Mở quán ăn bình dân có phải đăng kí kinh doanh không?

Mở quán ăn bình dân có phải đăng kí kinh doanh không?

Dịch vụ kế toán thuế

Xin chào các luật sư: Mình đang có dự định mở quán ăn nhưng không biết thủ tục pháp lý như thế nào? Rất mong nhận được tư vấn của các luật sư

Với câu hỏi của bạn Phamlaw xin được trả lời như sau (câu trả lời chỉ mang tính tham khảo):

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật doanh nghiệp 2020;

Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;

Luật an toàn thực phẩm năm 2010.

NỘI DUNG TƯ VẤN

Kinh doanh quán ăn bình dân là một trong những hình thức kinh doanh được nhiều cá nhân và hộ gia đình lựa chọn. Việc mở quán ăn nhỏ có cần xin giấy phép kinh doanh hay không là điều mà nhiều người quan tâm.

1. Tại sao nên kinh doanh quán cơm bình dân?

Kinh doanh cơm bình dân không đòi hỏi bạn phải có mặt bằng rộng hay có nhiều vốn mà chỉ cần bạn chuẩn bị chất lượng món ăn cho thật tốt thì dù quán của bạn có ở ngay trong ngõ hẻm nhỏ thì cũng sẽ có rất nhiều khách hàng kéo đến để thưởng thức.

Dưới đây là những lý do cho thấy việc kinh doanh cơm bình dân là một trong những sự lựa chọn tốt trong những hình thức kinh doanh quán ăn hiện nay:

Thu lời nhanh chóng: khác với những hình thức kinh doanh đồ ăn khác với vốn xoay vòng thì việc bán cơm bình dân bạn có thể thu lời về ngay. Hiện nay giá mỗi suất cơm bình dân trung bình từ 20 đến 30 ngàn thì sau khi kết thúc một ngày bán hàng bạn có thể tổng hợp được hôm này lợi nhuận lãi suất là bao nhiêu

Bán được cả ngày: Nếu như mô hình bán cơm văn phòng chỉ bán được buổi trưa hay bún phở thì hầu như chỉ bán được buổi sáng hoặc tối thì bán cơm bình dân có thể bán được cả ngày sáng, trưa, chiều tối. Đối với những quán cơm bình dân giá cả rẻ hơn thì sẽ lấy số lượng khách hàng đông để kiếm lợi nhuận, nếu như bạn mở quán cơm bình dân bán cả ngày sẽ đưa về mức lợi nhuận cao hơn

Nguyên liệu dễ mua, chế biến đơn giản: Mở quán cơm bình dân không đòi hỏi món ăn quá cầu kỳ, các món ăn đều rất đơn giản như cơm nhà nên bạn dễ dàng tìm mua…công thức nấu đơn giản, không mất nhiều thời gian, công sức

2. Mở quán bình dân có cần giấy đăng kí kinh doanh không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP: Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Như vậy, trong các trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập thấp không cần đăng ký kinh doanh thì không có hình thức kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện.

Mặt khác, theo Khoản 5 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm 2010 có quy định: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể.

Kinh doanh quán cơm sẽ được xếp vào loại hình dịch vụ ăn uống. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện theo quy định của Pháp luật. Theo Điều 34 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, ngoài Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh quán ăn cần có thêm Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Thủ tục đăng ký xin giấy phép kinh doanh mở quán ăn bình dân

Hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh rất phổ biến tại Việt Nam. Đặc biệt dành cho các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh buôn bán nhỏ, những ngành nghề truyền thống hoặc ngành nghề không cần xuất hoá đơn giá trị gia tăng. Khi đăng ký kinh doanh quán ăn nhỏ thì hình thức hộ kinh doanh là lựa chọn tối ưu so với việc thành lập doanh nghiệp. Người đại diện hộ gia đình, cá nhân hoặc nhóm cá nhân muốn xin giấy đăng ký hộ kinh doanh cá thể cho quán ăn cần gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt quán ăn.

Bước 1: Thành lập hộ kinh doanh kinh doanh quán ăn

Trình tự thành lập hộ kinh doanh bao gồm các thủ tục sau:

1. Chuẩn bị hồ sơ

Theo khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Phụ lục III-1 ban hành kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT);

– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

2. Nộp hồ sơ

Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:

– Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Tài chính – Kế hoạch.

– Nộp hồ sơ qua Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh/thành phố nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh.

3. Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ và trao giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho người thành lập hộ kinh doanh.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Tài chính – Kế hoạch phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

 4. Nhận kết quả

Hộ kinh doanh căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy biên nhận hồ sơ đến nhận kết quả.

Lưu ý: Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Bước 2: Xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho quán ăn

Vì là một cơ sở kinh doanh thực phẩm nên chắc chắn bạn cần phải đảm bảo các yêu cầu về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hồ sơ xin giấy phép an toàn thực phẩm cho quán ăn:

– Đơn xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

– Bản thuyết minh cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở kinh doanh;

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề đăng ký kinh doanh;

– Danh sách chủ cơ sở và những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh được cấp giấy xác nhận kiến thức;

– Danh sách chủ cơ sở và những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh có đủ điều kiện sức khỏe;

Cơ quan cấp giấy phép an toàn thực phẩm cho quán ăn:

Sau đó bạn nộp hồ sơ tại Chi cục an toàn thực phẩm, ban an toàn thực phẩm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; hoặc phòng ý tế Quận Huyện nơi mở quán ăn.

Thời gian cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho quán ăn:

Khi đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bạn sẽ được thẩm xét hồ sơ, rồi đến quá trình thẩm định cơ sở và cấp giấy chứng nhận.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trường hợp từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là câu trả lời của Phamlaw đối với trường hợp của bạn, nếu còn vướng mắc bạn có thể kết nối trực tiếp đến Phamlaw, chúng tôi rất sẵn lòng để giải đáp mọi vướng mắc của bạn.

Trân trọng./.

Các dịch vụ của Phamlaw:

thủ tục giải thể doanh nghiệp

dịch vụ giải thể công ty

Mở quán ăn bình dân có phải đăng kí kinh doanh không – Luật Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)