Gửi đơn khiếu nại đất đai ở đâu?

Gửi đơn khiếu nại đất đai ở đâu?

Quyền khiếu nại là một trong những quyền con người, được Hiến pháp, pháp luật nhà nước ta ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Quyền khiếu nại trong lĩnh vực đất đai là quyền năng hữu hiệu để cá nhân, cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các cơ quan công quyền trong lĩnh vực đất đai. Để hiểu rõ hơn về vấn đề gửi đơn khiếu nại đất đai ở đâu? Bạn đọc có thể tham khảo bài viết dưới đây của Phamlaw.

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật đất đai 2013

Nghị định 45/2014/NĐ-CP

Luật Khiếu nại 2011;

Nghị định 43/2014/NĐ-CP

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Khiếu nại đất đai là gì?

Căn cứ điều 30 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.”

Trong quan hệ pháp luật đất đai, người sử dụng đất được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình, được quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật đất đai.

Theo quy định của pháp luật thì có thể hiểu khiếu nại là việc các công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại đã quy định rõ, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình nhằm đưa ra cách xử lý đúng người. công khai, minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật

2. Đối tượng của khiếu nại đất đai là gì?

Quyền khiếu nại đất đai là một bộ phận của quyền khiếu nại hành chính. Do đó, đối tượng bị khiếu nại tuân theo quy định của pháp luật hành chính là các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong quản lý nhà nước về đất đai của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Trong đó:

a. Quyết định hành chính

Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Theo đó, một quyết định hành chính về đất đai là đối tượng khiếu nại phải có đủ ba điều kiện:

  • Quyết định hành chính được thể hiện dưới hình thức văn bản;
  • Quyết định do cơ quan quản lý nhà nước về đất đai hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ban hành;
  • Quyết định đó là quyết định hành chính cá biệt, quyết định được áp dụng một lần đối với chủ thể khiếu nại hoặc một số đối tượng cụ thể, trong đó có chủ thể khiếu nại.

b. Hành vi hành chính

Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

3. Thẩm quyền nhận đơn khiếu nại về đất đai

Trong lĩnh vực đất đai, việc khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết là nghĩa vụ của người khiếu nại (theo Điểm a, khoản 2, Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011). Do đó, việc xác định được chủ thể có thẩm quyền là vấn đề rất quan trọng.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực đất đai được quy định như sau:

– Chủ tịch UBND các cấp giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai của mình, của người do mình quản lý trực tiếp;

– Thủ trưởng các cơ quan quản lý đất đai và các cơ quan, đơn vị liên quan khác giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai của mình hoặc của cán bộ công chức do mình quản lý trực tiếp;

– Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường giải quyết lần đầu đối với khiếu nại quyết định hành chính của mình hoặc của người mình trực tiếp quản lý;

– Thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai về đất đai thuộc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc mà thủ trưởng các quan đơn vị này đã giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng quyết định giải quyết đó không được người sử dụng đất đồng ý, tiếp tục khiếu nại lên cấp trên.

4. Mẫu đơn khiếu nại đất đai

Quý khách hàng có thể tham khảo và tải mẫu đơn khiếu nại đất đai tại đây.

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập -Tự do – Hạnh phúc

……. ngày…. tháng… năm….

ĐƠN KHIẾU NẠI

(V/v:…………………………………………………………………………………… )

Kính gửi:………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Tên tôi là:…………………………. sinh ngày…….. tháng………….. năm………………………………………………………………………………..

Thường trú tại:………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

Số CMND/hộ chiếu………………………………… Ngày và nơi cấp:……………………………………………………………………………………

Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại:

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

Nội dung, lý do khiếu nại:

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

Yêu cầu giải quyết khiếu nại:

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

Tôi cam đoan về nội dung khiếu nại trên là đúng sự thật và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Mong quý cơ quan sớm xét và giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho tôi.

Xin chân thành cảm ơn.

Tài liệu kèm theo:

– ………………………………………

– ………………………………………

– ………………………………………

Người làm đơn

    (Ký tên và ghi rõ họ tên)

 

5. Thực trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai vẫn diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi phải có những giải pháp hết sức đồng bộ, với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến trình trạng khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai là do cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng thường xuyên thay đổi, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tế; hồ sơ, giấy tờ lưu trữ về đất đai chưa đồng bộ, chưa đủ cơ sở cho việc quản lý. Có nơi nhiều hộ lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về khiếu nại tố cáo của người dân còn hạn chế, nhiều trường hợp lợi dụng quyền dân chủ, việc lưu trữ hồ sơ không đầy đủ của cơ quan nhà nước để cố tình không hợp tác với cơ quan giải quyết, dẫn đến tình trạng một số vụ việc đã được các cấp, các ngành xem xét giải quyết thấu tình đạt lý, tổ chức kiểm tra, rà soát, đối thoại nhiều lần nhưng công dân vẫn không chấp hành, cố tình đưa ra những đòi hỏi không có căn cứ và vượt quá quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, một số chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm trong chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo, chậm trễ trong việc tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết và văn bản chỉ đạo của cấp trên khiến công dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại tố cáo lên cấp trên…

Để giải quyết khiếu nại tố cáo nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng, những năm gần đây, nhà nước cần ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh của nhân dân và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lĩnh vực này; thành lập tổ công tác để chỉ đạo giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Từ thực tế nêu trên, Luật Phamlaw xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật đất đai 2013, Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2018, Luật tố tụng hành chính 2015, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và các luật khác có liên quan.

Hai là, Hoàn thiện hệ thống điều tra, đánh giá tài nguyên đất, số lượng, chất lượng, tiềm năng và môi trường đất, bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu, dữ liệu về đất đai phục vụ cho việc hoạch định chính sách và ban hành quyết định của cơ quan nhà nước trong việc quản lý và sử dụng đất đai.

Ba là, cần khẩn trương kiện toàn về tổ chức và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiếp dân từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai để giải quyết kịp thời, dứt điểm, công bố công khai kết quả giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp, diễn biến phức tạp, khiếu kiện đông người; chịu trách nhiệm về việc giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, khắc phục tình trạng chuyển đơn thư của công dân lòng vòng hoặc chậm giải quyết, né tránh trách nhiệm. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, vi phạm trong thực hiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Đề nghị quy định rõ cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính về đất đai phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của quyết định ban hành, có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các quyết định hành chính liên quan đến đất đai.

Năm là, quan tâm thực hiện hòa giải tại cơ sở; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Xử lý kiên quyết đối với các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trên đây là tư vấn của Phamlaw về vấn đề gửi đơn khiếu nại đất đai ở đâu? Nếu bạn còn thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.

Gửi đơn khiếu nại đất đai ở đâu – Luật Phamlaw

 

5/5 - (1 bình chọn)

Attachments