Quyền lợi người lao động khi chi nhánh tạm ngừng hoạt động

Quyền lợi người lao động khi chi nhánh tạm ngừng hoạt động

Kính thưa luật sư: Doanh nghiệp chúng tôi có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại doanh nghiệp có 1 chi nhánh tại thành phố Đà Nẵng. Do hoạt động tại chi nhánh Đà Nẵng không được hiệu quả nên giám đốc doanh nghiệp quyết định tạm ngừng hoạt động chi nhánh tại Đà Nẵng. Luật sư cho chúng tôi hỏi: Về quyền lợi của người lao động cũng như trách nhiệm của công ty đối với người lao động ở chi nhánh này như thế nào? Các điều luật và căn cứ pháp lý để chúng tôi giải quyết theo trình tự, thủ tục nhà nước. Hiện tại chi nhánh Đà Nẵng có 03 lao động đều đã làm việc cho công ty trên 1 năm và có đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.

Rất cám ơn các luật sư Phamlaw và mong có sự phản hồi sớm.

Trả lời:

Cám ơn Quý khách hàng đã gửi câu hỏi đến Phamlaw. Với câu hỏi này chúng tôi xin được tư vấn như sau:

1. Căn cứ pháp lý

– Luật bảo hiểm xã hội 2014;

– Bộ luật lao động 2019;

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP

2. Chi nhánh tạm ngừng hoạt động là gì?

Theo quy định tại Điều 44 Luật doanh nghiệp 2020: Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi nhánh được thành lập nhằm mục đích mở rộng quy mô, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp. Chi nhánh không có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng.

Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính và có thể thành lập chi nhánh ở trong nước và nước ngoài. Ví dụ doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội có thể thành lập một hoặc nhiều chi nhánh tại các quận của thành phố Hà Nội hoặc thành lập chi nhánh tại các tỉnh thành khác.

Trong kinh doanh thì khó khăn là điều không thể tránh khỏi, để khắc phục khó khăn, tìm ra biện pháp phù hợp doanh nghiệp sẽ tiến hành tạm ngừng hoạt động chi nhánh, đây cũng chính là biện pháp làm giảm khả năng tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp. Chi nhánh tạm ngừng hoạt động có nghĩa là chi nhánh sẽ không thực hiện hoạt động kinh doanh trong một thời gian nhất định, sau khi kết thúc thời gian gian tạm ngừng hoạt động chi nhánh quay trở lại hoạt động bình thường. Việc tạm ngừng hoạt động chi nhánh doanh nghiệp phải thực hiện thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh về tạm ngừng hoạt động của chi nhánh.

2. Quyền lợi người lao động là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động 2019, người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

Quyền lợi là quyền được hưởng những lợi ích về về vật chất, tinh thần do kết quả hoạt động của bản thân tạo nên hoặc do phúc lợi chung cho nhà nước, xã hội hoặc tập thể cơ quan, xí nghiệp, tổ chức nơi mình sống, làm việc đem lại.

Như vậy, quyền lợi người lao động là quyền được hưởng những lợi ích vật chất, tinh thần do kết quả làm việc theo thỏa thuận với người sử dụng lao động đem lại. Quyền lợi người lao động gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ là cơ sở pháp lí để được hưởng quyền lợi.

3. Quyền lợi người lao động khi chi nhánh tạm ngừng hoạt động

Thứ nhất: Căn cứ Khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: “Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.”

Theo quy định nêu trên thì doanh nghiệp hay chi nhánh doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận rõ ràng với người lao động về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên khi tiến hành thủ tục tạm ngừng hoạt động về quyền lợi, trả lương chờ việc…trước khi công ty hết thời hạn tạm ngừng và trở lại hoạt động. (Thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP tối đa 01 năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh nhiều lần liên tiếp (không giới hạn thời gian)).

Quyen Loi Nguoi Lao Dong Khi Chi Nhanh Tam Ngung Hoat Dong
Quyền lợi người lao động khi chi nhánh tạm ngừng hoạt động

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động khi “hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động” được quy định tại khoản 3 Điều 34 Bộ luật lao động 2019 và công ty thực hiện thủ tục chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương”.

Như vậy, với 03 lao động đã làm việc theo hợp đồng lao động tại chi nhánh công ty trên 01 năm thì công ty sẽ phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động bằng một nửa tháng tiền lương nếu các bên tiến tới thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

Thứ hai: Về vấn đề bảo hiểm của người lao động khi chi nhánh tạm ngừng hoạt động.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 88 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:

“Điều 88. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

1. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất được quy định như sau:

a) Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng;

b) Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này.

Căn cứ vào quy định nêu trên thì người sử dụng lao động sẽ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất nhưng không được quá 12 tháng. Sau thời hạn tạm ngừng, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng. Như vậy, pháp luật cho phép hoãn đóng bảo hiểm xã hội để nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Cũng căn cứ theo Khoản 3, Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 nếu chi nhánh doanh nghiệp không có thỏa thuận nào khác với người lao động thì chi nhánh vẫn phải đóng bảo hiểm quỹ ốm đau thai sản và quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong thời gian tạm ngừng.

Trên đây là câu trả lời của chúng tôi cho nội dung câu hỏi về: “Quyền lợi người lao động khi chi nhánh tạm ngừng hoạt động”. Nếu Quý khách hàng còn vướng mắc hoặc muốn tìm hiểu thêm về các nội dung pháp luật khác vui lòng kết nối đến tổng đài tư vấn 1900 6284. Để được hỗ trợ các dịch vụ liên quan đến soạn thảo nội quy, quy chế trong doanh nghiệp, các thảo ước lao động tập thể, các chế độ chính sách của người lao động, Quý doanh nghiệp liên hệ số máy nóng 097 393 8866 hoặc 091 611 0506. Phamlaw luôn sẵn sàng phục vụ.

Phòng tư vấn Lao động – Phamlaw

5/5 - (1 bình chọn)