hỏi: Thân nhân có được gặp người đang bị tạm giữ không?

Xin chào luật sư. Tuần trước con trai tôi có trộm cắp chiếc xe máy của nhà hàng xóm. Hiện tại nó đang bị tạm giữ để điều tra. Gia đình tôi mong muốn gặp nó, đem cho nó ít đồ cá nhân. Luật sư cho tôi hỏi: Gia đình tôi có được gặp con tôi không? Nếu được gặp thì số lần được gặp là bao nhiêu? Tôi xin cảm ơn.

Người gửi: Lê Văn Linh

Thân nhân có được gặp người đang bị tạm giữ không

Luật sư tư vấn:

Xin chào anh! Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi về cho công ty Luật Phạm Law. Đối với câu hỏi của anh công ty Luật Phạm Law xin được tư vấn như sau:

  1. Căn cứ pháp luật

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015

  1. Thân nhân có được gặp người đang bị tạm giữ không?

Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ. Người bị tạm giữ sẽ bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự

Căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015:

1. Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ..”

Như vây, gia đình anh có thể gặp con trai mình trong thời hạn tạm giữ. Cụ thể: sẽ được gặp một lần trong mỗi lần gia hạn. Trong trường hợp muốn tăng thêm số lần gặp thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Trong đó thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ. Tuy nhiên, gia đình anh sẽ chỉ được gặp người đang bị tạm giữ nếu không thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 4 điều 22 Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015:

“4. Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây và phải nêu rõ lý do:

a) Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

b) Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;

c) Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;

d) Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;

đ) Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;

e) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;

g) Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;

h) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này.”

Khi gia đình đến thăm gặp sẽ phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ. Việc thăm gặp sẽ phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ; không làm ảnh hưởng đến các hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền; tuân thủ quy định về thăm gặp; trường hợp cơ quan thụ lý vụ án có yêu cầu thì phối hợp với cơ sở giam giữ để giám sát, theo dõi việc thăm gặp. Thủ trưởng cơ sở giam giữ sẽ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp; thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án về việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Phạm Law về vấn đề “Thân nhân có được gặp người đang bị tạm giữ không?Nếu có thắc mắc hoặc vấn đề pháp lý nào khác cần tư vấn quý khách vui lòng gọi điện tới tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của công ty Luật Phạm Law để gặp luật sư tư vấn và chuyên viên pháp lý.

Trân trọng cảm ơn!

 

5/5 - (1 bình chọn)