Quy định về cổ tức và chia cổ tức trong doanh nghiệp

Quy định cổ tức và chia cổ tức trong doanh nghiệp

1. Cổ tức là gì?

Căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính (Khoản 5 Điều 4 luật doanh nghiệp 2020).

Về nguyên tắc thì mục đích cơ bản của bất kỳ công việc kinh doanh nào là nhằm tạo ra lợi nhuận cho nhà đầu tư và cổ tức là cách thức quan trọng nhất để việc kinh doanh thực hiện được nhiệm vụ này. Khi công việc kinh doanh của công ty tạo ra lợi nhuận, một phần lợi nhuận được tái đầu tư vào việc kinh doanh và lập các quỹ dự phòng, phòng phần lợi nhuận còn lại được chi trả cho các cổ đông (gọi là cổ phiếu phát hành bổ sung cổ tức). Một số công ty trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt, trong trường hợp này cổ đông nhận được các cổ phiếu phát hành bổ sung.

Quy Dinh Ve Co Tuc Va Chia Co Tuc Trong Doanh Nghiep
Quy định về cổ tức và chia cổ tức trong doanh nghiệp

Hiện nay, cổ tức được chia thành 2 loại phổ biến: Cổ tức cổ phiếu phổ thông và cổ tức cổ phiếu ưu đãi
Cổ tức cổ phiếu phổ thông: Chi trả một phần lợi nhuận ròng của công ty theo quy định sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ thuế và tài chính khác.
Cổ tức cổ phiếu ưu đãi: Tùy theo loại hình cổ phiếu ưu đãi mà cổ đông sẽ được ưu tiên chia mức phần trăm cổ tức cao hơn cổ tức phổ thông hoặc các quyền lợi khác.

2. Điều kiện và hình thức trả cổ tức

Thứ nhất, về điều kiện trả cổ tức

Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi. Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

+ Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

+ Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Thứ hai, về hình thức trả cổ tức

Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty.

+ Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 của Luật Doanh nghiệp 2020. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.

3. Công ty lỗ có được hưởng cổ tức không?

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:  Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hàng năm. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức (Khoản 1 Điều 117 Luật doanh nghiệp năm 2020); và “Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo các điều kiện áp dụng riêng nhưng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi” (Khoản 1 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

Như vậy, trong trường hợp công ty cổ phần ưu đãi cổ tức được hưởng một “mức cố định hàng năm” và có thể ở một mức rất cao, thì dù kinh doanh thua lỗ vẫn phải trả cổ tức. Tuy nhiên, khi đó cổ tức không lấy từ lợi nhuận của công ty (vì thua lỗ), thì được tính vào chi phí hay tính vào đâu? Việc chia cổ tức này cũng mâu thuẫn với quy định “Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác” (Khoản 5 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020). Tuy nhiên, nó lại trở thành hợp lý khi luật này quy định rõ: “Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty”. Và, “Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện”  gồm:

Thứ nhất: Đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

Thứ hai: Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty;

Thứ ba: Ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn. Tức là cổ phần ưu đãi cổ tức nằm ngoài các điều kiện này.

Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, “Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông” và “Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần”. Đồng thời, Luật cũng quy định, Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, Là do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng Cổ đông quyết định. Vậy thì nếu công ty có tới 99% cổ phần ưu đãi cổ tức cũng không sai luật, vì không có quy định nào về đối tượng và tỷ lệ sở hữu trong cổ phần ưu đãi cổ tức. Nếu đúng như vậy thì dù công ty không bao giờ có lãi nhưng cổ đông vẫn có thể được hưởng mức cổ tức rất cao cao một cách hợp pháp.

Trên đây là quan điểm của Phamlaw về “Quy định về cổ tức và chia cổ tức trong doanh nghiệp”

Bài viết này có tham khảo một số sách chuyên khảo cuốn “Luận giải Luật Doanh nghiệp” của Luật sư Trương Thanh Đức. Quý khách hàng còn vướng mắc có thể kết nối tổng đài tư vấn 1900 của Luật Phamlaw. Để được hỗ trợ dịch vụ, vui lòng kết nối các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ.

> Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (2 bình chọn)