Xử lý cán bộ, công chức vi phạm kế hoạch hóa gia đình
Email: Linhnguyen@…….
Ở cơ quan tôi có một anh cán bộ vừa sinh con thứ 3 được vài tháng. Anh ta nói là do vợ anh mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người vợ (có giấy xác nhận về sức khỏe của chị vợ tại bệnh viện cấp huyện). Tôi muốn hỏi, đối với trường hợp của anh này thì có bị xử phạt không? Mong sớm nhận được câu trả lời từ phía Luật sư. Tôi xin cảm ơn!
Với câu hỏi của bạn Phamlaw xin được trả lời như sau (câu trả lời chỉ mang tính tham khảo):
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Văn bản hợp nhất 25/2019/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Cán bộ, công chức do Văn phòng Quốc hội ban hành
Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW năm 2018
NỘI DUNG TƯ VẤN
1. Khái niệm cán bộ, công chức
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 4 Văn bản hợp nhất 25/2019/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Cán bộ, công chức do Văn phòng Quốc hội ban hành về khái niệm cán bộ, công chức như sau:
Thứ nhất, Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Thứ hai, Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
2. Chính sách kế hoạch hóa gia đình là gì?
Kế hoạch hóa gia đình là quá trình kiểm soát khả năng sinh con, điều chỉnh khoảng cách sinh con và số con trong gia đình. Có rất nhiều cách ngừa thai an toàn và hiệu quả, giúp các cặp vợ chồng thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình.
Kế hoạch hóa gia đình bao gồm việc sử dụng cách ngừa thai tự nhiên, các biện pháp tránh thai, cách ngừa thai ngoài ý muốn và cả những cố gắng giúp cho các cặp vợ chồng khó sinh đẻ có thể mang thai. Có thể phân chia kế hoạch hóa gia đình làm 2 loại là kế hoạch hóa gia đình âm tính (giảm phát triển dân số) và kế hoạch hóa gia đình dương tính (tăng phát triển dân số). Trong đó, chủ yếu là kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm phát triển dân số, góp phần ổn định dân số, xây dựng xã hội phát triển.
3. Cán bộ, công chức sinh con thứ ba thì có vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình không?
Theo Điều 27 Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW năm 2018 về các trường hợp được xem là không vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình như sau:
Thứ nhất, Trường hợp không vi phạm về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, gồm:
- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.
- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.
- Cặp vợ chồng sinh con lần thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.
- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.
Thứ hai, Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì thôi không xem xét, xử lý kỷ luật.
Theo đó, đối với trường hợp của anh cán bộ ở công ty bạn, do việc mang thai của vợ anh ta là ngoài ý muốn. Nếu vợ anh cán bộ thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của chị ấy và anh ấy đã có giấy xác nhận về sức khỏe của chị vợ tại bệnh viện cấp huyện, vì vậy trường hợp này sẽ không bị xử lý kỷ luật theo quy định pháp luật hiện hành.
4. Xử lý cán bộ, công chức vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình
Theo Điều 27 Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW năm 2018 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành thì vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình như sau:
Thứ nhất, Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ ba (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
- Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình; tham gia các hoạt động xét nghiệm, chuẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.
- Khai báo hoặc xin xác nhận, giám định không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ (chồng), con để thực hiện không đúng quy định hoặc để trốn tránh không bị xử lý do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
- Trường hợp vi phạm đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW năm 2018 mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ tư (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
Trường hợp vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm trong trường hợp sinh con thứ năm trở lên hoặc vi phạm trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
- Gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định.
Theo đó, cán bộ, công chức sinh con thứ ba thì áp dụng kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Trường hợp gian dối trong việc cho con đẻ hoặc nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm cố tình sinh thêm con ngoài quy định thì mới khai trừ khỏi đảng.
Bài viết trên đây là các thông tin liên quan đến việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình. Để biết thêm các thông tin chi tiết về vấn đề này, Quý bạn đọc có thể kết nối tổng đài 19006284 để được tư vấn chuyên sâu. Ngoài ra, Luật Phamlaw còn cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến thành lập, giải thể, tổ chức lại doanh nghiệp, ly hôn,…Để được hỗ trợ các dịch vụ có liên quan đến các thủ tục hành chính, Quý khách hàng kết nối số hotline 091 611 0508 hoặc 097 393 8866, Phamlaw luôn sẵn sàng hỗ trợ.