Đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan về sở hữu trí tuệ

Đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan về sở hữu trí tuệ

Để phòng chống nạn hàng giả, hàng nhái liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 13/2015/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và mới đây nhất là ban hành Thông tư 13/2020/TT-BTC sửa đổi mộ số điều của Thông tư số 13/2015/TT-BTC. Theo đó cơ quan hải quan sẽ thực hiện tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với sản phẩm, hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.  Để làm rõ hơn về thủ tục này, Luật Phamlaw xin giới thiệu bài viết dưới đây:

1. Tạm dừng làm thủ tục hải quan về sở hữu trí tuệ là gì?

Về bản chất, tạm ngừng làm thủ tục hải quan (gọi đầy đủ là tạm ngừng làm thủ tục hải quan đối với hàng háo bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ) là một trong hai biện pháp được áp dụng của biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ bên cạnh biện pháp kiểm tra, giám sát để phát hiện hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Khoản 2 Điều 216 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019 đưa ra định nghĩa tạm ngừng làm thủ tục hải quan về sở hữu trí tuệ như sau:

Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

Theo đó có thể thấy, chỉ khi có yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ về tạm dừng làm thủ tục hải quan thì cơ quan hải quan mới thực hiện thủ tục này.

2. Hồ sơ cần chuẩn bị

Để thực hiện đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyên sở hữu trí tuệ cần chuẩn bị bộ hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan và gửi đến Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Khi chuẩn bị bộ hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan cần chú ý đến việc Tổng cục Hải quan đã chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể việc thành phần hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thru tục hải quan sẽ phụ thuộc vào hai trường hợp sau (Điều 9 Thông tư 13/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung theo Khoản 7 Điều 1 Thông tư 13/2020/TT-BTC):

Trường hợp một. Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) chưa chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát, hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan gồm:

  • Hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 13/2020/TT-BTC.
  • Đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan theo mẫu số 02 – ĐTD/SHTT/2020 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BTC.
  • Chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc khoản tiền đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan.
  • Chứng từ nộp phí hải quan theo tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh.

Trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa đáp ứng hoặc bị lỗi, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp nộp 01 bộ hồ sơ giấy gồm các chứng từ quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 13/2020/TT-BTC cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan. Chứng từ bảo lãnh và đơn đề nghị tạm dừng là bản chính, chứng từ nộp phí hải quan là bản chụp có ký tên, đóng dấu xác nhận của người nộp Đơn đề nghị.

Trường hợp hai. Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) đã có văn bản thông báo chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát. Theo đó, hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan gồm:

  • Đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan theo mẫu số 02-ĐTD/SHTT/2020 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BTC.
  • Chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc khoản tiền đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan.
  • Chứng từ nộp phí hải quan theo tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh.

3. Trình tự, thủ tục đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan về sở hữu trí tuệ

Để yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan cần thực hiện theo trình tự, thru tục sau đây:

Bước 1. Nộp hồ sơ

Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền nộp bộ hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đến Chi cục Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (https://www.customs.gov.vn/default.aspx).

Bước 2. Xử lý hồ sơ

Chậm nhất 02 giờ làm việc kể từ thời điểm nhận được đủ bộ hồ sơ, nếu chấp nhận đơn đề nghị, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan theo mẫu số 03-SHTT ban hành kèm theo Thông tư 13/2015/TT-BTC. Quyết định tạm dừng được gửi trực tiếp hoặc bằng thư bảo đảm, đồng thời fax ngay cho tổ chức, cá nhân có liên quan.

Hoặc Chi cục hải quan cũng có quyền ra văn bản thông báo cho người nộp đơn biết việc không chấp nhận đơn đề nghị trong các trường hợp sau: Chi cục Hải quan không giải quyết thủ tục hải quan đối với lô hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan có cơ sở khẳng định người nộp đơn không đủ tư cách pháp lý nộp đơn theo quy định của pháp luật, người nộp đơn không cung cấp đủ các tài liệu theo quy định tại Điều 9 Thông tư 13/2015/TT-BTC.

Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan. Trong trường hợp người yêu cầu tạm dừng có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể gia hạn với điều kiện người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nộp thêm khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan. Thời hạn gia hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn tạm dừng.

Sau khi người nộp Đơn đề nghị có Đơn đề nghị gia hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan và đã nộp khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh, Chi cục Hải quan nơi quyết định tạm dừng thực hiện việc gia hạn thời gian tạm dừng theo mẫu số 04-GHTD/SHTT/2020 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 13/2015/TT-BTC.

4. Cơ sở pháp lý

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019.

Thông tư số 13/2015/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thông tư 13/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2015/TT-BTC ngày 30 tháng 01 năm 2015 quy định về kiểm tra, giám sát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát hàng giả và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Phamlaw với thủ tục “Đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan về sở hữu trí tuệ”. Nếu còn vướng mắc, băn khoăn, Quý khách hàng, Quý bạn đọc vui lòng kết nối tổng đài 1900 để được tư vấn. Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính về sở hữu trí tuệ, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Xem thêm: >>> Tranh chấp và xử phạt khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

———————-

Phòng tư vấn thủ tục hành chính – Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)