Căn cứ thu hồi đất theo luật đất đai 2013

Căn cứ thu hồi đất theo luật đất đai 2013

Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết, Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất. Thu hồi đất làm chấm dứt quan hệ pháp luật về đất đai, chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất bằng một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để hiểu rõ hơn về căn cứ thu hồi đất theo luật đất đai 2013, bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Nghị định 43/2014/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Thu hồi đất là gì?

Theo Khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, Thu hồi đất được hiểu là trường hợp Nhà nước ra quyết định thu lại quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đang thuộc quyền sử dụng đất của người khác, nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất.

2. Các trường hợp nhà nước thu hồi đất

Người sử dụng đất được thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất,  được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình. Nhà nước quyết định thu hồi đất của người sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật đất đai 2013, cụ thể như sau:

– Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh;

– Thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;

– Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

– Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.

Thứ nhất, Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Việc thu hồi đất vì mục đích, quốc phòng, an ninh thường được xác định là thu hồi đất để thực hiện việc xây dựng, tạo dựng các công trình an ninh quốc phòng như nơi đóng quân, trụ sở làm việc của cơ quan công an, quân đội, hoặc xây dựng thành căn cứ quân sự, cảng, ga quân sự, hay kho tang của lực lượng vũ trang; hoặc xây dựng để dựng thành trường bắn, thao trường, khu thử nghiệm hoặc phá bỏ vũ khí quân sự, xây dựng nhà công vụ. Các trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 61 Luật đất đai năm 2013.

Thứ hai, Thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế – xã hội, hoặc vì lợi ích quốc gia công cộng. Việc thu hồi đất để nhằm thực hiện các dự án xây dựng trụ sở cơ quan, công trình công cộng – dân sinh, khu đô thị, khu công nghiệp, hay các công trình giao thông, thủy lợi, điện lực và các dự án phát triển kinh tế – xã hội hoặc dự án công trình công cộng khác do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư, hoặc các dự án khác do Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận. Các trường hợp này cũng được quy định cụ thể tại Điều 62 Luật đất đai năm 2013.

Thứ ba, Thu hồi đất do người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Người đang sử dụng đất có thể bị Nhà nước thu hồi đất nếu trong quá trình sử dụng đất có một trong các hành vi vi phạm quy định của luật đất đai được quy định tại Điều 64 Luật đất đai năm 2013, Điều 15, Điều 66, 100 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Thứ tư, Thu hồi đất do người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất, do chấm dứt việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật hoặc do việc sử dụng đất có nguy cơ đe dọa đến tính mạng con người. Việc quyết định thu hồi đất đối với những trường hợp này được thực hiện khi có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 65 Luật đất đai năm 2013, cụ thể gồm các trường hợp:

– Người đang sử dụng đất tự nguyện trao trả đất lại cho Nhà nước.

– Người sử dụng đất là cá nhân bị chết và không có người thừa kế; trường hợp người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì bị giải thể, phá sản, không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển địa điểm kinh doanh.

– Đất đang sử dụng nằm trong khu vực bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sụt lún, sạt lở, bị ảnh hưởng thiên tai là mối đe dọa tính mạng con người.

– Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng đã hết thời hạn sử dụng đất và không được gia hạn.

Có thể thấy, việc Nhà nước thu hồi đất không được tùy ý mà phải thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật quy định. Đồng thời, dù thu hồi đất trong trường hợp nào thì việc thu hồi đất của Nhà nước cũng sẽ làm chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất kể từ thời điểm thu hồi đất. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định của Luật đất đai 2013 thì được bồi thường. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất được luật đất đai quy định phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

3. Thẩm quyền thu hồi đất

Theo quy định tại điều 66 Luật đất đai 2013 thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất thuộc về các cơ quan dưới đây:

– UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh):

+ Thu hồi đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

+ Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

– UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (UBND cấp huyện):

+ Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư;

+ Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Trong trường hợp đặc biệt, khu vực thu hồi đất vừa có cả đối tượng bị thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh vừa có cả đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi của UBND cấp huyện thì trường hợp này UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc thu hồi đất hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất. Như vậy, theo quy định nêu trên, chỉ có hai chủ thể có thẩm quyền thu hồi đất là UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; UBND cấp xã không có thẩm quyền thu hồi đất.

4.Trình tự thủ tục thu hồi đất

Quy trình việc thu hồi đất được thực hiện theo một quy trình cơ bản như sau:

Bước 1: Thông báo thu hồi đất

Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất. Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi.

Bước 2: Ra quyết định thu hồi đất

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

– Ủy ban nhân dân cấp huyện: Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Bước 3: Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất

Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc.

Bước 4: Lấy ý kiến, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã  nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tạ trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

Bước 5: Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã  phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê quyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

Bước 6: Tổ chức chi trả bồi thường

Theo quy định tại Điều 93 Luật đất đai 2013, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi.

Trên đây là nội dung về căn cứ thu hồi đất theo Luật đất đai 2013, nếu có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

 > Xem thêm:

5/5 - (1 bình chọn)