Đánh giá sự phù hợp của kiểu dáng công nghiệp
Sự phù hợp của kiểu dáng công nghiệp ở đây được hiểu là việc kiểu dáng công nghiệp đáp ứng được các điều kiện bảo hộ được pháp luật quy định và không thuộc đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp. Những điều kiện đó bao gồm: tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp được quy định tại Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, cụ thể bao gồm: Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có; hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp; hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
Cụ thể hoạt động đánh giá sự phù hợp của kiểu dáng công nghiệp được thực hiện như sau:
1. Đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp
Điểm 35.7 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN có quy định về đánh giá tính mới kiểu dáng công nghiệp, theo đó:
– Cách đánh giá tính mới: Để đánh giá tính mới của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp trùng lặp/tương tự gần nhất dùng làm kiểu dáng công nghiệp đối chứng tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.
– Kết luận về tính mới: Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là mới nếu:
+ Không tìm thấy kiểu dáng công nghiệp đối chứng trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc.
+ Hoặc, mặc dù có tìm thấy kiểu dáng công nghiệp đối chứng trong nguồn thông tin tối thiểu bắt buộc nhưng kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn có ít nhất một đặc điểm tạo dáng cơ bản không có mặt trong (không thuộc) tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đối chứng.
+ Hoặc, kiểu dáng công nghiệp đối chứng chính là kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được công bố/bộc lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 65 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009, 2019.
2. Đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp
Điểm 35.8 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN có quy định về đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp, theo đó:
– Cách đánh giá tính sáng tạo: Để đánh giá tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản của từng kiểu dáng công nghiệp đối chứng trùng lặp hoặc tương tự tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.
– Kết luận về tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp: Trong các trường hợp sau đây, kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là không có tính sáng tạo:
+ Kiểu dáng công nghiệp là sự kết hợp đơn thuần của các đặc điểm tạo dáng đã biết (các đặc điểm tạo dáng đã được bộc lộ công khai được sắp đặt hoặc lắp ghép với nhau một cách đơn thuần như thay thế, thay đổi vị trí, tăng giảm số lượng…).
+ Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng sao chép/mô phỏng một phần hoặc toàn bộ hình dáng tự nhiên vốn có của cây cối, hoa quả, các loài động vật…, hình dáng của các hình hình học (hình tròn, hình elíp, hình tam giác, hình vuông, chữ nhật, hình đa giác đều, các hình lăng trụ có mặt cắt là các hình kể trên…) đã được biết rộng rãi.
+ Kiểu dáng công nghiệp là sự sao chép đơn thuần hình dáng các sản phẩm, công trình đã nổi tiếng hoặc được biết đến một cách rộng rãi ở Việt Nam hoặc trên thế giới.
+ Kiểu dáng công nghiệp mô phỏng kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực khác, nếu sự mô phỏng đó đã được biết đến rộng rãi trên thực tế (ví dụ: đồ chơi mô phỏng ô tô, xe máy…).
Vậy, nếu không thuộc các trường hợp nói trên, kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo.
3. Đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp
Điểm 35.6 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN có quy định về đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp, theo đó:
– Cách đánh giá: Kiểu dáng công nghiệp nêu trong đơn được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu căn cứ vào các thông tin về kiểu dáng công nghiệp được trình bày trong đơn, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể dùng kiểu dáng công nghiệp đó làm mẫu để chế tạo bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp sản phẩm có hình dáng bên ngoài trùng với kiểu dáng công nghiệp đó.
Khái niệm “người có hiểu biết trung bình” về lĩnh vực tương ứng được hiểu theo quy định tương ứng tại điểm 23.6.a của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Cụ thể, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng được hiểu là người có các kỹ năng thực hành kỹ thuật thông thường và biết rõ các kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
– Trong các trường hợp sau đây, đối tượng nêu trong đơn bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp:
+ Đối tượng nêu trong đơn là hình dáng của sản phẩm có trạng thái tồn tại không cố định (các sản phẩm ở thể khí, chất lỏng…).
+ Chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn nhờ có kỹ năng đặc biệt hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng nêu trong đơn.
+ Các trường hợp với lý do xác đáng khác.
Xem thêm: >>> Yêu cầu đối với bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp
——————
Phòng tư vấn thủ tục hành chính – Phamlaw